Những vụ bắt giữ buôn lậu ngà voi số lượng "khủng"
Hơn 2 tấn ngà voi nhập lậu qua cảng Sài Gòn
Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, vào khoảng 11h ngày 6/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 phối hợp với đội kiểm soát – Hải quan TP HCM, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) tình nghi lô hàng 2 container nhập về cảng.
Đứng tên trên tờ khai nhập khẩu lô hàng nêu trên là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Diệu Tiên (quận Tân Bình, TP. HCM). Hàng hóa nhập khẩu khai báo gồm 2 container gỗ xoan đào có xuất xứ Mozambique. Lô hàng được hệ thống phân luồng Vàng (kiểm tra hồ sơ).
Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 12 khúc gỗ có dấu hiệu bị đục rỗng và dán kín bằng các loại đinh vít, chứa 569 khúc đoạn nghi là ngà voi cân nặng 2.052 kg.
Sau khi có báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Tổng cục Hải quan về vụ việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan xem xét, khởi tố vụ án, tập trung khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ tổ chức, đường dây và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Gần 1 tấn ngà voi được cất giấu tinh vi trong các khúc gỗ
Chiều 26/10, Cục Hải quan TP. HCM cho biết các đơn vị thuộc Cục vừa phát hiện và phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan kiểm tra lô hàng có chứa gần 1 tấn ngà voi châu Phi được cất giấu tinh vi trong các khúc gỗ trung chuyển qua cảng Cát Lái, theo tin tức trên TTXVN.
Cụ thể, chiều cùng ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Đội Kiểm soát (Cục Hải quan TP. HCM) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) - Bộ Công an tiến hành kiểm tra hai container gỗ trung chuyển qua cảng Cát Lái có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra 2 container, hàng trăm khúc ngà voi được cho vào các khúc gỗ rỗng ruột có kích thước rộng 30-40cm, dài hơn 2m bị lực lượng chức năng phát hiện. Giá thị trường 1 tấn ngà voi trên khoảng hơn 40 tỷ đồng.
Lô hàng này được nhập khẩu từ Kenya (Châu Phi), quá cảnh về Việt Nam để xuất khẩu sang Campuchia. Trong thời gian lô hàng này đang được vận chuyển trên biển thì lực lượng chức năng của Việt Nam nắm được thông tin và lên kế hoạch bắt giữ
Tiếp tục bắt giữ 500kg ngà voi nhập lậu tại cảng Cát Lái
Chiều ngày 1/11, Cục Hải quan TP. HCM đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan tạm giữ gần 500kg ngà voi nhập lậu từ Châu Phi về Việt Nam ở cảng Cát Lái, TP. HCM, theo tin tức trên báo Công an TP. HCM.
Theo đó, do nghi vấn 2 container của công ty TNHH Tam Phúc, có trụ sở đặt tại tỉnh Bình Phước chứa hàng hóa cấm nhập khẩu nên Đội kiểm soát Hải quan thuộc Cục hải quan TP.HCM phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an và Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 đã quyết định tiến hành kiểm tra 2 container của công ty trên.
Theo tờ khai, 2 container này vận chuyển gỗ từ Châu Phi về Bình Dương. Tuy nhiên, kiểm tra container đầu tiên bằng phương pháp thủ công, cơ quan chức năng đã phát hiện 10 khúc gỗ đục rỗng ruột, bên trong đựng ngà voi để lẫn với nhiều lớp mùn cưa và được dán keo một cách tinh vi.
Theo báo Công an Nhân dân, cơ quan chức năng đã kiểm kê số ngà voi ở container thứ nhất với số lượng khoảng trên 300kg và sẽ tiếp tục kiểm kê container thứ 2 trong thời gian sớm nhất. Ước tính lô ngà voi này có trọng lượng gần 500kg.
Vào ngày 12/11/2016, đại diện các bộ ngành sẽ phối hợp tổ chức tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi và khoảng 70kg sừng tê giác. Đây là tang vật của các vụ buôn bán trái pháp luật bị tịch thu. Sự kiện Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác được thực hiện theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2337/VPCP-KHTT ngày 19/10/2016 về việc đề xuất tiêu hủy mẫu động vật hoang dã buôn bán trái phép bị tịch thu.
Việc tiến hành tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác nêu trên là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế tuyên chiến với tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã và thể hiện người Việt Nam không tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo