Tin tức - Sự kiện

Nợ của doanh nghiệp nhà nước sẽ được quản như thế nào?

Trước tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước ở mức khá nghiêm trọng, lãnh đạo bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ tất cả các khoản nợ. Theo đó, sẽ buộc các doanh nghiệp phải phân loại nợ phải thu, phải trả, đồng thời gắn trách nhiệm các tập thể, cá nhân đối với từng khoản nợ.

Dự thảo nghị định về Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu nêu rõ: doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ.

 

Cùng với đó, doanh nghiệp phải mở sổ theo dõi các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; thường xuyên phân loại các khoản nợ (nợ luân chuyển, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi), đôn đốc thu hồi nợ. Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được.

 

Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ, không thu hồi được thì hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc hoặc giám đốc sẽ bị miễn nhiệm. Nếu vì không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại doanh nghiệp thì lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

 

Khi xác định là nợ phải thu khó đòi, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định. Nợ phải thu không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan. Số còn lại được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính. Nếu các khoản này còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Nợ không có khả năng thu hồi sau khi xử lý như trên, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi trên tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán và tổ chức thu hồi. Số tiền thu hồi được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

 

Ngoài ra, để xử lý nợ, dự thảo nghị định nêu rõ doanh nghiệp được quyền bán các khoản nợ phải thu theo quy định của pháp luật, gồm cả nợ phải thu trong hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ.

 

Giá bán các khoản nợ do các bên tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm về quyết định bán khoản nợ phải thu. Trường hợp bán nợ mà dẫn tới doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn hoặc mất khả năng thanh toán, gây ra tình trạng doanh nghiệp phải giải thể, phá sản thì hội đồng thành viên, chủ tịch công ty và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh khoản nợ khó đòi phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp.

 

Để quản lý các khoản nợ phải trả, ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết thêm: nghị định sẽ buộc doanh nghiệp phải mở sổ theo dõi đầy đủ các khoản nợ phải trả gồm cả các khoản lãi phải trả; thanh toán các khoản nợ phải trả theo đúng thời hạn đã cam kết. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời không để phát sinh các khoản nợ quá hạn. Các khoản nợ phải trả mà không phải trả, không có đối tượng để trả thì hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

 

 

Dư nợ cho vay 12 tập đoàn là 218.738 tỉ đồng

Theo dự thảo đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vừa được bộ Tài chính trình Chính phủ, thực trạng tài chính ở không ít tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước rất yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài. Tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước là 415.347 tỉ đồng, tương đương 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ cho vay 12 tập đoàn kinh tế của Nhà nước lên tới 218.738 tỉ đồng (tập đoàn dầu khí là 72.300 tỉ đồng, EVN 62.800 tỉ đồng, Vinacomin 20.500 tỉ đồng và Vinashin 19.600 tỉ đồng), tương đương 8,76% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước. Có đến 30/85 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn ba lần, đặc biệt có bảy tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên mười lần (như các tổng công ty: Xây dựng công nghiệp; Xây dựng công trình giao thông 1; Xây dựng công trình giao thông 5; Xây dựng công trình giao thông 8; Xăng dầu quân đội; Thành An; Phát triển đường cao tốc).

Bản dự thảo cũng nhận định: tình hình tài chính tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn tài chính, đang tiềm tàng nhiều nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Mức lỗ bình quân của các tập đoàn, tổng công ty còn lớn: theo báo cáo thống kê mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tính đến hết năm 2010, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là 1.044.292 tỉ đồng, bình quân bằng 1,65 lần vốn chủ sở hữu.

 
 
  

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo