Nợ thuế: Đã đến hồi kết?
Một trong những đột phá trong quản lý nợ thuế mà Tổng cục Thuế đặt ra trong năm 2013 là thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ năm 2013 cho cục Thuế các địa phương, phấn đấu tỷ lệ tổng nợ đến 31-12-2013 so với số thực hiện thu không quá 5%, trừ các khoản nợ không còn đối tượng để thu, nợ điều chỉnh. Để đạt được chỉ tiêu này quả là không hề đơn giản, bởi tính đến hết năm 2012, tổng số nợ thuế trong toàn Ngành đạt tới con số 45.000 tỷ đồng.
Thách thức
Chia sẻ với báo giới tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác quản lý thuế năm 2013, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho rằng, năm 2013 toàn ngành Thuế sẽ dốc sức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, từ việc giao chỉ tiêu thu nợ cụ thể cho từng đơn vị, rà soát, phân loại nợ kịp thời để đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế cho đến việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cưỡng chế nợ thuế cũng như nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành những cơ chế, chính sách để có cơ sở xử lý các khoản nợ thuế còn vướng mắc về chính sách.
Cơ quan Thuế các cấp sẽ kiên quyết thực hiện quy chế công bố thông tin đối với những DN nợ thuế trên địa bàn, để những đơn vị này ý thức hơn trong việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN. Thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng DN đăng ký kinh doanh để phát hiện kịp thời các trường hợp thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký để đưa vào diện quản lý. Cơ quan Thuế địa phương có nhiệm vụ giám sát và nắm bắt kịp thời số DN tạm nghỉ kinh doanh, DN ngừng hoạt động (bỏ trốn, giải thể, phá sản) và DN đang hoạt động.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Tổng cục Thuế Trịnh Hoàng Cơ, hiện nợ thuế được chia ra các nhóm như: Nợ có khả năng thu, nợ khó thu và nợ chờ xử lý. Trong những năm qua, có nhiều DN thành lập chỉ với mục đích buôn bán hóa đơn bất hợp pháp, không có hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi mua và sử dụng một số quyển hóa đơn rồi bỏ trốn không chấp hành nộp tiền thuế đã kê khai với cơ quan Thuế. Có DN tự giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn nợ tiền thuế nhưng không thông báo với cơ quan Thuế. Số tiền thuế nợ của đối tượng này chiếm 56,7% trong tổng số nợ khó thu.
Đối với nhóm nợ chờ xử lý, hiện tỷ trọng nợ chờ xử lý/tổng thu NSNN năm 2012 và năm 2011 ở mức 0,9%. Nguyên nhân là: Các trường hợp thuộc đối tượng xoá nợ thuế theo Luật Quản lý thuế nhưng chưa đủ hồ sơ: Các cá nhân, hộ kinh doanh còn nợ thuế nhưng đã chết, mất tích, hiện cơ quan Thuế chưa xác định được là không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt, do không để lại di chúc.
Một số DN đã phá sản nhưng không làm các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật nên chưa có đủ cơ sở để xem xét xoá nợ thuế (thiếu tờ khai quyết toán thuế, quyết định tuyên bố phá sản...). Đặc biệt các khoản nợ xuất phát từ việc giao đất, giải phóng mặt bằng chậm, với diện tích thuê đất lớn. Nhiều dự án được giao đất nhưng DN không có khả năng tài chính để nộp thuế và tiền sử dụng đất nên dẫn đến còn nợ các khoản thu liên quan đến đất hàng trăm tỷ đồng...
Mặt khác, về phía ngành Thuế cũng nhìn nhận thực tế hiện nay, cơ chế chính sách chưa được bổ sung, sửa đổi phù hợp nên nhiều trường hợp đề nghị gia hạn nộp thuế, xóa nợ thuế, miễn phạt chậm nộp nhưng không xử lý được; việc triển khai biện pháp cưỡng chế thu hồi mã số thuế còn nhiều vướng mắc; việc quy định xử phạt chậm nộp thuế bao gồm tất cả các trường hợp nộp chậm, cả các DN thực sự gặp khó khăn về tài chính, chưa có khả năng nộp đủ, nộp kịp thời số thuế phát sinh, số tiền phạt rất lớn, DN đã không có khả năng trả nợ gốc, càng không thể trả thêm khoản tiền phạt.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nể nang trong xử lý nợ thuế của CBCC ngành Thuế bởi thực tế nhiều trường hợp trước khi xử lý nợ thuế bằng các biện pháp mạnh như: Đình chỉ hoá đơn, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng… cơ quan Thuế lại mất một khoảng thời gian “nhắc nhở”, “thoả thuận” nộp thuế, gia hạn nộp thuế, cam kết nộp thuế… đối với DN nợ thuế.
Biện pháp mạnh
Theo Vụ trưởng Trịnh Hoàng Cơ, một trong những biện pháp hữu hiệu giúp cho ngành Thuế kiểm soát nợ đọng sẽ bắt đầu từ thời điểm 1-7. Cụ thể, để hạn chế các trường hợp bị cưỡng chế thuế, tạo điều kiện giúp DN có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, Luật Quản lý thuế sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật sẽ quy định chi tiết các trường hợp được phép nộp dần tiền thuế, trách nhiệm của người nộp thuế, hồ sơ nộp dần tiền thuế và thẩm quyền chấp thuận nộp dần tiền thuế.
Ngoài ra, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về gia hạn nộp thuế, để đảm bảo thống nhất, minh bạch, rõ ràng hơn… Quy định rõ khoản tiền phạt chậm nộp là khoản lãi trả chậm nộp tiền thuế; nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế theo mức lũy tiến như: 0,05%/ngày tính trên số thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày trên số thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày.
Với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn từ 10% lên 20%. Bổ sung quy định về tính tiền chậm nộp đối với cơ quan Thuế, tổ chức được ủy nhiệm thu thuế khi chuyển chậm tiền thuế vào NSNN để xử lý công bằng, bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế...
Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Thuế, cùng với công cụ là các chế tài xử phạt nghiêm sẽ khắc phục tình trạng nợ đọng, trây ỳ thuế, góp phần tăng nguồn thu NSNN trong năm 2013.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Cột tin quảng cáo