Quốc tế

Những “vết xe đổ” Tổng thống Trump cần tránh khi đàm phán với ông Kim Jong-un

Lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đàm phán với Triều Tiên là “không lặp lại những sai lầm của các chính quyền tiền nhiệm” và trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo chuẩn bị gặp mặt, ông chủ Nhà Trắng cần nhận ra những sai lầm trong quá khứ để tránh không đi vào những vết xe đổ này.

Nhà Trắng cho đến nay đã cảnh giác trước hai bước đi sai lầm mà các chính quyền tiền nhiệm từng mắc phải. Thứ nhất, Mỹ sẽ không nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cho tới khi nước này có những bước đi cụ thể trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Thứ hai, Washington sẽ không chấp nhận một tiến trình đàm phán kéo dài mà ở đó Bình Nhưỡng sẽ đưa ra những nhượng bộ ít ỏi trong lúc “câu giờ”.

Những nguyên tắc trên nhằm đảm bảo cho Mỹ tránh lặp lại những sai lầm về ngoại giao trong quá khứ, như những lần đổ vỡ của Thỏa thuận khung năm 1994 hay Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đây đều là những nỗ lực ngoại giao kéo dài suốt nhiều năm song chưa bao giờ thành công trong việc chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty).

Theo Frank Aum, chuyên gia cấp cao về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ và từng là cố vấn cấp cao về Triều Tiên tại Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 2012-2017, chính quyền Trump cần tránh 6 sai lầm dưới đây nếu muốn đạt được viễn cảnh đàm phán thành công với Triều Tiên.

Không thống nhất nội bộ

Việc phối hợp chính sách thiếu hiệu quả trong nội bộ các chính quyền Mỹ thường gây cản trở cho tiến trình ngoại giao. Tháng 9/2005, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt một ngân hàng Macau, dẫn tới việc đóng băng 25 triệu USD tài khoản của Triều Tiên tại ngân hàng này. Động thái trên của Mỹ đã tác động xấu tới một thỏa thuận phi hạt nhân mang tính đột phá mà Bộ Ngoại giao Mỹ đàm phán được với Triều Tiên chỉ vài ngày sau đó.

Sai lầm này có thể sẽ lặp lại trong bối cảnh hiện tại khi các quan chức trong chính quyền Trump liên tục đưa ra những thông điệp mâu thuẫn về cách tiếp cận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Nếu không được xử lý kịp thời, những cách tiếp cận này có thể đe dọa tới khả năng thành công của thượng đỉnh Trump - Kim vào ngày 12/6 tới.

Những thỏa thuận mơ hồ

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp tại Triều Tiên (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia Frank Aum cho rằng các thỏa thuận trước đây với Triều Tiên bị đổ vỡ do Mỹ chưa thực sự chú ý tới các chi tiết. Trong thỏa thuận Leap Day (Ngày nhuận) năm 2012, các nhà đàm phán của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên cũng thuộc diện đóng băng, tương tự các vụ phóng tên lửa tầm xa.

Tuy nhiên, tuyên bố của các nhà đàm phán rốt cuộc không được ghi chép lại thành văn bản và Triều Tiên sau đó đã lợi dụng điều này để tiến hành một vụ phóng vệ tinh mà nhiều nước nghi ngờ là để thử nghiệm công nghệ tên lửa.

Trước đó, Thỏa thuận khung năm 1994 từng đề cập tới kế hoạch phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên tại Yongbyon, song không nêu cụ thể về việc làm giàu uranium. Bình Nhưỡng sau đó đã nỗ lực phát triển một chương trình làm giàu uranium bí mật trong suốt một thập niên. Mặc dù hành động này đi ngược lại với tinh thần của Thỏa thuận khung, song về mặt kỹ thuật Triều Tiên vẫn không bị coi là vi phạm thỏa thuận.

Trong các cuộc đàm phán sắp tới, Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ gặp phải nhiều vấn đề dễ gây ra sự nhập nhằng, ví dụ như quy mô của quá trình phi hạt nhân hóa hay việc xác thực quá trình này. Điều này đòi hỏi chính quyền Trump phải bảo đảm mức độ chính xác của ngôn từ trong các văn bản thỏa thuận. Bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào được đưa ra cũng phải đi kèm các biện pháp xác thực cụ thể.
Bất đồng lưỡng đảng

Những mâu thuẫn về chính sách đối với Triều Tiên giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như qua các đời tổng thống đã ảnh hưởng tới khả năng của Mỹ trong việc thực thi các cam kết. Hai tuần sau khi Thỏa thuận khung được ký năm 1994, đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội và biến thỏa thuận này thành một văn kiện thiếu hiệu quả.

 

Vào thời điểm đó, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã từ chối chi trả cho các chuyến tàu chở dầu tới Triều Tiên theo yêu cầu của thỏa thuận. Theo giới phân tích, việc Mỹ liên tục trì hoãn vận chuyển dầu tới Triều Tiên cùng các hành động chậm trễ khác của Washington khiến Bình Nhưỡng quyết định phát triển một chương trình làm giàu nguyên liệu hạt nhân bí mật.

Nếu muốn đạt được một thỏa thuận lâu dài với Triều Tiên, chính quyền Trump cần xem xét các biện pháp để đảm bảo nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Để tăng cơ hội kéo dài thỏa thuận sang các chính quyền kế nhiệm, đội ngũ của ông Trump cần hối thúc Thượng viện phê chuẩn thỏa thuận này, thay vì chỉ giữ nguyên là thỏa thuận hành pháp giống thỏa thuận hạt nhân Iran.

Giải quyết bất đồng bằng rút khỏi thỏa thuận

Năm 2002, chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush từng lấy cớ là chương trình làm giàu uranium bí mật của Triều Tiên để chấm dứt Thỏa thuận khung. Đáp lại, Triều Tiên đã rút lui khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003 và tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.

Theo giới chuyên gia, Mỹ lẽ nên tìm cách giải quyết vấn đề làm giàu uranium của Triều Tiên bằng chính các điều khoản được quy định trong Thỏa thuận khung, thay vì xé bỏ văn bản này. Do vậy, trong các cuộc đàm phán lần này, Mỹ và Triều Tiên cần xây dựng cơ chế giải quyết bất đồng để ngăn không cho các bên đơn phương rút khỏi các thỏa thuận một cách dễ dàng, đồng thời đảm bảo rằng các trụ cột của thỏa thuận không bị mất đi.

 

Sự quan tâm chưa đủ

Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên tại Trung Quốc năm 2006 (Ảnh: Reuters).

Dưới thời các chính quyền Mỹ trước đây, Triều Tiên chỉ được xem là mối lo ngại an ninh ở mức thứ 3. Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton từng không đặt nhiều sự quan tâm chính trị vào việc thực thi Thỏa thuận khung, thay vào đó chỉ chờ đợi sự sụp đổ của chính quyền Bình Nhưỡng.

Tương tự, chính quyền cựu Tổng thống Bush cũng tập trung nhiều nguồn lực vào việc ngăn chặn Iraq phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong khi không quan tâm tới những bằng chứng ngày càng rõ nét về các chương trình phát triển vũ khí bị cấm của Triều Tiên.

Tổng thống Trump coi vấn đề Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và muốn nắm bắt cơ hội này để đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn đang phải đối mặt với một loạt vụ lùm xùm chính trị trong nước, và những vấn đề nội bộ này có thể đẩy Triều Tiên xuống hàng thứ yếu trong mối quan tâm của nhà lãnh đạo Mỹ.

Không đàm phán với Triều Tiên ngay từ đầu

 

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu Mỹ có nên đàm phán song phương với Triều Tiên, hay sử dụng một hình thức đa phương khác.
Vào năm 1994, cuộc gặp giữa cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Tổng thống Jimmy Carter đã góp phần tạo dựng nền tảng cho Thỏa thuận khung giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên tới thời cựu Tổng thống Bush, Mỹ không còn lựa chọn mô hình song phương mà ưu tiên cơ chế đa phương vì cho rằng cần tính tới quan điểm của các quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc dù vậy, đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên rốt cuộc vẫn đổ vỡ.

Hiện nay, chính quyền Trump đang đi theo một con đường khác, lựa chọn đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước khi hợp tác riêng rẽ với các bên trong cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Hiện vẫn chưa rõ liệu các quốc gia như Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào nếu bị gạt khỏi tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa khi Mỹ và Hàn Quốc bắt tay với nhau.

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo