Xã hội

Những thiệt hại kinh hoàng sau cơn giông lốc xảy ra hôm 13/6

(DNVN) - Theo thống kê sơ bộ, cơn giông chiều tối qua (13/6) tại Hà Nội khiến 2 người thiệt mạng, hàng trăm cây xanh gãy đổ, nhiều mái nhà, biển hiệu bị lật bung.

Như tin tức đã đưa, bắt đầu từ 17h chiều qua (13/6) tại Hà Nội, một trận giông lốc mạnh kèm theo mưa lớn đã diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội. Gió to cuốn theo bụi và mưa nặng hạt bất ngờ khiến nhiều người đi đường sợ hãi và sức gió khủng khiếp bất ngờ đổ xuống khiến người đi đường sợ hãi. Rất nhiều cây xanh bật gốc, đè lên ô tô, xe máy...

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm sáng 14/6, toàn TP có gần 1.300 cây xanh bị đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc địa bàn 12 quận, hơn 400 ở các huyện ngoại thành, 2 người bị chết và 5 người khác bị thương.

Gió giật tới cấp 9 làm bật gốc cây xà cừ trước cổng Bộ Y tế, làm bung cả móng phòng thường trực.
Gió giật tới cấp 9 làm bật gốc cây xà cừ trước cổng Bộ Y tế, làm bung cả móng phòng thường trực.

Khu vực thiệt hại nặng nề nhất là quận Hai Bà Trưng với hơn 200 cây bị đổ, trong đó có 50 cây cổ thụ. Hai trường hợp tử vong khi di chuyển dưới trời mưa dông cũng đều nằm trên địa bàn quận này. 

Mưa gió cũng đã làm mạng lưới điện trên hầu hết các quận, huyện bị ảnh hưởng, nhiều khu vực mất điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, đến sáng 14/6, các sự cố cơ bản được khắc phục. 

Hàng loạt biển quảng cáo bị gió lốc giật tung xuống đường.
Hàng loạt biển quảng cáo bị gió lốc giật tung xuống đường.

Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trong hơn 800 cây xanh bị đổ ở khu vực các quận nội thành có 34 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc, gãy. Đây là những cây có đường kính lớn từ 50-150 cm, còn lại chủ yếu là cây muồng, phượng bằng lăng tím. Thậm chí, 6 cây đa cổ thụ ở các phố Võ Thị Sáu, Trần Xuân Soạn, Giải Phóng, Tam Trinh cũng bị gió lốc quật đổ. 

Ông Dục cho biết, Sở Xây dựng huy động 8 đơn vị tham gia di chuyển cây xanh gãy đổ. Dự kiến trong ngày mai sẽ cơ bản khắc phục về cây xanh đổ. Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thông tin, toàn TP xảy ra 108 vụ sự cố trên hệ thống lưới điện, gây mất điện trên hầu hết các địa bàn quận, huyện. 
Đến sáng 14/6, đơn vị cơ bản đã khắc phục xong, còn một số sự cố nhỏ sẽ khắc phục nốt trong ngày. Riêng 10 cột điện bị gãy trên địa bàn xã Tiến Xuân, và Yên Bình của huyện Thạch Thất, EVN Hà Nội đang phối hợp với điện lực Hòa Bình để thông lưới điện cho bà con.

 

Trong khi đó, theo thông tin từ phòng CSGT CATP Hà Nội, qua thống kê sơ bộ cơn giông lốc đã khiến 13 xe ô tô bị cây đè trúng, có 2 người tử vong và hàng chục người bị thương; khoảng hơn 700 cây đổ, gãy, trong đó có 98 cây chắn ngang đường gây cản trở giao thông; con số nhà bị tốc mái ghi nhận là 139.

Gió lớn còn khiến một ô tô tải bị lật trên cầu Vĩnh Tuy.
Gió lớn còn khiến một ô tô tải bị lật trên cầu Vĩnh Tuy.

Hai nạn nhân tử vong được xác định là chị Đào Thị O. (21 tuổi) bị cây xanh đổ đè vào xe đạp điện ở trước số nhà 110 đường Minh Khai (Q. Hai Bà Trưng) và ông Dương Quang T. (61 tuổi, ở P. Tứ Liên, Q.Tây Hồ) đi xe máy bị cây đè tại ngã tư Quang Trung –Nguyễn Du.

Ngay sau vụ giông lốc xảy ra, lực lượng CSGT đã huy động 100% quân số để tham gia điều tiết giao thông ngay khi mưa lớn bắt đầu. Công ty công viên cây xanh Hà Nội cũng khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hiện trường tại những vị trí cây đổ ngay trong đêm. 

Dông lốc ở Hà Nội đạt mức cực kỳ nguy hiểm

 

Theo ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa hạn dài (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương) cho biết, hiện tượng dông, tố, lốc kèm theo mưa thường diễn ra rất nhanh vào cuối ngày.

"Cơn dông mạnh là một dạng thời tiết nguy hiểm, thời gian hình thành và kết thúc có khi chỉ khoảng 10 phút. Càng những ngày nắng nóng gay gắt thì dông lốc xảy ra càng ác liệt do hoạt động đối lưu tăng cao" - ông Nguyễn Đức Hòa lý giải.

Theo tính toán của chuyên gia khí tượng, cơn dông chiều 13/6 tại Hà Nội có sức gió mạnh cấp 8-9. Đặc biệt, tại các tuyến phố giữa các tòa nhà cao tầng, luồng gió có thể mạnh hơn vài cấp. Trong cơn dông thường xuất hiện sấm sét, kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có cả mưa đá.

Sét có thể làm chết người, cháy nhà, hoặc làm gián đoạn và hao hụt sự truyền điện năng trên các đường dây dẫn. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của lốc - gió xoáy cực mạnh, xảy ra trong phạm vi nhỏ tới hàng trăm mét và tồn tại trong thời gian ngắn.

"Nhiều cơn dông có thể bốc đi một lúc mấy toa tàu hoả, những ngôi nhà hoặc những tàu thuyền cỡ vài chục tấn", ông Hòa nói.

 

Chính vì vậy, chuyên gia khí tượng không ngạc nhiên trước cảnh tượng tan hoang chiều 13/6 ở Hà Nội. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là trên đường phố thủ đô thường có đông người, vì thế, hậu quả của dông, lốc rất khó lường.

Tập trung mọi lực lượng khắc phục thiệt hại

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký Công điện số 24 yêu cầu các lực lượng chức năng TP tập trung khắc phục những thiệt hại do trận mưa dông chiều 13/6 gây ra, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự cảnh quan đô thị. 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cùng Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CATP có mặt tại hiện trường vụ cây đổ khiến một người thiệt mạng tại ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cùng Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CATP có mặt tại hiện trường vụ cây đổ khiến một người thiệt mạng tại ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du.

Công điện nêu rõ, Sở Xây dựng, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội phối hợp với lực lượng quân đội, cảnh sát phòng cháy chữa cháy… khẩn trương tập trung lực lượng, máy móc, thiết bị tổ chức thu dọn các cây đổ, cành gãy trên các tuyến đường, phố, hoàn thành trước 8h00 ngày 14/6/2015 để bảo đảm giao thông trên các tuyến phố. 

 

Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự phối hợp với các đơn vị thực hiện thu dọn, giải tỏa cây gãy đổ để hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các tuyến phố có cây đổ, gãy; chỉ đạo kiểm tra, khắc phục ngay các thiệt hại về kết cấu công trình giao thông do mưa giông gây ra; 

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Công ty Chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội khẩn trương khắc phục các sự cố về cấp điện, chiếu sáng công cộng do mưa giông gây ra; rà soát, thay thế, trồng lại các cột điện, cột đèn chiếu sáng bị gãy đổ, bảo đảm việc cấp điện và duy trì chiếu sáng công cộng ổn định phục vụ sinh hoạt của nhân dân; 

Sở Xây dựng, UBND các quận, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội rà soát, trồng dựng lại ngay các cây nhỏ mới trồng bị đổ, bật gốc; có kế hoạch trồng thay thế, bổ sung các cây xanh bị gãy, đổ và tổ chức kiểm tra, thực hiện việc giằng chống toàn bộ cây xanh mới trồng trên các tuyến đường, phố; hạn chế thấp nhất tình trạng cây xanh bị đổ, bật gốc khi mưa, bão xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND TP trước 8h00 ngày 15/6/2015.

Hòa Hậu (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo