Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm chuẩn bị cho TPP
Tại buổi cung cấp thông tin, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiện chưa thể cung cấp chi tiết hiệp định do các cam kết của các nước thành viên.
Nhưng trước thắc mắc của phóng viên về tác động của TPP vào ngành chăn nuôi Việt Nam, Thứ trưởng cũng đã thừa nhận ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia vào TPP nhưng thời gian chuẩn bị để ngành này bước vào TPP cũng còn dài.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nhiều cam kết trong Hiệp định sẽ được thực hiện theo lộ trình, vì thế tác động với nhiều ngành sẽ không đến ngay lập tức, mà có lộ trình. "Đúng như nhiều đánh giá của chuyên gia, ngành chăn nuôi khi vào TPP thì đúng là thực sự khó khăn", Thứ trưởng Khánh nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công thương, vì đây không phải lần đầu tiên ta hội nhập mà trước đó Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ và một số FTA với một số mạnh về chăn nuôi nên ít nhiều đã có phương án.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết, TPP là hiệp định cấp cao nhất với cam kết xoá bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam. Vì thế, ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi mới thực sự tác động.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, ngành nông nghiệp phải hết sức nỗ lực, tìm mọi cách biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới sản xuất... để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đủ sức đứng vững trên sân nhà.
Cũng tại buổi cung cấp thông tin, ông Khánh cũng đưa ra những tác động của TPP đối với Việt Nam. Cụ thể, về mặt kinh tế, theo tính toán của những chuyên gia độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026. Theo đó, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Về xuất khẩu dệt may, theo báo cáo của thứ trưởng Khánh: 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng thêm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm. Nếu quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Báo cáo cho rằng, ngoài dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản đều có cơ hội tăng xuất khẩu rất lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo