Nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông
Tây Ninh là một trong 11 tỉnh, thành phố phía Nam nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có hai con sông lớn là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông cần phải bảo vệ nghiêm ngặt về chất lượng nguồn nước.
Trong hai cong sông trên, nguồn nước sông Sài Gòn đã được kiểm soát, chất lượng được cải thiện do ít bị tác động của nước thải công nghiệp, còn sông Vàm Cỏ Đông là mục tiêu nỗ lực của tỉnh trong việc hạn chế dần các yếu tố gây ô nhiễm, để trả lại nguồn nước trong sạch cho con sông này vào năm 2020.
Sông Vàm Cỏ Đông (nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Tây Ninh) có chiều dài khoảng 270km, bắt nguồn từ tỉnh Kom Pong Chàm (Campuchia) ở độ cao 150m, chảy qua địa phận Tây Ninh 151km thuộc địa bàn của sáu huyện: Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng với tổng dân số gần 740.000 người, chiếm 2/3 tổng dân số của tỉnh.
Ngoài việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông đường thủy, sông Vàm Cỏ Đông còn bị tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác khoáng sản (cát); nước thải từ các khu công nghiệp Trảng Bàng, Linh Trung, Thành Thành Công và hơn 40 nhà máy chế biến khoai mì (sắn), 11 nhà máy chế biến cao su, hai nhà máy chế biến mía đường, 11 trung tâm y tế, bệnh viện và trên 30 cơ sở sản xuất kinh doanh khác hoạt động theo kiểu làng nghề, với tổng lưu lượng nước thải hàng trăm nghìn m3/ngày đêm đổ xuống con sông này.
Sông Vàm Cỏ Đông còn tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và nước thải đô thị của thành phố Tây Ninh, sáu thị trấn và cộng đồng dân cư đang sinh sống ở ven sông, làm chất lượng nguồn nước con sông ngày càng xấu đi rõ rệt.
Để nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông đạt tiêu chuẩn loại A, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đến năm 2020" với mục tiêu từng bước xử lý, ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong lưu vực thực hiện cân bằng nguồn nước nhằm phục vụ an toàn cho việc cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp, các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của lưu vực.
Tỉnh Tây Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm 23 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó trưởng ban và 21 thành viên là Giám đốc các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh.
Giai đoạn từ năm 2011-2013, tỉnh đã xử lý triệt để (đóng cửa, di dời) năm nhà máy, năm cụm chế biến khoai mì và một cụm sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sông Vàm Cỏ Đông.
Đầu năm 2014, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy chế biến mía đường, chế biến tinh bột khoai mì, cao su, các bệnh viện và các cơ sở sản xuất đang hoạt động có nước thải xả vào lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh quy định phải xử lý đạt cột A theo quy chất kỹ thuật quốc gia về môi trường, chậm nhất đến 30/6/2014 phải thực hiện xong mới được phép hoạt động.
Tây Ninh cũng thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, phạt nặng đối với cơ sở sản xuất lén lút xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.
Trong tám tháng qua, hai ngành chức năng của tỉnh là Cảnh sát môi trường, Chi cục bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) đã kiểm tra, thanh tra hơn 450 cơ sở sản xuất, phát hiện gần 20 cơ sở vi phạm, gây ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ (hoặc cơ sở tự nguyện đình chỉ) 56 cơ sở chế biến bột mì, cao su do chưa triển khai hoặc triển khai chưa hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải đạt loại A theo quy định.
Tỉnh cũng đầu tư 117 tỷ đồng thực hiện công trình xử lý chất thải, nước thải y tế cho chín Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện viện đa khoa tỉnh để xử lý triệt để nguồn chất thải, nước thải độc hại trước khi thải ra môi trường.
Đến cuối tháng 8/2014 đã có năm trung tâm y tế cấp huyện, thành phố đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, chất thải đưa vào hoạt động.
Đến nay, Tây Ninh đã có 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy chế biến mía đường và trên 50% nhà máy chế biến khoai mì, chế biến cao su đã xử lý nước thải đạt cột A.
Các nhà máy còn lại, trước mắt tỉnh tạm thời đình chỉ hoạt động, khi nào xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải (đạt tiêu chuẩn loại A) sẽ được hoạt động trở lại.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, tồn tại lớn nhất hiện nay gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước của sông Vàm Cỏ Đông chưa được xử lý là nguồn nước thải sinh hoạt của các khu dân cư đô thị khu vực ven sông như thành phố Tây Ninh, các thị trấn Hòa Thành (huyện Hòa Thành), Châu Thành (huyện Châu Thành), Gò Dầu (huyện Gò Dầu), Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu).
Hầu hết các nguồn nước này hiện nay được thu gom vào mương, rạch thông qua hệ thống cống, rãnh, sau đó chảy ra sông Vàm Cỏ Đông.
Ông Xuân cũng cho biết trong thời gian tới, tỉnh có kế hoạch triển khai hai dự án đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom và hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu đạt chất lượng nước thải loại A sau khi thải ra sông suối, góp phần cải thiện triệt để chất lượng sông Vàm Cỏ Đông, nhằm từng bước cải thiện chất lượng nước của hệ thống lưu vực sông Đồng Nai đạt tiêu chuẩn loại A để phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt theo đề án của Thủ tướng Chính phủ./.
Theo TTXVN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo