Tin tức - Sự kiện

Những lý do chưa nên thu phí xe máy

Việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy còn nhiều ý kiến băn khoăn. Hàng triệu người dân TP.HCM sẽ đóng loại phí này nhưng mức độ hiệu quả đến đâu?

Miễn thu phí xe máy của hộ nghèo, người có công với cách mạng, xe của học sinh, sinh viên. Ảnh minh họa

 

Mới đây, UBND TP.HCM có tờ trình Hội đồng nhân dân TP.HCM (HĐND TP) xem xét, thông qua việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-1-2015. 

 

Trước đó, tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP đã không thông qua tờ trình của UBND TP về thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy do còn nhiều ý kiến băn khoăn, chưa yên tâm...

 

Tờ trình mới của UBND TP.HCM lần này có thêm điểm mới ở đối tượng được miễn thu phí. Đó là bổ sung nhóm xe của học sinh, sinh viên các trường đóng tại TP.HCM.

 

Tự làm khó mình vì “điểm mới”

 

Tuy nhiên, chính điểm mới này cũng tạo ra nhiều bất cập trong khâu rà soát và quản lý. Ông Lâm Thiếu Quân (Đại biểu HĐND TP.HCM) cho biết: “Thu được là đã khó bây giờ còn thêm thủ tục xác nhận sinh viên để biết ai là sinh viên, sinh viên là sinh viên như thế nào?”.

 

Đại biểu Lâm Thiếu Quân ví dụ: “Sinh viên học từ xa thì như thế nào? Ban đầu cứ nghĩ là sẽ xoa dịu được dư luận sau những đề xuất trước đây nhưng rắc rối lại bắt đầu từ đó, chẳng khác nào mình tự làm khó mình!”

 

Còn đại biểu Từ Minh Thiên thì cho rằng: “Tờ trình mới đã bổ sung những nội dung về cách thức thu, việc quản lý, sử dụng phí và các biện pháp chế tài nhưng còn khó ở việc xác định đối tượng nào là học sinh sinh viên.”

 

Đại biểu Từ Minh Thiên giải thích thêm: “Học sinh sinh viên thường không sử dụng những phương tiện do mình đứng tên, có thể mượn từ gia đình, người thân. Tên chủ xe và tên người sử dụng không đồng nhất thì quản lý như thế nào?”.

 

Ông Từ Minh Thiên cho biết: “Xe có dung tích xy lanh từ 100cm3 trở xuống là rất ít, thường là của những hộ gia đình lao động khó khăn. Nên chăng nâng cao mức giới hạn dung tích xy lanh lên để việc thu phí thỏa đáng và phù hợp với tình hình thực tế hơn?”.

 

Ông Từ Minh Thiên cho rằng việc kê khai và kiểm tra kê khai phương tiện của các hộ gia đình là rất khó, tính khả thi không cao.

 

Thu khó, quản lý khó, kiểm tra khó

 

Để tiến hành thu phí cần một lực lượng nhân sự rất lớn.

 

Nếu không tổ chức được việc

 

“Vấn đề là cách làm. Các cán bộ địa phương phải đến từng nhà để kê khai rồi thu phí thì nặng nề quá, toàn bộ bộ máy chính trị phải tập trung vào việc làm này nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Bằng chứng xem ở các địa phương khác” - Ông Trần Quang Thắng (Đại biểu HĐND TP.HCM) nhận định.

 

Ông Từ Minh Thiên cho biết: “Xe có dung tích xy lanh từ 100cm3 trở xuống là rất ít, thường là của những hộ gia đình lao động khó khăn. Nên chăng nâng cao mức giới hạn dung tích xy lanh lên để việc thu phí thỏa đáng và phù hợp với tình hình thực tế hơn?”.

 

Ông Từ Minh Thiên cho rằng việc kê khai và kiểm tra kê khai phương tiện của các hộ gia đình là rất khó, tính khả thi không cao.

 

“Cần quy định lúc nào thì cảnh cáo, lúc nào thì xử phạt và ai là người thực hiện nhiệm vụ đó” - Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho biết.

 

Đại biểu Lâm Thiếu Quân đề xuất: “Cần đẩy bất cập này về cơ quan ban đầu ra quy định thu phí sử dụng đường bộ là Bộ Tài chính và Bộ Giao thông để có hướng giải quyết ổn thỏa.”

 

Trong khi đó, TS. Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng việc thu phí, kê khai  theo tổ dân phố tức từng phường phải chia thành nhiều điểm nhỏ như thế thì chi phí bỏ ra rất cao.

 

TS. Phạm Xuân Mai nhấn mạnh: “Lượng xe gắn máy tại TP tuy nhiều nhưng có nhiều xe ở các tỉnh đưa về, hiệu quả thu phí sẽ không cao”

 

Phí chồng phí

 

Nếu việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy được tiến hành tại TP.HCM thì loại phương tiện này sẽ chịu đến sáu loại phí, lệ phí và thuế  (năm loại đã thu: lệ phí trước bạ (5% giá trị), lệ phí đăng ký xe (1 triệu đồng, 2 triệu đồng và 4 triệu đồng - tùy vào giá trị xe), phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, phí bảo trì đường bộ 50.000-150.000 đồng/năm, thuế VAT 10% giá trị xe).

 

Lượng xe gắn máy tại TP nhiều.  Ảnh minh họa

 

Nhiều bạn đọc rất băn khoăn, không đồng ý thu phí. Rất nhiều người cho rằng trước khi tờ trình được thông qua, cơ quan đề xuất nên làm rõ việc sử dụng quỹ thu này ra sao, cần công khai cho người dân. 

 

Bạn đọc Phan Bảo Lâm cho biết: “Không phải xe máy nào có trong nhà cũng dùng để lưu thông ngoài đường. Có nhiều người mua xe cổ chỉ để sưu tầm hoặc có những chiếc xe cũ người ta không dùng nữa nhưng không bán đi và giữ ở nhà. Nếu thu phí thì vô lý”

 

Còn anh Vũ Toàn Trung (P.25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM) thắc mắc: “Thu phí thì được nhưng chất lượng đường xá mà cứ như cũ thì chúng tôi không biết tiền mình bỏ ra thực sự đi đâu?”

 

Chị Hồ Đức (Quận Thủ Đức, TP.HCM) nói: “Nếu phải bỏ ra một khoản phí nữa nhưng chất lượng đường bộ vẫn cứ “đào lên rồi sửa” thì mình cảm thấy không xứng đáng. Tôi nghĩ nhiều người sẽ không ủng hộ”

 

 

Nhiều địa phương chỉ cả năm chỉ thu được hơn 8 tỉ đồng

Thông tin từ  Sở GTVT TP.HCM trong năm 2013, tỉ lệ thu phí xe máy ở Hà Nội chỉ đạt 20%.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Chánh văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ TP. Cần Thơ - cho biết: “Toàn TP có trên 570.000 xe tuy nhiên đến cuối tháng 11-2014 chỉ thu được 8,5 tỉ đồng, đạt khoảng 43% so với kế hoạch đề ra. Nếu ứng với số lượng xe hiện tại thì số lượng xe nộp phí sử dụng đường bộ năm 2014 chỉ đạt 20%”

Nguyên nhân được ông Tùng đưa ra là quy định về chế tài chưa  mạnh, mức phạt hiện tại chỉ cao hơn mức phí đóng từ 1 đến 3 lần chưa đủ sức răn đe.

 

Theo nội dung tờ trình của UBND TP.HCM, sẽ giao cho UBND cấp xã, phường, thị trấn thu phí và chỉ đạo tổ dân phố hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.

Người dân có thể đến trực tiếp UBND xã, phường, thị trấn để nộp phí hoặc UBND xã phường, thị trấn sẽ cử cán bộ đến nhà tiến hành thu và cấp biên lai.

Thời gian nộp phí bắt đầu từ 1-1-2015, sau khi được HĐND TP.HCM thông qua.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo