Tin tức - Sự kiện

Những trăn trở từ 2 vụ “tập kích” các “nấm mồ rùa biển” lớn nhất Việt Nam

Chỉ trong vòng 1 tháng, chúng tôi đã phải 2 lần đi từ Hà Nội vào Nha Trang, ăn bờ ngủ bụi, đột kích các kho xưởng với đủ hình thức hóa trang mạo hiểm và mệt mỏi nhất, để tìm tài liệu, kêu gọi cơ quan hữu trách bắt giữ các “ổ nhóm” với nhiều nghìn xác rùa biển quý hiếm được cả Việt Nam và thế giới bảo vệ.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao cứ phải người Hà Nội vào tố cáo và giám sát, đề nghị bắt giữ các vụ việc không khó gì để phát hiện ra kể trên? Và nữa: Cuộc chiến bảo vệ rùa biển sẽ đi về đâu, khi mà chưa biết đến bao giờ số tang vật hàng nghìn cá thể của “chiến dịch” cũ vẫn chưa có tiền để… giám định xem nó là loài gì; thì cả nghìn con khác “tươi nguyên”, sặc mùi hóa chất lại bị bắt giữ khiến cán bộ địa phương lúng túng như gà mắc tóc?

Lấy đâu ra nhà kho để chứa núi xác rùa tươi mới, bốc mùi kinh khủng kia? Lấy đâu tiền (khoảng hơn 360 triệu đồng cho số rùa của riêng vụ thứ nhất) để giám định, bởi nếu chưa có kết quả giám định thì làm gì có căn cứ mà xử lý vụ việc?

Còn bao nhiêu “hầm mộ đồi mồi” đang thách thức pháp luật?

Mọi chuyện bắt đầu bằng những cuộc điện thoại khẩn cấp gọi cho PV và cán bộ ở Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), rằng: Sau vụ bắt giữ thu hàng nghìn (hầu hết tài liệu nói 5.000) xác rùa biển đặc biệt quý hiếm trong 2 nhà kho của (người tự nhân là) “ông chủ” Hoàng Tuấn Hải (SN 1972) ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; vẫn còn rất nhiều xác rùa mà Hải cùng đồng bọn đang cất giấu.

 Số lượng ấy, nó còn lớn hơn “tảng băng chìm” đã phát lộ kể trên rất nhiều. Hải (và ông trùm phía sau y) thậm chí đã mở một con đường bêtông nhỏ ở phía sau nhà kho bị “đánh động” của mình để dùng xe nhỏ đẩy hàng núi xác rùa tươi nguyên sang một khu trang trại lợn ở gần đó. Tất nhiên là chúng tôi tin vào “mật báo” của “công dân tốt” bí ẩn đó, bởi đơn giản vì lần trước họ đã chỉ đường cho chúng tôi đến các nhà kho, xưởng đông lạnh, xưởng chế tác với các thông số chính xác 100%.

Bằng các nghiệp vụ lần mò tinh xảo nhất, chúng tôi đã xác định được đường đi lối lại vào cái xóm hoang vắng với các chuồng trại khả nghi đó qua… internet và GPS. Và mượn một chiếc xe máy cũ, mua một lồng chim phủ lá móc, trong vai người đi bắt chim, luồn sâu vào các bụi lau ở Phước Đồng.

Đầu tiên là đứng từ xa ngửi. Ngoài mùi phân lợn, thì hóa chất thoang thoảng rồi đậm đặc dần, y như điệp vụ trinh sát kéo dài 7 ngày hồi tháng trước, cấm có lẫn đi đâu được. Lật các tấm bạt che màu xanh lên, mùi hóa chất xộc lên, vài xác đồi mồi hiện ra, bụng các “cụ” vàng ươm, mai đen nhoáy, phần miệng cứ khoằm lại, bằng sừng vàng óng, cong veo như mỏ con… vẹt.

Lập tức, ngày 18.12.2014, chúng tôi trực tiếp gọi điện thoại báo tin tới đồng chí Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh - Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa - rồi làm việc trực tiếp với Trưởng, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49), với Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa. Các bức ảnh, clip, văn bản chứa nội dung tố cáo chi tiết được đệ trình lên bàn làm việc của các vị cán bộ khả kính, chỉ với một mong muốn: Được sát cánh bên các đồng chí nhằm phá án hiệu quả, tránh “tồn tại” lâu thì tang vật sẽ bị tẩu tán.

Ngay đêm 18.12.2014, 3 trinh sát của PC49 đã cùng chúng tôi án ngữ các ngả đường vào khu trại lợn kể trên. Khoảng 10h sáng 19.12.2014, lực lượng chức năng ập vào, và ai ấy kinh hoàng nhận ra: “Các nấm mồ rùa biển” còn khủng khiếp hơn lần trước rất nhiều. Toàn những con rùa to, đường kính mai đến 80cm, còn vàng ươm, đen nhánh, có cảm giác chúng vừa mới bơi lên từ đại dương vậy. Các đối tượng vừa tiến hành ngâm rùa trong bể phóc-môn ra, mùi hóa chất nồng nặc. Khi các tấm bạt che màu xanh dài được lật lên, cả một khu chuồng lợn dài trăm mét la liệt xác rùa, rùa chồng chất lên nhau, rùa nằm hết chuồng nọ sang chuồng kia. Không gian như được tưới tắm toàn hóa chất kinh tởm.

Tôi chỉ kịp bấm vài kiểu ảnh, máy quay gắn ở người vừa chạy vừa tác nghiệp, chứ tuyệt nhiên không dám dừng lại ở khoang chứa rùa nào quá 5 giây. Bởi hóa chất tởm lợm xộc vào mắt mũi, nước mắt nước mũi chảy ra, đầu óc choáng váng, có nhà báo mà chúng tôi mời theo đã chạy ra bụi cây nôn thốc nôn tháo. Bất kỳ ai ngó vào khu này cũng đều phải đeo khẩu trang với cảm giác vô cùng khó chịu.

Cùng lúc đó, lực lượng công an tỏa đi khám xét 2 “nhà kho” khác. Trong ngôi nhà bà Vũ Thị Hải Thanh, người có trại lợn cho Hoàng Tuấn Hải mượn làm nơi chứa rùa, các cán bộ PC49 - Khánh Hòa đang lấy lời khai của Hải. Anh ta thừa nhận cả mấy kho xưởng của anh ta hết, cũng như đúng tròn 1 tháng trước, khám cả 2 khu chế tác và 1 nhà kho đông lạnh có mấy nghìn xác rùa biển, Hải cũng nhận tội hết.

Vậy là mới chỉ trong 2 “đợt ra quân” (đều do PV cấp báo), đã có 6 nhà kho của Hải bị khám xét, thu giữ nhiều nghìn xác rùa biển, cả núi trai tai tượng (cũng là loài nguy cấp cần được bảo vệ, cơ quan hữu trách đã thu giữ), mỗi con trai to như xác người, nặng cả tạ, đã bọc bao bố và viết chữ nước ngoài ra ngoài chuẩn bị để “xuất”. Thử hỏi, Hải và các đối tượng còn bao nhiêu rùa biển cất giấu ở bao nhiêu “nấm mồ tập thể” nữa? Thử hỏi, gần 10 năm qua, các “ông trùm” đã giết chết, chế tác, bán ra nước ngoài bao nhiêu vạn cá thể rùa biển quý hiếm và được bảo vệ đặc biệt trên toàn cầu?

Sau tròn 1 tháng, chúng tôi gặp lại các chiến sĩ của PC49, Công an Khánh Hòa, sau 1 tháng chúng tôi lại gọi báo tin khẩn cho C49, Bộ Công an (lần này các đồng chí nói là bận việc không tham gia được). Có người bảo chúng tôi: Nhìn thấy các bạn đến, là tôi hiểu “có chuyện” rồi.

Lúc có người chần chừ không tiếp tục đi kiểm tra, chúng tôi chỉ thở dài nói đùa “nếu các anh không cho em được rà soát hết các điểm khả nghi, thì tháng sau biết đâu em lại vào và đưa tài liệu đề nghị “các đêm trắng mật phục và những ngày chui vào các kho sặc mùi hóa chất đấy”. Quả thật, các trinh sát trắng đêm, suốt nhiều ngày “nếm mật nằm gai” ở quanh các kho xưởng suốt hai chiến dịch vừa rồi, họ rất tâm huyết, họ quá vất vả và họ đã thành công.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự thành công sau khi tiếp cận toàn bộ tài liệu và tin báo “ba năm rõ mười”, với đủ clip và ảnh chụp sẵn, với chúng tôi “chỉ điểm” đi đánh án. Thử hỏi, chúng ta có hệ thống cán bộ thôn xã, có lực lượng công an từ xóm trở lên, có thanh tra các cấp, có cấp ủy chính quyền địa phương, tại sao bao nhiêu năm qua đường dây này hoạt động rầm rộ như thế mà không ai phát hiện?

Sao cứ phải chúng tôi từ Hà Nội vào “khởi đầu chuyên án”? Đặc biệt, như bà Thanh - chủ nhà - nói, Hải mới gửi số xác rùa khổng lồ kia sang nhà bà chục ngày nay, thử hỏi, chúng có biết sợ gì ai nữa không, khi mà vừa bị bắt một vụ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam cách đây 1 tháng (ngày 19.11.2014); thế mà chúng vẫn tiếp tục ngâm tẩm vô số xác rùa mà mấy chục năm ròng thiên nhiên mới nuôi dưỡng nên?

Rùa tươi nguyên ấy, chúng vẫn tiếp tục được đầu nậu cung cấp về, vẫn tiếp tục chế tác và bán buôn ư? Liệu đây có phải là lần cuối cùng chúng tôi vào Nha Trang đề nghị được phối hợp triệt phá các kho xác rùa biển gây công phẫn trong dư luận Việt Nam và quốc tế kia không? Chúng tôi không dám chắc.

Chưa có lối ra cho “núi” tang vật sau khi phá án

Khi chúng tôi viết những dòng này, thì bài toán khẩn cấp mang tang vật toàn xác rùa biển khổng lồ sặc mùi xú uế và hóa chất kia đi đâu vẫn chưa có lời giải. Công văn xin ý kiến đã đệ lên Giám đốc Sở NNPTNT, rồi chờ ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Viện Hải dương học là nơi có nghiệp vụ về loài rùa biển này thì đã “hoảng hồn” bởi hơn 4 tấn xác rùa biển với hàng nghìn cá thể từ chuyên án hồi tháng trước, bây giờ họ làm gì còn kho mà biến nó thành “nhà mồ đồi mồi”?

Vả lại, nếu còn chỗ chứa thì cũng không chắc cán bộ ở đây dám nhận, bởi viện còn nghiên cứu, còn đón khách tham quan, còn chăm sóc hàng vạn loài thủy sinh khác, đem núi xác động vật ai ngửi qua cũng buồn nôn kia vào, thì có khác gì “hãm hại” mọi thứ ở đây. Có phương án nữa, hay là xác định nhóm loài xong thì tiêu hủy, nhưng hủy rồi thì lấy gì mà khởi tố vụ án được?

Có người bảo, hay là khoanh luôn các cái chuồng lợn mà Hoàng Tuấn Hải đang chứa xác rùa lại rồi đóng dấu niêm phong, biến nó thành “kho đựng tang vật”. Nhưng không được, các chuồng lợn này trống huếch ba bề bốn bên, ai mà ngồi canh giữ được? Trong khi chờ ý kiến của lãnh đạo tỉnh, lực lượng cảnh sát cơ động rồi PC49, công an xã, vẫn phải thức trắng đêm, canh trắng ngày với số tang vật bốc mùi kia. Chứ biết làm sao.

Lại nói chuyện hàng nghìn xác rùa biển tang vật trong “đợt ra quân” tháng 11.2014. Ông Nguyễn Duyên Thành - thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa - sau đúng 1 tháng gặp lại chúng tôi, trong trạng thái chúng tôi tiếp tục “ôm” đơn lên tố cáo các nấm mồ rùa biển khác, chỉ còn biết gãi đầu gãi tai: “Vụ trước, vì số lượng rùa biển thu giữ nó quá lớn, để xử lý được phải giám định, cơ quan khoa học giám định, mà bây giờ muốn giám định cần phải có kinh phí. Để có kinh phí phải đi xin trên UBND tỉnh, Sở Tài chính người ta cấp thì mới được. Chúng tôi cũng làm hồ sơ, tờ trình nhưng trên đó còn đang xem xét, không biết giờ đã “đi” tới đâu rồi, người ta cũng phải họp bàn mọi cái rồi mới cấp kinh phí được”.

Trong lúc các cơ quan sôi sùng sục lên xem cơ quan chức năng xử lý có nghiêm minh, khách quan và xứng tầm tội ác của đường dây kia không, thì mấy nghìn xác rùa biển cứ nằm trong kho chờ… tiền. Mà sao phải giám định mấy nghìn con rùa biển một lúc, trong khi đối tượng khai đó là rùa biển nó mua về, bằng mắt thường cả thế giới cũng biết đó là đồi mồi, vích; sao không giám định theo xác suất thôi nhỉ?

Thế thì có vụ việc liên quan đến 1 triệu con tôm, con tép thì cũng phải chờ xin tiền giám định từng con một ư? Không biết các vị ấy tính thế nào, chỉ biết là bây giờ, ông Thành bảo, hàng ngày cán bộ của ông cứ phải sang Viện Hải dương học cùng mở niêm phong, lọ mọ giám định từng xác rùa khô đét…, chửa biết bao giờ mới xong.

Bản thân cơ quan công an cũng cho biết, họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý vụ việc. Đại tá Đào Văn Toản - Trưởng phòng PC49, Công an Khánh Hòa - nói: “Về vụ phải được xử lý theo đúng quy trình. Các anh có sang Sở NNPTNT thì các vị bên đó cũng sẽ trả lời như thế. Phải xác định số xác động vật tang vật kia thuộc loài động vật quý hiếm hay không, quý hiếm tới mức nào thì cơ quan công an mới khởi tố được”.

Ông Toản kết luận: “Xin thông báo với nhà báo là số tiền giám định vụ hàng nghìn xác rùa biển đã thu giữ vừa rồi là hết ít nhất 360 triệu đồng, bên Thanh tra Sở NNPTNT vừa sang đây nói rằng, đang xin kinh phí của tỉnh, nếu được duyệt thì (có thể) chỉ được 50%, tức 180 triệu đồng thôi, không đơn giản đâu”.

Khi làm việc với chúng tôi, nhiều cán bộ còn phân tích rõ, chưa biết xử lý vụ việc theo điều luật nào, còn thông tư gì gì nữa để hướng dẫn cũng chưa có, vân vân và vân vân. Chúng tôi thì lại nghĩ khác, nếu chúng ta thật sự muốn bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài rùa biển quý hiếm mà cả nhân loại tiến bộ đang quan tâm, thì chẳng có gì là khó cả.

Cái việc đem soi, khám, lập hồ sơ, xin kinh phí cho từng cái xác trong số nhiều nghìn xác rùa biển hiện nay, nó có gì đó cứng nhắc, giáo điều và hơi nực cười. Cái việc vụ bắt giữ tang vật rùa biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thứ nhất, rồi thứ hai là của cùng một đường dây, một hệ thống nhà kho liên hoàn trong cùng một xã… mà UBND tỉnh, tròn tháng trôi qua rồi, vẫn chưa duyệt cho kinh phí giám định, có gì đó cũng thật nực cười.

Nếu mấy nghìn vị rùa biển khổng lồ, quý hiếm, từng nhiều năm làm “bá chủ đại dương” kia mà có linh hồn hoặc tự dưng sống dậy, chắc “các cụ” sẽ khóc ba tiếng rồi cười ba tiếng cho lối hành xử của chúng ta hiện nay.
 

 Rùa biển là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam. Mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi, nhốt rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài này đều bị xem xét xử lý hình sự với mức tối đa lên đến 7 năm tù bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật theo Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo