Những nông sản tăng giá đột biến vì Trung Quốc thu gom
1. Thanh Long
Là nông sản có giá bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, đầu năm nay thay vì giảm thì thanh long tăng giá cao.
Anh Phú, người có 9 sào thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở (Bình Thuận) cho hay, đầu tháng 2 thương lái đến đặt hàng khá sớm để bán sang Trung Quốc. Họ thu mua với giá 25.000 đồng một kg. Nhờ vậy, vụ năm nay anh thu lãi 100 triệu đồng.
Trong khi đó, chị Hạnh, người có 4 sào thanh long ruột đỏ ở Tiền Giang, còn được thu mua với giá 40.000 đồng mỗi kg tại vườn. “Nếu năm trước mặt hàng này rớt giá thì nay thương lái Trung Quốc mua nhiều nên tăng cao. Nhờ vậy tôi cũng lãi được 60 triệu đồng”, chị Hạnh nói.
Theo các nhà vườn, chỉ cần giá thanh long bình ổn ở mức 12.000-13.000 đồng một kg, nông dân đã có lời.
Trao đổi với VnExpress, ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, tuần vừa rồi thanh long ruột đỏ được mua với giá 40.000 đồng một kg tại vườn. Thanh long trắng giá 15.000-16.000 đồng.
Tuy nhiên, ông Ửng cho biết, giá cao nên có tình trạng nhà vườn chặt thanh long trắng và trồng thanh long đỏ. “Tôi lo sợ nếu trồng với số lượng ồ ạt thì giá thanh long đỏ lại có nguy cơ rớt nhanh trong thời gian tới”, ông Ửng nói.
2. Chuối
Chị Hằng, người có một ha chuối ở Đồng Nai, năm nay rất phấn khởi vì được thương lái đến tận vườn gom với giá 15.000 đồng một kg, cao gấp nhiều lần so với năm ngoái.
Là doanh nghiệp trồng xuất khẩu, ông Trần Danh Thế, chủ sở hữu 30 ha chuối ở Đồng Nai cho biết, quý I năm nay giá tăng cao kỷ lục, có lúc lên tới 18.000 đồng một kg.
Nguồn chuối xuất khẩu hụt hàng, nhiều thương lái đẩy giá để thu gom cho đủ chuyến. Mặt khác, năm nay tại Trung Quốc lượng hàng khan hiếm, nên phải gia tăng gom hàng Việt. “Chúng tôi đã nhận được khá nhiều đơn hàng đến từ nhiều nước nhưng lượng hàng cung ứng không đủ nên tạm thời nhận đơn xuất đi Trung Quốc bởi họ đưa ra mức giá phù hợp”, ông Thế nói.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha diện tích trồng chuối, trong đó chuối già hương chiếm khoảng 45%, chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Không chỉ ở khu vực Đồng Nai mà tại các tỉnh phía Bắc, giá chuối cũng tăng hơn so với năm ngoái nhờ Trung Quốc gom hàng. Ông Trần Văn Căn, chủ cơ sở sản xuất chuối tại Hưng Yên cho biết, tại khu vực phía Bắc giá thu mua là 8.000 -10.000 đồng một kg. “Nếu năm ngoái cùng thời điểm này tôi xuất khoảng 200 tấn thì nay mới được 60 tấn. Lượng hàng khá khan hiếm”, ông Căn nói và cho biết thêm, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực của Việt Nam nên giá cả phụ thuộc rất nhiều vào họ. Hiện, người dân vẫn trồng chuối thụ động, không có kế hoạch và kỹ thuật chuẩn nên hàng để xuất sang các thị trường khó tính rất ít.
Năm ngoái, từ giữa tháng 2, giá chuối già hương cấy mô chạm đáy ở mức 1.000-2.000 đồng một kg. Nhiều nông dân ở Đồng Nai khóc ròng vì chuối chín rục trên cây cũng không ai mua, đành ngậm ngùi bán rẻ cho người nuôi dê.
3. Mít
Cũng liên tục tăng cao, mít Thái tại các tỉnh miền Tây có đợt lên tới 45.000 đồng một kg.
Ông Bảy Ẩn, ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, đây là năm mà mít Thái có giá cao nhất từ trước tới nay. Năm nay, ông Bảy Ẩn thu hoạch 5 tấn, giá 43.000 đồng một kg cho loại một (trái trên 9kg) và 35.000 đồng một kg cho loại 2 (trái trên 7kg). Ông Bảy Ẩn cho biết, khi mới trồng, mít Thái loại 1 giá 15.000 đồng một kg thì nay chỉ với hàng dạt, ông đã bán được với giá này.
“Chưa có đầu năm nào thuận lợi như năm nay. Thương lái liên tục đi gom hàng tận nhà và trả với giá cao nhưng không còn hàng để bán. Có ngày có 3-4 người hỏi nhưng đều hết hàng sớm”, ông Bảy chia sẻ thêm.
Không chỉ ở Tiền Giang, Bến Tre, nhà vườn bán được mít với giá cao mà tại Cần Thơ, Hậu Giang cũng lãi lớn với mít Thái.
Lý giải cho giá mít tăng cao, hầu hết nhà vườn và thương lái cho biết, nếu như những năm trước, Trung Quốc chỉ thu mua trái mít đã tách múi, bỏ hạt và đóng vào hộp thì nay lại tăng mua mít nguyên trái. Mặt khác, do chưa phải là chính vụ nên giá cao hơn so với thời kỳ vào mùa.
Theo Sở Nông nghiệp & Nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá mít loại một bán tại vườn đang trên 40.000 đồng một kg, còn tại chợ là 60.000 đồng. Đây là mức cao kỷ lục so với 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia nông nghiệp, khi giá tăng đột biến, diện tích trồng mít sẽ tiếp tục tăng lên. Nếu diện tích trồng tăng với tốc độ nhanh và không có định hướng, lại xuất hiện nguy cơ cung vượt cầu. Mặt khác, Trung Quốc ngừng thu mua sẽ khiến giá giảm mạnh. Vì vậy, người dân cần cân nhắc và cẩn trọng khi tăng diện tích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương