Những chính sách mới được thực thi từ tháng 6/2016
Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 56/2014/NĐ-CP và 18/2012/NĐ-CP về việc bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự từ ngày 5/6/2016.
Theo đó, phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tới đây chỉ bao gồm: xe ô tô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự.
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với xe ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.
Khẳng định việc thu phí đường bộ đối với xe máy đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Phí, lệ phí, song Bộ Giao thông Vận tải cho rằng quá trình triển khai, cách thức thực hiện gặp nhiều bất cập, hạn chế.
Quy định chức năng thanh tra chuyên ngành bảo hiểm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội. Sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2016
Nghị định này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiêu chuẩn, chế độ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.
Nội dung thanh tra gồm đối tượng đóng, mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội.
Nhiều chính sách mới đối với thân nhân người nhập ngũ
Theo Nghị định 27/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/6/2016), đối tượng thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có nhiều chính sách mới so với quy định cũ, cụ thể như sau:
Được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần nếu gặp tai nạn, hoả hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế (Không quá 02 lần/năm đối với một hạ sĩ quan, binh sĩ).
Khi ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần (không quá 02 lần/năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ).
Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.
Mức lương hưu hàng tháng của quân nhân, công an nhân dân
Theo Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về mức lương hưu hàng tháng đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, có hiệu lực từ ngày 26/6.
Theo đó, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu bắt đầu hưởng lương hưu hàng tháng từ năm 2016 đến hết năm 2017, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Ngoài ra, Nghị định cũng chỉ rõ, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu phục viên, xuất ngũ, thôi việc khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trợ cấp đặc thù cho công chức
Theo Nghị định 26/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6 quy định.
Theo đó, công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy ngoài được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng còn được phụ cấp ưu đãi về y tế với các mức từ 30% đến 70%; được phụ cấp về ưu đãi giáo dục từ 25% đến 50% trên mức lương theo ngạch chức danh nghề nghiệp. Mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một loại phụ cấp ưu đãi theo nghề với mức phụ cấp ưu đãi cao nhất.
Phạt nặng đối với việc sử dụng thuốc cấm
Theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực thi hành từ ngày 25/6 quy định.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Hành vi sử dụng thuốc cấm đối với cây trồng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng (mức phạt cũ chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng). Sử dụng thuốc thực vật không đúng hướng dẫn sử dụng, không gom sau khi sử dụng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, tùy theo khối lượng thuốc vi phạm; ngoài ra còn áp dụng hình phạt bổ sung đình hoạt động sản xuất, tịch thu tiêu hủy…
Quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH
Từ ngày 16/6, Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện thông qua các hình thức theo thứ tự ưu tiên như sau: mua trái phiếu Chính phủ; cho ngân sách nhà nước vay; gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành và đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng.
Hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở với người lao động
Quyết định 17/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực từ 20/6.
Theo đó, từ ngày 20/6, áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 0,8 lần so với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với công chức trong chỉ tiêu biên chế và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm việc tại các tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2018.
Hệ số điều chỉnh nêu trên không áp dụng với thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Thời gian đi học tập trung trong nước từ 3 tháng liên tục trở lên; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên; thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giam và thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển