Tin tức - Sự kiện

Những tranh luận “nóng” quanh chiếc sừng tê giác

Trong tháng 9/2013, hàng nghìn bài báo quốc tế đã đưa theo một báo cáo của Traffic khẳng định 16% người Việt Nam có nhu cầu sử dụng sừng tê giác nếu có điều kiện mua. Điều này đã dấy lên làn sóng phản đối của thế giới, gây bất lợi cho hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
 
tại cuộc họp báo diễn ra chiều 11-10-2013, đại diện Cites Việt Nam đã đưa ra một số ý kiến phản hồi một số nội dung không chính xác trong báo cáo nghiên cứu tiêu dùng đối với sừng tê giác tại Việt Nam do Tổ chức Traffics phối hợp với Ipsos Marketing thực hiện.
 
Cites Việt nam họp báo về báo cáo của Traffic Đông nam Á
 
Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, bản giới thiệu tóm tắt báo cáo này với tiêu đề "Người tiêu dùng tê giác, Họ là ai?" đã đưa ra một số thông tin chưa chính xác và nhận định thiếu khách quan, cũng như phương pháp thực hiện không toàn diện và thông tin được công bố không rõ ràng, gây hiểu nhầm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực thực thi của các cơ quan chức năng và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Cụ thể, mục tiêu của nghiên cứu để đánh giá về nhận thức, cách thức sử dụng và thái độ của người Việt Nam nói chung về sừng tê giác, nhưng số lượng mẫu chỉ có 749 mẫu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong số 40 người phỏng vấn sâu thì đều chọn những người đã có liên quan tới sừng tê để để phỏng vấn là 10 người đã mua, 10 người sử dụng, 10 người không sử dụng nhưng biết về sừng tê và 10 bác sĩ đông y. Phỏng vấn trực tiếp 709 người thì chọn ra trước 109 người đã mua và sử dụng, còn lại 600 người phỏng vấn ngẫu nhiên.
“Như vậy, nghiên cứu này không thể đại diện cho người Việt Nam, cũng như không phản ánh đúng và khách quan về số người sử dụng sừng tê trên tổng dân số vì trước khi phỏng vấn đã lựa chọn ra tới 20% người đã sử dụng hoặc mua sừng tê”, ông Tùng khẳng định.
 
Mặt khác, bảng câu hỏi được thiết kế dài gần 30 trang, thiếu căn cứ khoa học và chủ yếu tập trung vào các câu hỏi xoay quanh việc sử dụng, mua bán sừng tê, không xét đến khía cạnh tâm lý của người Việt nam để đánh giá chính xác được đối tượng. Do vậy, kết quả đưa ra không phản ảnh được chính xác nhận thức và thái độ thực của người được hỏi mà ra kết quả chủ quan của người hỏi.
 
Nghiên cứu mang tính xã hội, nhưng lại do tổ chức Ipsos Marketing chuyên về xác định maketing, thị trường và kinh doanh thực hiện, xây dựng theo ý kiến chủ quan của WWF/Traffic, không có sự tham gia hoặc góp ý của các bên có liên quan, đặc biệt, thiếu sự tham vấn của các cơ quan Chính phủ quản lý về lĩnh vực này.
 
Theo Cites Việt Nam, mặc dù nghiên cứu của Traffic chỉ trong phạm vi nhóm người nhỏ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và tập trung chủ yếu vào những người đã mua hoặc sử dụng để xác định nhận thức, cách thức sử dụng và thái độ. Nhưng báo cáo đã đưa ra những công bố và nhận định thiếu khách quan, không có căn cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam và những nỗ lực của các cơ quan chức năng, đặc biệt, đã làm cho dư luận thế giới hiểu sai về Việt Nam và có ý nghĩ tiêu cực về con người Việt Nam.
 
Nếu như những báo cáo trước đây khẳng định nhu cầu mua sừng tê giác tại Việt nam là để làm thuốc thì báo cáo mới này cho rằng sừng tê giác thể hiện sự oai phong của người sở hữu nó. Báo cáo cho rằng tình trạng sử dụng sừng tê giác như là một biểu tượng của người Việt khá giả ở đô thị là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác. Qua nghiên cứu này mới hiểu được nguyên nhân tác động tới quần thể tê giác ở Nam Phi là do phát triển kinh tế của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.
 
Báo cáo của Traffic cho rằng có 41% người mua hoặc sử dụng là chỉ mua cho gia đình; 39% người mua hoặc sử dụng chỉ là người sử dụng, không mua mà được biếu; 16% muốn mua để biếu sếp, bạn, đồng nghiệp hoặc cán bộ chính phủ. Có 5% dân số sử dụng sừng tê và có tới 16% người được hỏi có ý định sử dụng, như vậy sắp tới số người sử dụng sẽ tăng lên bốn lần nữa. “Những người đang sử dụng sừng tê giác không nguy hiểm bằng số người đang có ý định sử dụng”, ông Tùng nói.
 
Cuộc họp báo diễn ra sau một tháng kể từ khi những bài báo viết về nhu cầu sử dụng sừng tê giác của người Việt Nam dấy lên một làn sóng trên thế giới. Phía Traffic, bà Naomi Doak, Trưởng đại diện Traffic Đông Nam Á cho rằng một số bài báo quốc tế đã đưa ra thông tin sai so với báo cáo ban đầu của Traffic, vì trong báo cáo không đưa ra rằng những con số này đại diện cho toàn bộ người Việt Nam. Đây chỉ là những nghiên cứu ban đầu, và theo bà Naomi, cần có càng nhiều nghiên cứu về nhu cầu sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam từ các tổ chức khác nhau càng tốt, kể cả những ý kiến trái chiều.
 
Số liệu từ Nam Phi cho thấy nạn săn bắn trái phép tê giác để lấy sừng ở Nam Phi vẫn đang ngày càng gia tăng, đến nay đã có hơn 700 cá thể tê giác trắng bị giết và con số dự báo trong năm nay là 1.000 cá thể bị giết hại. Trung Quốc và Việt Nam là nước tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất. Tuy nhiên, người Việt Nam chủ yếu chỉ có thói quen mài sừng tê giác để uống, và không hề có công nghiệp sản xuất thuốc hay làm đồ lưu niệm từ sừng tê giác và thực tế ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu toàn diện mang tính khoa học nào về việc sử dụng sừng tê giác. 
 
 
 
Theo Nhandan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo