Những dự án ODA của Việt Nam lọt "danh sách đen"
Tám dự án ODA do WB tài trợ cho Việt Nam bị liệt vào "danh sách đen", tức các dự án chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong số các dự án này, điển hình nhất là dự án Giao thông đô thị TP Hà Nội với với thời gian lọt vào danh sách đen là 60 tháng, số năm thực hiện là 7 năm và tỷ lệ giải ngân là 30%.
Tiếp theo là dự án Hiện đại hóa quản lý thuế với các chỉ tiêu lần lượt là 34 tháng, 6,8 năm và 2%.
Dự án Phát triển năng lượng tái tạo có các chỉ tiêu là 27 tháng, 5,2 năm, và 29%. Các dự án còn lại được kể tên là Hệ thống hiện đại hóa khu vực tài chính và quản lý thông tin, Đại học Việt Đức; Hỗ trợ quản lý rác thải, Quản lý rác thải công nghiệp, và Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án.
“Số lượng các dự án trong danh sách đen tăng lên, và các dự án này càng ngày càng chậm có chuyển biến”, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư và thực hiện dự án của WB, ông Keiko Sato, nhận xét tại một buổi họp nội bộ của Ngân hàng này tổ chức ngày 9/2 tại Hà Nội.
Những vấn đề chung của các dự án trong danh sách đen, theo ông Sato là giai đoạn thực hiện dự án chưa chuẩn bị sẵn sàng, Báo cáo khả thi chưa hoàn thiện khi bắt đầu thực hiện, Sổ tay hoạt động chưa hoàn chỉnh, công tác thu hồi đất chưa sẵn sàng.
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác làm cho các dự án bị chậm tiến độ, chẳng hạn như Các dự án chưa đạt được thống nhất về thiết kế và kết quả dự kiến; thiếu vốn hoặc chậm trễ phân bổ vốn đối ứng, đặc biệt là cho công tác thu hồi đất và tái định cư.
Thẩm quyền ra quyết định không rõ ràng cũng dẫn đến chậm đưa ra giải pháp khi dự án có vấn đề. “Những thay đổi rất nhỏ cũng đòi hỏi phải có lãnh đạo cấp cao phê duyệt”, ông Sato nhận xét.
Trước đó, Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng trích báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi do một thư trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký nêu ra con số giải ngân vốn ODA đã đạt kỷ lục năm 2014 với trên 5,6 tỉ đô la Mỹ với nhận định "tình hình giải ngân có những cải thiện đáng kể".
Báo cáo nhận xét, các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA) với 1,773 tỉ đô la Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) với 1,386 tỉ đô la Mỹ; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với 1,058 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA với sự tham dự của nhóm 6 ngân hàng phát triển quốc tế tổ chức hồi đầu tháng 2/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đang thực hiện còn rất lớn, khoảng 21 tỷ USD. Nếu tình hình giải ngân chậm được cải thiện, mỗi năm Việt Nam mất hàng trăm triệu USD chi phí cơ hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát các dự án, đưa thông tin xử lý các dự án thuộc “danh sách đen” để những vướng mắc kịp đến cấp quyết định sớm nhất có thể; lưu ý vấn đề báo cáo đánh giá về quản lý, sử dụng ODA cho các cấp có thẩm quyền, nhất là Quốc hội đang quan tâm tới vấn đề nợ công, tái cơ cấu đầu tư.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu đã đề nghị Quốc hội có chuyên đề giám sát ODA do lo ngại nguồn vốn này được quản lý không chặt chẽ.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết: Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng từ nguồn này, đã có nhiều tiêu cực, thất thoát xảy ra, điển hình như vụ PMU 18, Huỳnh Văn Sỹ...
Đáng lưu ý, mặc dù trong nước cũng có thanh tra, kiểm tra nhưng những vụ việc lớn lại được phát hiện chủ yếu do phía nước ngoài.
Xu hướng thích dùng ODA gắn với lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ… cũng đã khiến các công trình dùng vốn ODA xuất hiện rất nhiều nhưng nhiều công trình không hiệu quả.
Theo bà Nga, vốn ODA bộc lộ 2 điểm yếu cơ bản, đó là : Quốc hội chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng thì lại gần như đứng ngoài sử dụng vốn ODA.
Đại biểu Nga đề nghị, Quốc hội cần ban hành luật quản lý sử dụng vốn ODA. Bên cạnh đó, đại biểu Nga cho rằng, trách nhiệm của Quốc hội về giám sát ODA là rất quan trọng.
“Tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn này, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. Bất cứ quốc gia nào sử dụng lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi, có ý thức tốt nghiệp ODA thì mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nó”, đại biểu Nga nói.
Đồng thời, Quốc hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý về ODA, quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, quy định trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân, các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội… trong giám sát vốn ODA; sử dụng vốn ODA có chọn lựa, hạn chế, hướng tới khu vực tư nhân, không vay để theo đuổi những siêu dự án.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
ITS, Power Membership Card bị 'sờ gáy' vì phát tán tin rác và cuộc gọi rác
Cổ phiếu DRH của DRH Holdings vào diện bị đình chỉ giao dịch
Hải Phòng: Hệ thống chợ và cây xăng bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3
Cổ phiếu TLD của THANG LONG DECO 'thoát' diện cảnh báo
Giá rau xanh tăng ‘phi mã’ sau bão Yagi
VASEP lo ngại doanh nghiệp thuỷ sản không kiếm được muối tinh phục vụ sản xuất
Cột tin quảng cáo