Thị trường

Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 7/2016

(DNVN) - Hàng loạt các chính sách quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, xã hội... sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2016.

Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô

Quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra nhằm bảo đảm bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo đó, Luật bổ sung quy định làm rõ giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết để bảo đảm minh bạch.

Ảnh minh họa.

Về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ, để thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và phù hợp với bản chất của từng loại xe, Luật đã quy định điều chỉnh giảm có lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống.

Tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm3 vì đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.

Giảm thuế, miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Luật đã quy định miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống để giảm bớt khó khăn cho hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là hộ gia đình ở miền núi, vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, Luật còn sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại Luật Quản lý thuế theo mức bằng 0,03%/ngày (thay cho mức 0,05%/ngày) tính trên số tiền thuế chậm nộp để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay khi lãi suất cho vay ngân hàng đã giảm về mức 8%-9%/năm.

 

Quy định về tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng

Theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, tiền lương, phụ cấp, nhà ở đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xác định theo trình độ đào tạo, chức danh, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp... 

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nâng lương nếu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và đủ thời hạn nâng lương. Mỗi lần chỉ được nâng một bậc; trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, học tập và trong thực hiện nhiệm vụ sẽ được nâng lương trước thời hạn hoặc vượt bậc...

Trưng cầu ý dân vấn đề quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ

Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương 52 điều quy định Quốc hội có quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ, về đối ngoại... có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.

 

Kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

Nới điều kiện nhập khẩu máy móc cũ

Thông tư số 23 quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng "có tuổi" không quá 10 năm, được sản xuất phù hợp quy chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường.

Với các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng, trong đó có nhu cầu dịch chuyển dây chuyền máy móc từ nước ngoài vào Việt Nam, nếu hồ sơ dự án có đề cập mong muốn thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ có quyền quyết định mà không phải thực hiện theo yêu cầu của thông tư.

Phạt 200.000 đồng nếu không mặc áo phao khi qua sông

 

Hành khách có thể bị xử phạt 200.000 đồng nếu đi trên phương tiện chở khách ngang sông mà không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Đây là nội dung nổi bật trong nghị định của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Bên cạnh đó, người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao cứu sinh , dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách.

Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị và dụng cụ an toàn cho người và hành khách trên phương tiện, thuyền viên sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với các phương tiện chở đến 12 khách.

Cản trở đại biểu Quốc hội giám sát sẽ bị xử lý

 

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

Trong luật quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì chủ thể giám sát đó không thuộc diện được tiếp cận.

Với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo