Nợ nhiều, ăn hết lấy đâu đầu tư
"Trước đây, chi trả nợ duy trì ở mức 11-12% tổng chi ngân sách nhà nước, song từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ với tổng số năm sau cao hơn năm trước."
Từ Chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội cho đến các chuyên gia, người dân không khỏi sốt ruột sau khi bộ trưởng Bộ Tài chính và chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách trình bày báo cáo và báo cáo thẩm tra tình hình thu chi ngân sách năm 2014, kế hoạch 2015 tại phiên họp thường vụ Quốc hội ngày 9-10.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết ngân sách cân đối rất căng thẳng, bội chi cao hơn mức đầu tư phát triển, phải vay để đảo nợ, không bố trí được nguồn để tăng lương...
Nợ đè lên đầu lên cổ
Năm 2013, do kinh tế khó khăn, tăng trưởng thấp, nhu cầu chi thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương tăng cao nên để bố trí chi đầu tư phát triển cao hơn bội chi ngân sách nhà nước đã phải bố trí chi trả nợ thấp hơn mức yêu cầu, đồng thời phải kết hợp với phát hành đảo nợ khoảng 40.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo: “Năm 2014 nhu cầu chi trả nợ lớn do tăng vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ nên dự toán bố trí trả nợ cao hơn năm 2013 là 15.000 tỉ đồng và phải phát hành đảo nợ khoảng 70.000 tỉ đồng, chi đầu tư phát triển vẫn phải bố trí thấp hơn bội chi ngân sách nhà nước."
"Năm 2015 và vài năm tới ngân sách còn nhiều khó khăn, chi trả nợ, chi thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội tăng nhanh nên vẫn chưa thể bố trí chi đầu tư phát triển theo yêu cầu của Đảng và nghị quyết của Quốc hội” - ông Dũng thừa nhận.
Trong khi nghị quyết của Quốc hội yêu cầu năm 2015 bội chi ngân sách ở mức 4,5%, kể cả trái phiếu chính phủ, thì Chính phủ đề nghị bội chi 5% và chưa kể trái phiếu (nếu cộng cả khoản trái phiếu chính phủ thì bội chi ngân sách 2015 sẽ lên đến 7%).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày cũng cho thấy sự sốt ruột trước tình trạng chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh so với giai đoạn trước.
“Trước đây, chi trả nợ duy trì ở mức 11-12% tổng chi ngân sách nhà nước, song từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ với tổng số năm sau cao hơn năm trước. Đây là dấu hiệu không lành mạnh, đòi hỏi phải kiểm soát rất thận trọng, chặt chẽ các khoản vay và trả nợ để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia” - Ủy ban Tài chính - ngân sách cảnh báo.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng: “Sang năm các đồng chí thấy nợ công đã ở mức hơn 64% rồi, không được trên 65%. Thế đến năm 2015 xơi hết rồi thì đến năm 2016, 2020 lấy gì mà bội chi, lấy gì mà phát triển nữa?”.
Ông nói: “Các đồng chí phải đặt ra những vấn đề từ khó khăn này để tìm ra cách giải căn bản, lâu dài bài toán cân đối ngân sách. Tôi thấy xấu lắm rồi. Bây giờ thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết, thứ hai là đầu tư các đồng chí giảm đi, thứ ba là cứ vay thêm ào ào. Như vậy thì một là không phát triển được đất nước, hai là trả nợ không được."
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gay gắt: "Bài toán tài chính năm năm tới các đồng chí phải tính ngay từ bây giờ... Tôi nói tính thế nào thì tính nhưng phải trở lại tinh thần 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư phát triển và 20% trả nợ. Trước đây chúng ta vay dài hạn 10, 15, 20 năm, bây giờ các đồng chí phát hành trái phiếu chỉ có hai, ba năm và thậm chí chỉ một năm, vậy cái việc trả nợ nó đè lên đầu lên cổ làm sao mà sống được”.
Chưa thể tăng lương
“Do cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 khó khăn như nêu trên nên chưa bố trí được ngân sách cải cách tiền lương, không có điều kiện điều chỉnh tiền lương cơ sở” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Trong khi đó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhắc Chính phủ “phải thu xếp trả nợ bảo hiểm xã hội 22.500 tỉ đồng”, đây là khoản tiền ngân sách mà Chính phủ phải nộp vào quỹ để trả lương cho người về hưu.
“Năm 2014 đã hoãn lộ trình tăng lương, năm 2015 Chính phủ cũng báo cáo không bố trí được nguồn để thực hiện. Có một số ý kiến và dư luận cũng băn khoăn về việc này” - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Các đồng chí trở lại bài toán cơ bản đi, đừng quên những bài toán cơ bản. Cân bằng thu chi, thu lấy mà chi, không phát hành (thêm tiền) để chi, không vay quá nhiều để chi... Làm sao để có tích lũy mà tiêu dùng, làm ra có của ăn phải có của để chứ. Bây giờ mình ăn hết rồi thì lấy đâu mà đầu tư. Ăn hết rồi mà lại không có lương thì tôi chẳng hiểu thế nào. Bài toán đó các đồng chí phải tính chứ”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Không tăng lương với mấy ông đang đi làm như tôi hay các đồng chí, hay kêu gọi tinh thần cán bộ công nhân viên chức còn được, nhưng các cụ về hưu, những người có công với cách mạng mà các đồng chí nói không giải quyết gì cả thì sao được. Các đồng chí phải tính lại cơ cấu chi, tôi lấy ví dụ chi thường xuyên cho Văn phòng Quốc hội là 100 thì ông phải dành một khoản để giải quyết lương. Ông không giải quyết lương cao cho Chủ tịch Quốc hội thì ông phải giải quyết lương thấp cho người thu nhập có 2, 3 triệu đồng/tháng”.
Hơn 210.000 doanh nghiệp báo lỗ
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định tình hình kinh tế - xã hội trong chín tháng năm nay tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế chín tháng đạt 5,62%. Thu ngân sách nhà nước đạt cao so với cùng kỳ những năm gần đây.
Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực...
Thừa nhận những điểm tích cực như trên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế chỉ ra những điểm khó khăn, bất cập nổi lên trong năm nay, đặc biệt số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn (chín tháng năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873). “
Có 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Cùng với đó là việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiệu quả chưa cao, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại.
Ủy ban Kinh tế nêu những băn khoăn: “Về mối quan hệ giữa các chỉ tiêu như tại sao tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn mà tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước, trong khi tăng trưởng kinh tế còn dựa vào vốn đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng với tình hình khó khăn doanh nghiệp như trên song chỉ tiêu tạo việc làm mới năm nào cũng đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục. Một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP quý 3 tăng 6,19% là chưa thuyết phục vì chưa làm rõ được nguồn lực nào tạo tăng trưởng đột biến”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích việc khai thác vượt kế hoạch khoảng 1 triệu tấn dầu thô đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP năm nay.
Đánh giá tổng quát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Điều quan trọng là mình thấy một năm khá là tốt, cả về quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội... Nhưng hạn chế, yếu kém vẫn còn nhiều. Nợ công là mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực, sức cạnh tranh còn yếu, năng suất lao động xã hội rất thấp. Hàng loạt nguyên liệu, máy móc vẫn phải nhập khẩu... Tôi thấy nhiệm vụ năm 2015 là nặng nề. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015 đưa ra kế hoạch là 28% GDP, tôi đề nghị phải tăng lên 30%, nếu không thì mục tiêu tăng trưởng 6,2% rất khó. Ngân sách của chúng ta vẫn còn chi tiêu lãng phí ở chỗ này chỗ kia thì bớt đi, đưa vào đây để đầu tư được không?”.
Chi trả nợ tăng 30% so với cùng kỳ năm trướcChín tháng đầu năm thu ngân sách được 636.000 tỉ đồng, đạt hơn 81% dự toán. Đáng mừng là thu nội địa tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2013 cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đã phục hồi, nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài chính, thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài chính chiều 9-10. Bộ Tài chính ước tổng số thu cả năm sẽ vượt 9% so với dự toán.Tuy nhiên trao đổi với báo giới, bà Mai cho biết số thu vượt dự toán sẽ dành một phần để tăng chi trả nợ. Chín tháng đầu năm nay, thực hiện chi trả nợ, viện trợ trên 101.000 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
72% ngân sách dành cho chi thường xuyên, còn lại chưa đến 30% phải vừa dành đầu tư phát triển, vừa trả nợ vừa làm những việc khác. Đấy là một cái ngân sách có cơ cấu rất xấu. Từ đó phải vay, phải tăng bội chi, phải phát hành trái phiếu, rồi phải đảo nợ...Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNGTheo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ năm 2012 trở về trước, do cân đối được ngân sách nên dự toán chi đầu tư phát triển bố trí cao hơn mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm.
* Đại biểu CAO SỸ KIÊM (ủy viên Ủy ban Kinh tế):Tốt nhất là siết chặt kỷ luật thu chiCác con số, chỉ số như vậy cho thấy tình hình ngân sách rất căng thẳng, đúng như Chủ tịch Quốc hội nói là rất xấu. Xu hướng khó khăn, mất cân đối thu chi đã diễn ra nhiều năm, nhưng điều đáng chú ý là ngày càng trầm trọng bởi nhu cầu chi luôn tăng cao, thậm chí chi luôn vượt dự toán nhưng thu vẫn rất khó khăn. Ba năm liên tiếp không những bội chi ở mức cao mà chúng ta phải đi vay để đảo nợ. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, nó cũng giống như một gia đình túng quẫn cứ phải vay chỗ này “đập” vào chỗ kia, chứ đồng vốn đi vay ấy không phải để dành cho đầu tư, cho phát triển.Việc không bố trí được nguồn tiền để thực hiện tăng lương theo lộ trình rất đáng suy nghĩ, bởi nó sẽ gây ra nhiều tâm tư trong xã hội. Nợ công đã tiến đến giới hạn được cảnh báo, do đó Quốc hội càng phải thận trọng hơn trong việc quyết định từng khoản chi, đại biểu sẽ khó khăn hơn mỗi khi phải bấm nút quyết định những dự án lớn như chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành mà Chính phủ vừa trình.Về lối ra thì không còn cách nào khác, tốt nhất vẫn phải là siết chặt kỷ luật thu chi. Tôi nghĩ chúng ta vẫn còn dư địa để tăng thu cho ngân sách nếu chúng ta siết chặt kỷ luật, tính toán lại các nguồn thu, không để tình trạng rơi rụng, lách luật, ăn chia, trốn thuế, nợ đọng... Trong chi tiêu càng phải kiểm soát tốt, chấm dứt tình trạng chi vung tay, vượt dự toán, lãng phí, thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả.
* TS PHẠM THẾ ANH (trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội):Tiết kiệm chi, bán bớt doanh nghiệp nhà nước
Đã đến lúc phải thắt chặt chi tiêu. Thứ nhất là giảm biên chế, giảm chi thường xuyên. Thứ hai là bán bớt doanh nghiệp nhà nước. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước cơ bản không tạo nguồn thu ngân sách thì nên bán bớt. Bán doanh nghiệp nhà nước cũng giúp tăng hiệu quả, từ đó tăng thu ngân sách.Trong những vấn đề tạo nên tình hình hiện nay, tôi thấy cần phải xem xét lại cơ cấu phân bổ ngân sách cho các địa phương và phương thức chi tiêu trái phiếu chính phủ. Hiện nay, phân bổ ngân sách địa phương có theo tiêu chí dựa trên thu của địa phương đó không, tiêu chí thế nào theo tôi chưa thật rõ ràng. Các địa phương vẫn muốn có nhiều dự án để chi. Chi trái phiếu chính phủ cũng chưa được đưa vào danh mục chi ngân sách, vì vậy việc thẩm định, giám sát không được như chi ngân sách. Như việc xây sân bay Long Thành cũng thuộc dạng này, không có đủ thẩm định, phản biện, được xây dựng dựa trên ý chí một số người.
Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo