Tin tức - Sự kiện

Nỗ lực toàn dân, vượt qua thử thách

Nền kinh tế đang trên đà hồi phục, nhưng còn chậm, lúc này đang còn là thời điểm đất nước ta gặp khó khăn nhất từ thời đổi mới-Đó là chia sẻ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh trước Kỳ họp thứ 8 của QH khóa XIII.

Kỳ họp (từ 20/10) này, nghị trường Trụ sở Nhà Quốc hội-Hội trường Ba Đình mới, luôn “nóng” hơn bao giờ hết, bởi chương trình thảo luận khối lượng lớn dự án luật đã nặng và căng thẳng, mà áp lực từ kỳ vọng của nhân dân cả nước đối với những giải pháp khả thi của cơ quan quyền lực cao nhất đưa đất nước vượt qua thời vận xấu, còn nặng hơn gấp bội…

Bức tranh kinh tế, đời sống bắt đầu le lói mảng sáng, nhưng gam mầu ảm đạm còn đè nặng lên mỗi bữa ăn, giấc ngủ, gây nỗi bức xúc thường nhật cho người dân, nhất là dân miền núi, thôn quê, dân nghèo thành thị.

Không chỉ Quốc hội, mà mọi nhà đều thấm thía hệ lụy đến từ cơn bão tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, làm trầm trọng thêm hậu quả từ những non yếu, khuyết tật vốn có của nền kinh tế đi lên từ nông nghiệp lạc hậu. Những tổn thất to lớn trả “học phí”cho một thời phát triển nóng với sự khuyết thiếu, bất cập của hệ thống luật pháp, của hoạch định chính sách cũng như sự bất cập của quản lý, điều hành. Đặc biệt là bởi nạn tham nhũng bấy nay vẫn nghiêm trọng và phổ biến, v.v. Hậu quả là lãng phí và thất thoát một nguồn lực khổng lồ. Thế lực tham nhũng, lợi ích nhóm thì giầu nhanh, kết thành hệ thống ngầm ký sinh trên chính hệ thống chính trị, như thành trì kiên cố, giỏi thuật tàng hình, thủ đoạn như ma như quỉ.

Nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô vẫn trong trạng thái ổn định tuy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thấy rõ nhất là lạm phát đã được hạ nhiệt dần, nay vẫn đang ở ngưỡng an toàn. Tiền đồng của ta vẫn giữ được giá. Những chỉ tiêu vừa sức mà QH đặt ra, Theo Báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp này của QH, hầu hết đã đạt được.

Giá cả ổn định, người dân đi chợ thôi không than thở ví đã còm lại cứ như là mất cắp. Có điều với đông đảo người lao động, người về hưu, nhất là người chưa tìm được việc làm, thì cái ví còm vẫn không sao nhỉnh hơn lên được. Nghĩa là sức mua của dân, tổng cầu của nền kinh tế, thì giảm sút nhiều so với những năm tăng trưởng cao, nên chi tăng trưởng GDP có nguy cơ giảm sút.

Nhìn toàn cục thực trạng và cung cách làm ăn mấy thập kỷ nay, sự lo ngại càng gia tăng khi thấy ta còn đang loay hoay tìm lối thoát khỏi trình độ sản xuất rất thấp, nặng về bán nguyên liệu thô, gia công, làm thuê; giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh kém. Xu hướng giảm sút tăng trưởng là tất yếu, nếu không nhanh chóng, quyết liệt và bền bỉ hành động từng bước thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, năng suất lao động cao, hiệu quả kinh tế lớn.

Còn như thăm khám sức khỏe nền kinh tế hiện giờ, thì điều đáng lo ngại nhất, là động lực nội sinh chủ yếu cho tăng trưởng ( tức là SX, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước) lại sa sút lớn. 69 nghìn DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, trong khi số DN mới gia nhập thị trường hoặc hoạt động trở lại ít hơn nhiều và sản phẩm làm ra chưa đáng kể. Hàng hóa làm ra vẫn chủ yếu là phẩm cấp thấp, giá rẻ, tồn đọng lớn, thất nghiệp tăng cao …

Nợ công tăng nhanh đe dọa vượt ngưỡng an toàn, trong khi không thể không tiếp tục phải vay để đầu tư phát triển. Bởi nguồn thu ngân sách thì co lại, trong khi chi thường xuyên tới 70%, và trả nợ, nên chỉ có thể dành 11% cho đầu tư phát triển (thấp hơn nhiều so với trung bình 30% những năm trước).

Giải pháp quan trọng nhất kỳ vọng có thể đột phá thực hiện chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế, là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhưng sức ỳ và mớ bòng bong những vướng mắc cơ chế, chính sách, định giá tài sản…khiến triển khai rất chậm. Gần đây, Chính phủ đốc thúc quyết liệt, tiến trình này đã có triển vọng nhanh lên.

Tuy nhiên, thời suy thoái, lưng vốn các nhà đầu tư trong nước số đông đã “chôn” vào bất động sản còn là bãi đất hoang hóa hoặc những bộ xương cốt thép cao ốc han rỉ dưới nắng mưa; một số đã là sản phẩm thì ế ẩm. Thế nên những doanh nghiệp nhà nước đã có thể lên sàn kêu gọi mua cổ phiếu, thì số đông vẫn đang phải nhẫn nại chờ thời. Trong chuyến công du EU vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lời kêu gọi giới đầu tư nước ngoài hướng tới khu vực nhiều tiềm năng này. Nhưng vẫn còn sớm để có thể thấy triển vọng khả quan.

Kinh tế, đời sống sa sút, thất nghiệp đông, nên xã hội sinh lắm chuyện nhức nhối. Phòng, chống tham nhũng quyết liệt thế, nhưng vẫn cứ thắng ít thua nhiều. Các loại tội phạm, các thứ tệ nạn xã hội gia tăng. Nhiễm độc thực phẩm, nguồn nước, không khí ngày thêm trầm trọng. Xã hội bất an, dân tình lo lắng…

Một vài nét phác họa sơ sài bức tranh kinh tế-xã hội đáng lo ngại hiện thời, đủ thấy thách thức quả thật là lớn lao, đòi hỏi sức quật khởi của nỗ lực toàn dân. Bền bỉ, dẻo dai chịu đựng thôi chưa đủ, mà cần quật cường, sáng tạo, vượt lên vận bĩ. Trước hết, cả cộng đồng doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp tự mình thoát ra khỏi tầm nhìn ngắn hạn giam hãm mình trong bẫy thu nhập thấp, quen làm hàng phẩm cấp thấp, giá rẻ, tiền tươi nhưng lãi ít, không thể nào có tích lũy nâng cao công nghệ, mở rộng qui mô. Doanh nhân làm ăn khá giả chuyển dịch cách thức khẳng định đẳng cấp từ mua sắm tiêu dùng siêu sang thượng thặng, sang đầu tư sáng tạo thương hiệu có tầm quốc tế vừa lợi nhuận cao, cơ nghiệp lâu bền, vừa tôn vinh tài năng người Việt. Yêu nước, cứu nước trong cơn vận bĩ theo cách này, thật đáng vinh danh.

Mọi nhà, mọi người tự cứu lấy mình, đôn đáo bôn ba tìm kiếm việc làm, giỏi tính toán tiêu pha nhiều no ít đủ. Làm ăn sinh sống thì lấy điều nhân nghĩa làm đầu, như ông cha đã răn: một tấc thiện cũng làm, một tấc ác không làm. Sống coi trọng luật pháp, tôn trọng lợi ích của người khác, của cộng đồng, tôn trọng nếp sống văn minh công cộng, góp sức với Nhà nước chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn, v.v. Được như thế thì làm ăn buôn bán đỡ gian dối điêu toa, người Việt đỡ đầu độc đồng bào mình bằng rau quả, thực phẩm bẩn, độc hại; bớt dần đi hàng giả, hàng nhái dán nhãn thương hiệu quốc tế lừa người nhẹ dạ…Được thế thì tai nạn giao thông, tai họa cháy nổ, tội ác cướp của giết người, buôn bán cái chết trắng, v,v…mới có hy vọng giảm thiểu.

Cùng chiều với nỗ lực của nhân dân, bộ máy công quyền, quản lý cũng làm cuộc bứt vượt chính mình, về lương tri, trách nhiệm, sự liêm chính, tự trọng , năng suất và hiệu quả thực tế trong hoạt động…của những người được dân trả lương và trao quyền quản lý. Vì lợi ích của đất nước, của nhân dân trước hết, tận tâm, xông xáo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, cố gắng cao để đạt hiệu quả làm việc cao nhất có thể. Một thể chế ngày càng đông những “công bộc” như thế, chắc chắn sẽ được dân tin, dân trọng, dân theo.

Đã từng có nhiều liệt sĩ thời bình, không ít dân thường, có cả trẻ em xả thân cứu mạng, cứu nguy người khác. Từng có vị Anh hùng dân phong, như Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thế Phương, được dân vùng đầm phá Tam Giang lập miếu thờ, tôn làm ông Tổ của nghề nuôi tôm hiện đại, quanh năm hương phói phụng thờ, bởi có công giúp người dân vượt qua nghèo đói. Địa phương đã lấy tên ông làm tên một trường THCS. Người lãnh đạo, người công bộc của dân, và dân thường áo vải, mà sống cao cả như thế ấy, quả thật là sang trọng, là tột cùng đạo đức.

Thế Văn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo