Thị trường

Những doanh nghiệp “ngoài vòng pháp luật”

Đã quá thời hạn ngày 1/2/2014 để các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hết thời hạn hoạt động trong giấy phép phải đăng ký lại, song tại TP.HCM vẫn tồn tại doanh nghiệp FDI nằm trong diện này nhưng vẫn công khai hoạt động…

Từ những doanh nghiệp “ngoài vòng pháp luật”…

Rất vồn vã, nhân viên của OSCAR Sài Gòn Hotel (68A, Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) đã giới thiệu với chúng tôi hệ thống khách sạn 11 tầng, với 107 phòng ngủ được trang bị rất hiện đại và đặc biệt là có vị trí vô cùng thuận tiện, vì nằm trên con đường thuộc diện đắt giá nhất, thuận tiện nhất ngay trung tâm TP.HCM - đường Nguyễn Huệ.

Cho tới thời điểm ngày 1/2/2014, Khách sạn OSCAR không có bất cứ phản hồi nào về yêu cầu đăng ký lại của cơ quan chức năng. Ảnh: Báo Đầu Tư.

Phòng ốc ổn, giá dịch vụ chấp nhận được, nếu có nhu cầu tổ chức tiệc cưới thì càng tốt, vì Khách sạn đang có dịp khuyến mại đặc biệt. Có vẻ, khách sạn này vẫn đang kinh doanh tốt.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu như OSCAR Sài Gòn (liên doanh giữa Saigontourist và một đối tác Hồng Kông) không hết hạn hoạt động theo Giấy phép đầu tư số 30 ngày 16/11/1989 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp.

Để cứu một số doanh nghiệp FDI được cấp phép trước ngày 1/7/2006 đã hoặc sắp hết hạn hoạt động, giữa năm ngoái, Điều 170, Luật Doanh nghiệp đã được sửa đổi. Cuối tháng 11/2013, Nghị định 194/2013/NĐ-CP cũng đã được ban hành.

Theo đó, một trong những nội dung rất quan trọng của Nghị định là, các doanh nghiệp FDI đã hết hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư, nếu có nhu cầu, thì trước ngày 1/2/2014 phải làm thủ tục đăng ký lại. Nếu không, sẽ phải giải thể, ngừng hoạt động.

OSCAR Sài Gòn Hotel thuộc diện này. Thế nhưng, tới thời điểm ngày 1/2/2014, không có bất cứ phản hồi nào từ những ông chủ của khách sạn này liên quan đến việc đăng ký lại, dù Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã gửi công văn hối thúc thực hiện. Không đăng ký lại, không tuyên bố giải thể, mà vẫn hoạt động một cách bình thường như gần 25 năm nay vẫn vậy.

Nhưng OSCAR Sài Gòn Hotel không phải là doanh nghiệp FDI duy nhất ở TP.HCM đã hết hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư, không đăng ký lại mà vẫn hoạt động. Liên doanh Newell Nhà Bè Việt Nam, giữa May Nhà Bè và một đối tác Đài Loan, cũng đang sản xuất - kinh doanh ổn định. Một cán bộ của May Nhà Bè cho biết, hiện nhà máy của liên doanh có khoảng 400 - 500 công nhân đang làm việc.

Cũng sẽ không có gì đáng nói, nếu liên doanh này đã hết hạn hoạt động từ ngày 23/4/2012. Tức là 2 năm qua, Newell Nhà Bè đã hoạt động… “ngoài vòng pháp luật”, giống như OSCAR Sài Gòn (hơn 4 năm). Điểm khác biệt duy nhất là, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM gửi văn bản hối thúc việc đăng ký lại, Newell Nhà Bè là một trong số rất ít doanh nghiệp FDI do Sở quản lý có phản hồi lại, với thông báo rằng, họ sẽ giải thể liên doanh này.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, May Nhà Bè muốn giải thể liên doanh để thu hồi lại khu đất khá đẹp nhằm mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. “Kế hoạch giải thể sẽ được thực hiện trong năm 2014”, nguồn tin này cho biết.

Tuy nhiên, một điều hiển nhiên là, Newell Nhà Bè vẫn đang hoạt động. Cũng giống như Công ty liên doanh Du lịch APEX, đơn vị đã hết hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư từ ngày 31/1/2012, nhưng khi phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn liên lạc, thì cán bộ của công ty này cho biết, Công ty vẫn đang bán các tour du lịch Việt Nam cho khách Nhật Bản. APEX là công ty du lịch khá nổi tiếng và thuộc diện có uy tín với khách Nhật trong 20 năm qua.

Tháng 9/2013, công ty này vẫn còn gửi văn bản tới Tổng cục Hải quan đề nghị xác nhận nợ thuế và cơ quan Hải quan vẫn gửi văn bản trả lời như bình thường.

Một doanh nghiệp khác là Công ty TOVECAN, chuyên sản xuất hộp sắt, hết hạn hoạt động từ ngày 28/1/2008, nhưng hiện cũng vẫn hoạt động bình thường…

… đến lỗ hổng quản lý

Tính đến ngày 31/1/2014, có tới 90 doanh nghiệp FDI do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM quản lý đã hết hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư. Trong số này, có những doanh nghiệp hết hạn vào cuối năm 2013, nhưng cũng có doanh nghiệp hết hạn từ những năm 2004 - 2006.

Để hối thúc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, Sở đã gửi văn bản tới các doanh nghiệp này, theo địa chỉ trên giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, khoảng 50% công văn gửi đi đã được bưu điện hoàn trả.

“Có thể, các doanh nghiệp này đã không còn hoạt động hoặc đã chuyển ra khỏi địa điểm đăng ký đầu tư”, một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nói và cho biết, đối với các doanh nghiệp này, Sở đã phát công văn gửi các cục thuế, hải quan, cũng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM… đề nghị hợp tác cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của họ, từ đó có hướng xử lý thích hợp.

Những doanh nghiệp còn lại, Sở vẫn đang chờ đợi công văn phản hồi. Nhưng tính tới thời điểm này, mới có 2 doanh nghiệp FDI trong số 90 doanh nghiệp nói trên thực hiện đăng ký lại. Đó là Công ty Đội ngũ Việt Nam (Vietnam TEAM) và Công ty liên doanh Sản xuất nút nhựa Việt Thuận. Bên cạnh đó là hai công ty thông báo giải thể: Newell Nhà Bè kể trên và Công ty liên doanh VIKOTRADE - liên doanh giữa Liên hiệp Các xí nghiệp mô tô xe đạp (nay là Công ty cổ phần Công nghiệp - Thương mại Hữu Nghị TP.HCM) và Công ty U-Harbour Hồng Kông). Được biết, VIKOTRADE đã hết hạn hoạt động từ ngày 15/5/2008, nhưng năm 2013 vẫn có tên trong danh sách các đơn vị thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI).

Thực tế nêu trên cho thấy, vẫn còn đâu đó những doanh nghiệp FDI hoạt động “ngoài vòng pháp luật”. Hoặc cũng đã có doanh nghiệp lặng lẽ biến mất mà không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi hết hạn hoạt động, doanh nghiệp có thể tự làm thủ tục giải thể, sau đó thông báo các cơ quan chức năng. Nhưng nhìn vào danh sách 90 doanh nghiệp này, có thể thấy, điều đó không xảy ra. Ngoài 4 doanh nghiệp kể trên, về mặt danh nghĩa, 86 doanh nghiệp còn lại vẫn đang tồn tại, ít nhất trên giấy tờ.

Một thông tin được đưa ra từ năm 2009, Xí nghiệp May Sasanga (33A1, Quốc lộ 1A, khu phố II, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) hết hạn hoạt động ngày 1/2/2012, đã rời khỏi địa điểm đăng ký hoạt động mà không thông báo.

Một thông tin khác của năm 2011, nợ lương gần 1 tỷ đồng, Giám đốc Công ty Dệt len Magnicon (hết hạn hoạt động từ 15/5/2013) đã bỏ trốn.

Có vẻ, những thông tin này đã không được cập nhật tới cơ quan quản lý về đăng ký đầu tư. Và điều này một lần nữa cho thấy, bên cạnh việc một bộ phận doanh nghiệp FDI chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam, thì công tác hậu kiểm ở Việt Nam là có vấn đề. Bởi thế, đã nhiều lần, những cảnh báo và sự lo ngại về tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn được đưa ra.

Xử lý cách nào?

Câu chuyện xử lý doanh nghiệp FDI xù nợ, bỏ trốn đang được đặt ra, khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được xem xét sửa đổi. Vấn đề đặt ra bây giờ là xử lý thế nào, ít nhất với 86 doanh nghiệp chưa có phản hồi trong danh sách của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.

Theo Sở này, sau khi thu thập được thông tin, Sở sẽ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến xử lý. Việc thu thập thông tin chưa biết khi nào sẽ xong, nhưng có một điều rõ ràng là, đang có những doanh nghiệp FDI hoạt động không phép. Và theo như quy định tại Nghị định 194/2013/NĐ-CP, những doanh nghiệp FDI nào đã hết hạn hoạt động, mà không đăng ký lại, thì phải giải thể, ngừng hoạt động.

Quy định của pháp luật đã rõ ràng, và nếu quy định này được thực hiện nghiêm minh, thì sẽ có khá nhiều doanh nghiệp FDI tại TP.HCM nhận “án tử”. Có khá nhiều cái tên, tuy không hẳn là những tên tuổi lớn, có trong danh sách này. Chẳng hạn, Roha Dyechem Việt Nam, Asahi Việt Nam, Xí nghiệp SIKA…

“Doanh nghiệp hoạt động khi giấy phép đã hết hạn mà không đăng ký lại là bất hợp pháp. Trong trường hợp này, các hợp đồng mà họ ký kết với khách hàng, đối tác… không có giá trị pháp lý, nên rủi ro rất lớn đối với phía khách hàng”, ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bình luận.

Theo ông Cung, vấn đề đặt ra trong lúc này là, có thể các doanh nghiệp trong hơn 20 năm hoạt động nói trên đã chuyển đổi, mua bán lòng vòng, nên có khả năng, cơ quan quản lý cũng chẳng biết hiện giờ ai là chủ các doanh nghiệp đó.

“Phải xuống từng doanh nghiệp để kiểm tra lại. Nếu họ hoạt động bất hợp pháp, thì phải chấm dứt hoạt động. Nếu có tài sản của Nhà nước, chẳng hạn đất đai khi góp vốn vào liên doanh, thì phải trả lại cho Nhà nước”, ông Cung thẳng thắn nói và nhấn mạnh, quy định pháp luật đã có, vậy cứ căn cứ theo đó để xử lý các doanh nghiệp vi phạm.

Sau 25 năm thu hút FDI, Việt Nam đã rất nỗ lực trong xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và công bằng, nhằm tạo thuận lợi cao nhất cho các doanh nghiệp này trong quá trình hoạt động ở Việt Nam. Nhưng như những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, một số doanh nghiệp FDI đã không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp và để pháp luật Việt Nam được thực thi một cách nghiêm minh, đã đến lúc, phải mạnh tay với những doanh nghiệp “ngoài vòng pháp luật” như vậy.

Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo