Nợ thuế cả nước lên mức 76.000 tỷ đồng
Thời Báo Tài Chính dẫn tin từ Tổng cục thuế cho biết, trong tổng số nợ trên thì ngân sách trung ương là 15.760 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 60.240 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan thuế, số tiền nợ thuế từ 90 ngày trở lên là 36.729 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,3% tổng số tiền nợ thuế; các khoản thuế, phí là 24.594 tỷ đồng; các khoản nợ liên quan về đất là 12.135 tỷ đồng. Các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp là 23.921 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo về tình hình thu hồi nợ thuế tính đến 30/4, tổng số 63 cục thuế đã đôn đốc, thu hồi được 14.250 tỷ đồng nợ thuế của năm 2015 chuyển sang, bằng 19,6% tổng nợ đến 31/12/2015. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ thu được 10.990 tỷ đồng; bằng biện pháp cưỡng chế là 3.260 tỷ đồng.
Riêng 13 địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, số tiền nợ tính đến 30/4 là 55.951 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% tổng số tiền nợ thuế của cả nước. Một số tỉnh, thành phố có số tiền nợ lớn là: Hà Nội hơn 23.000 tỷ đồng, Đồng Nai 1.900 tỷ đồng, Đà Nẵng hơn 1.700 tỷ đồng, Bình Dương hơn 2.000 tỷ đồng…
Về nguyên nhân nợ thuế có dấu hiệu tăng, lãnh đạo ngành thuế cho rằng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, sản xuất kinh doanh thua lỗ, rơi vào tình trạng giải thể nên không có nguồn thanh toán nghĩa vụ thuế đúng hạn.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân khiến nợ thuế tăng lên bởi theo quy định của Luật Quản lý thuế, các khoản nợ thuế trên dưới 90 ngày, nợ không có khả năng thu vẫn phải tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày (từ 1/7/2016 giảm xuống mức 0,03%/ngày).
Tuy vậy, ở hướng khác, đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận, không ít người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn.
Đặc biệt, trong những khó khăn được ngành thuế nêu lên, một điểm đáng chú ý là một số doanh nghiệp có nợ thuế hoặc bị truy thu số thuế lớn thì ngay lập tức bỏ khỏi địa điểm kinh doanh sau đó thành lập công ty khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo