Nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều”
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng khoảng 12,2% GDP, từ mức 50% vào năm 2011 lên 62,2% vào cuối năm 2015. So với mức tăng 9% GDP của giai đoạn 2006-2010 thì khá cao. Như vậy có thể thấy, cơ cấu nợ thì bền vững nhưng dư nợ công lại đang tăng nhanh.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh trước tiên là áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2001-2005, đầu tư toàn xã hội bình quân là 39% GDP. Sang giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này đạt 42,9%GDP.
Trong 5 năm 2011-2015, mặc dù mức vốn đầu tư toàn xã hội giảm nhưng vẫn duy trì khoảng 32% GDP. Đầu tư ở mức tương đối cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho đầu tư chỉ khoảng 25% GDP dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn vốn cho đầu tư, đồng nghĩa với việc phải đi vay. Việt Nam là một nước đang trong giai đoạn phát triển, cũng như rất nhiều các nước phát triển khác, buộc phải tăng vay nợ cho đầu tư, đặc biệt là các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ… từ đó khiến quy mô nợ công tăng lên.
Xét trên khía cạnh khác, đó là bối cảnh kinh tế giai đoạn 2011-2015 không thuận lợi, đặc biệt là việc điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn từ mức bình quân 7-7,5%/năm xuống 6,5-7,0%/năm cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tăng trưởng - cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài khóa, bội chi, vay nợ - thì giảm trong khi nhu cầu vay và các chỉ tiêu khác vẫn được giữ nguyên do phải tăng cường nguồn lực để thúc đẩy, duy trì, ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ quả tất yếu là tỷ lệ nợ công so với GDP tăng lên.
Ngoài ra, việc mất giá của đồng Việt Nam biến động khó lường của các đồng tiền vay khác như USD, JPY, CNY cũng làm quy mô nợ của Chính phủ tăng khi quy đổi sang đồng Việt Nam.
Kiên quyết cắt giảm bội chi ngân sách để giảm áp lực nợ công
Đưa ra giải pháp để giảm áp lực và đảm bảo an toàn nợ công trong 5 năm tới đây, ông Vũ Hữu Hiển cho rằng, nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình theo nhiều hướng giải pháp.
Cụ thể, phải giám sát kiểm soát kỹ các khoản vay mới bởi áp lực vay nợ cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn vì vậy để giảm áp lực này trước hết phải xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa; kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt cần sự đầu tư của Nhà nước.
Việc thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao; tránh hiện tượng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đặc biệt là tăng từ nguồn vốn vay do triển khai chậm trễ, không đúng tiến độ dẫn đến khối lượng tăng lên. Chú trọng nâng cao hiệu quả sự dụng đầu tư công, sử dụng nợ công.
Kiên quyết cắt giảm bội chi NSNN theo lộ trình đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020; tiếp tục giảm bảo lãnh Chính phủ, ưu tiên bố trí nguồn NSNN để trả nợ/
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm tăng nguồn vay trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Hằng năm, cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi thị trường trong và ngoài nước… để chủ động xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức vay và hạn mức nợ tương ứng để đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines