Những nước xuất, nhập khẩu UAV lớn nhất toàn cầu
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện số lượng máy bay không người lái (UAV) giao dịch giữa các quốc gia nhiều hơn so với trước đây. Từ năm 2010 đến năm 2014, đã có 439 UAV được giao dịch, cao hơn nhiều con số 322 máy bay ghi nhận trong giai đoạn 5 năm trước đó.
Máy bay không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo (Ảnh The Guardian)
Những tranh cãi xung quanh chủ đề máy bay không người lái vũ trang đã ngày càng gia tăng trong những năm gần đây sau khi Mỹ sử dụng loại máy bay này trong các cuộc tấn công chống lại các tay súng đồn trú tại Pakistan. Những người chỉ trích cho rằng, ngay cả khi định vị được các mục tiêu rõ ràng, thì vẫn có quá nhiều dân thường vô tội thiệt mạng.
Mặc dù máy bay không người lái vũ trang và các cuộc không kích thường gắn liền với các cuộc tranh cãi về UAV, máy bay không người lái với khả năng thực hiện các cuộc tấn công có vũ trang vẫn chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị giao dịch, cụ thể chỉ có 11 chiếc (tương đương 2,5%) trong tổng số 439 chiếc.
Máy bay không người lái vũ trang được xuất khẩu lần đầu tiên vào năm 2007 – thời điểm Vương quốc Anh nhận 2 máy bay không người lái MQ-9 Reaper từ Mỹ và hai máy bay này ban đầu được sử dụng trong cuộc xung đột tại Afghanistan.
Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ hai công khai xuất khẩu máy bay không người lái trang bị vũ khí, với việc gửi 5 chiếc sang Nigeria để phục vụ cho cuộc chiến chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan Boko-Haram. Tuy nhiên, SIPRI cho biết, hiện cũng có bằng chứng cho thấy rằng, Trung Quốc đã gửi một số máy bay tương tự mẫu CH-3 sang Pakistan vào năm 2013. Điều này đã khiến Mỹ tăng cường các giao dịch buôn bán máy bay không người lái trang bị vũ khí cho các quốc gia đồng minh và thân thiết. Trước đây, Mỹ mới chỉ xuất khẩu sản phẩm này sang Vương quốc Anh.
Trong năm 2013, Mỹ đã gửi loại “chim sắt khủng” Global Hawk sang Đức. Đây là máy bay không người lái lớn nhất được xuất khẩu từ trước đến nay, cũng như có giá đắt đỏ nhất (130 triệu USD) và tầm bay xa 14.000km. Các quốc gia NATO, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đặt hàng loại máy bay này.
Tuy nhiên, theo SIPRI, số lượng UAV bàn giao cho khách hàng không nhiều, theo đó mới chỉ chiếm 0,3% tổng giá trị các thỏa thuận mua bán vũ khí có giá trị lớn từ năm 2010 đến năm 2014. Đã có 35 quốc gia nhập khẩu UAV trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, cao gấp 9 lần so với số lượng các quốc gia mua từ năm 2005 đến năm 2009.
Đứng đầu danh sách các quốc gia nhập khẩu UAV là Vương quốc Anh – quốc gia đã nhập 55 máy bay không người lái của Israel ngoài 6 chiếc UAV trang bị vũ khí mua từ Mỹ. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, Anh đã nhập lượng UAV cao nhất toàn cầu, với 33,9%; tiếp sau đó là Ấn Độ 13,2% và Italia là 9,8%.
Quốc gia Trung Đông Israel là nước xuất khẩu lớn nhất máy bay không người lái. Từ năm 2010 đến năm 2014, Israel đã bàn giao 165 máy bay trên toàn cầu. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai với 132 chiếc, tiếp sau đó là Italia với 37 chiếc.
Kể từ năm 1985 đến năm 2014, Israel đã chiếm đa số (60,7%) lượng máy bay xuất khẩu trên toàn cầu. Đứng ở vị trí thứ hai và ba lần lượt là Mỹ với 23,9%, Canada 6,4%. Bất chấp động thái của Trung Quốc trong việc chen chân vào thị trường xuất khẩu UAV có vũ trang, họ mới chỉ cung cấp 0,9% tổng lượng UAV xuất khẩu trong hai thập kỷ qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc