Nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% nợ công
Trả lời báo chí về vấn đề nợ công của Việt Nam, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, nợ công trong thời gian gần đây được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng nợ công của một số nước châu Âu hiện nay.
Ở Việt Nam, cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80,8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%.
Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước đang có xu hướng tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và tỷ trọng nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% năm 2011 xuống còn 43% năm 2015, như vậy là phù hợp với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến 2030.
Về kỳ hạn, với nợ trong nước, chủ yếu phát hành trái phiếu trong nước. Trước đây, do áp lực huy động vốn lớn trong khi thị trường vốn trong nước chưa phát triển, nguồn vay đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) chủ yếu là ngân hàng thương mại nên giai đoạn 2011-2013 buộc phải vay với kỳ hạn ngắn dẫn đến áp lực trả nợ trong ngắn hạn tăng lên.
Theo ông Hiển, thực hiện Nghị quyết số 78/2014/NQ-QH13 và Nghị quyết số 99/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo kéo dài thời hạn phát hành Trái phiếu trong nước. Nhờ vậy, từ năm 2014, kỳ hạn đang ở mức 3 năm, đến năm 2015, kéo dài lên 4,4 năm và 6 tháng đầu năm 2016 thì kéo dài lên 5 năm góp phần giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn. Đối với nợ nước ngoài, vay ODA, vay ưu đãi vẫn chiếm tỷ trọng cao (trên 94%) với kỳ hạn còn lại bình quân trên 10 năm.
Về cơ cấu lãi suất, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn trong nước bình quân giảm từ mức 12%/năm vào năm 2011 xuống còn khoảng 6,5% vào năm 2014 và khoảng 6% vào năm 2015, góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu trong nước. Đối với nợ nước ngoài do các khoản vay ODA, vay ưu đãi chiếm tỷ trọng lớn, lãi suất bình quân tính đến cuối năm 2015 khoảng 2%/năm.
Cơ cấu đồng tiền của danh mục nợ của Chính phủ tập trung vào một số đồng tiền chính bao gồm: đồng Việt Nam với tỷ trọng 55%; USD chiếm tỷ trọng 16%; Yên Nhật chiếm tỷ trọng 13% và Euro chiếm tỷ trọng khoảng 7%, còn lại là các đồng tiền khác.
Đánh giá về cơ cấu nợ công, ông Võ Hữu Hiển cho biết thêm, Bộ Tài chính đã phân tích về bền vững nợ công với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và có nhận định rằng: Cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện đang từng bước được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn.
Trong báo cáo mới gửi lên Chính phủ của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến 31/12/2015, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%. Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,8% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP. Trong đó, vốn bảo lãnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như ngành điện. Chỉ tính tiêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số vay nợ đã lên tới 9,7 tỷ USD. Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVN/NPT) là 445 triệu USD. Năm 2015, có 4 dự án nguồn điện được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng giá trị gần 2,1 tỷ USD, đã góp phần hoàn thiện đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân và Duyên Hải. Bảo lãnh dư nợ trái phiếu Chính phủ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 127.652 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội là 33.866 tỷ đồng. Riêng năm 2015, VDB đã phát hành 32.994 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách phát hành 14.949 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi đến hạn khoảng 60.906 tỷ đồng.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao giá vàng thế giới lao dốc hơn 2%?
Nhận diện động lực sẽ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
Giá ngoại tệ ngày 12/11/2024: USD tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 12/11/2024: Cà phê, hồ tiêu giữ mức ổn định
Cảnh báo mạo danh Amazon để lừa đảo người tiêu dùng
Giá heo hơi ngày 12/11/2024: Duy trì mức giá cao trên toàn quốc