Phân tích

Những thách thức Việt Nam phải đối mặt khi tham gia TPP

(DNVN) - Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả về kinh tế cũng như xã hội và ngân sách.

Tại buổi gặp cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP diễn ra ngày 9/10, Bộ Công thương đã ra những thách thức của VIệt Nam khi tham gia vào TPP.

Theo đó, Bộ Công thương cho biết, về thương mại hàng hóa: Với một số loại chủng nông sản mà Hoa Kỳ mà một số nước khác trong TPP (Úc, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0% trong đó nổi bật là thịt gà, thịt lợn. Đây là những mặt hàng Việt Nam sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, đó là sản phẩm sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

12 thành viên trong Hiệp định TPP. Ảnh minh họa.

Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của Việt Nam như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của ta hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi các sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Một sản phẩm của các nước TPP có sản xuất, thuế nhập khẩu của Việt Nam đang được duy trì ở mức cao, nhưng việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại ( chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, Việt Nam sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học- công nghệ … để sản phẩm nông nghiệp của ta đủ sức đứng vững trên sân nhà. Với những chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp như việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ta cần sớm rút kinh nghiệm để nhân rộng và phát triển hợp lý trong tương lai.

Theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ tiến trình cơ cấu lại.

Với các sản phẩm khác, giải pháp chủ yếu cũng là kéo dẫn lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao để nâng dần sức cạnh tranh. Theo hướng đó, lộ trình cần được sử dụng một cách chủ động, hiệu quả, tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới và từ đó là bị động, lúng túng khi thách thức đến. Đặc biệt, cần đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi doanh nghiệp đều nhận thức được cơ hội và thách thức của TPP nói riêng cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA thế hệ mới nói chung.

 

Về thương mại dịch vụ đầu tư, Bộ Công thương cho biết, mở của thị trường dịch vụ - đầu tư sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý, cụ thể là không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung. Nói cách khác, mở cửa theo TPP chỉ làm tăng cạnh tranh thương mại, không ảnh hưởng tới quyền quản lý của Nhà nước nhằm đáp ứng các mục tiêu công cộng, chính đáng và vì vậy, không gây ra tác động bất lợi cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền riêng tư của công dân cũng như thuần phong mỹ tục trong xã hội. Với các lĩnh vực còn lại, kết quả đàm phán dự kiến sẽ không gây xáo trộn lớn vì đa phần tương đương với độ mở hiện hành.

Về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế, Bộ Công thương cho biết, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra thách thức lớn cho bộ máy quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là những tiêu chuẩn mà chúng ta đang hướng tới để xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN, thực sự của dân, do dân và vì dân, với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, kỷ luật, kỷ cương. Chính phủ sẽ chủ động xây dựng chương trình để thực hiện các tiêu chuẩn cao này của TPP.

Để thực thi cam kết trong TPP, sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường … Tuy nhiên, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này, nhất là khi ta được quyền thực hiện theo lộ trình.

Thách thức đối với xã hội, theo Bộ Công thương, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính chất ngắn hạn.  Đồng thời, với cơ hội mới có được, Việt Nam sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành ta thực sự có lợi thế cạnh tranh.

Về thu ngân sách, Bộ Công thương cho biết, do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xoá bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột. Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước. Việc tính toán tác động của Hiệp định TPP lên nguồn thu từ hàng nhập khẩu, vì vậy, cần được nhìn theo cả 2 hướng. 

 

Thực tiễn cho thấy việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết WTO và theo 8 FTA đã có hiệu lực không ảnh hưởng tiêu cực tới thu ngân sách.Với thuế xuất khẩu, do Việt Nam giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng nhất như dầu thô, than đá, một số loại khoáng sản kim loại nên dự kiến tác động đến thu ngân sách sẽ không đáng kể.

Nên đọc
Văn Huy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo