Thị trường

Nợ thuế, dẫn đầu là doanh nghiệp bất động sản

Nhức nhối tình trạng chuyển giá, nợ thuế gia tăng trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn… là những thách thức trong công tác quản lý, thu thuế được đặt ra tại hội nghị bàn những biện pháp nhằm chống thất thu thuế tổ chức hôm qua (1/3) tại Hà Nội.

Kinh doanh chật vật, nợ thuế tăng

 

Phó tổng cục trưởng tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, cho biết năm 2011, tình hình nợ thuế tiếp tục tăng 29,5% so với năm 2010 (năm 2010 tăng 17,9% so với 2009). Nguyên nhân, theo ông Tuấn là do tình hình kinh tế khó khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Theo đó, số nợ thuế của đối tượng này chiếm 72,3% trên tổng nợ thuế, trong đó nợ trên 90 ngày chiếm 63,3%. “Đặc biệt các khoản nợ có nguồn gốc từ đất: do việc giao đất, giải phóng mặt bằng chậm, diện tích cho thuê đất lớn, nhiều dự án được giao đất nhưng doanh nghiệp không có khả năng tài chính để nộp thuế và tiền sử dụng đất hàng nghìn tỉ đồng”, ông Tuấn nói.

 

Theo chi cục Thuế Hà Nội, các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn đang nợ gần 1.000 tỉ đồng (tạm tính), như tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) nợ gần 400 tỉ đồng; công ty cổ phần XNK tổng hợp Hà Nội (Gleximco) nợ hơn 220 tỉ đồng, công ty Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam nợ 152 tỉ đồng, công ty thương mại, dịch vụ Nam Cường nợ 69 tỉ đồng…

 

Theo vụ trưởng vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (tổng cục Thuế) Trịnh Hoàng Cơ, tỷ trọng nợ khó thu/tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 là 1,1%, tăng 0,1% so với năm 2010. Đáng quan tâm, 56,7% số nợ khó thu rơi vào những doanh nghiệp thành lập chỉ với mục đích buôn bán hoá đơn, doanh nghiệp đã sử dụng hoá đơn đầu vào bất hợp pháp bị phát hiện, truy thu thuế…

 

Nợ có khả năng thu chiếm tỷ trọng 5,9% ngân sách nhà nước cũng tăng so với mức 5,1% của năm 2010. Ngoài nguyên nhân kinh doanh khó khăn, chiếm dụng vốn lẫn nhau, đáng chú ý có tình trạng, nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp chậm phạt để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh trong bối cảnh ngân hàng thắt chặt tín dụng.

 

Ông Cơ lấy “điểm danh” một số doanh nghiệp có khoản nợ thuế hàng chục tỉ đồng và thời gian nợ kéo dài như: công ty cổ phần tập đoàn Thành Công, công ty cổ phần Bia và nước giải khát Phú Yên, tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam Vinashin, công ty TNHH một thành viên tổng công ty xây dựng Hà Nội, công ty cổ phần Cavico xây dựng cầu hầm… Có trường hợp, doanh nghiệp quá khó khăn về tài chính, chưa có khả năng nộp đủ thuế, lại thêm khoản phạt chậm nộp, dẫn đến nợ chồng nợ, như công ty TNHH Đức Phương (Nam Định), tổng số tiền phạt chậm nộp đến nay chiếm tỷ trọng 39,8% trong tổng số nợ thuế.

 

Chuyển giá: các tập đoàn “nội” cũng tham gia

 

Công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá giữa các doanh nghiệp liên kết cũng là trăn trở lớn được đặt ra tại hội nghị. Phó trưởng ban Cải cách hiện đại hoá (tổng cục Thuế) Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận: “Hiện tượng chuyển giá giữa các bên có mối quan hệ liên kết trở thành hiện tượng tương đối phổ biến cả đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa”.

 

Cụ thể, ông Sơn cung cấp thông tin, số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong ba năm. Chẳng hạn, tại Bình Dương, số doanh nghiệp kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 doanh nghiệp (50,6%), trong đó có tới 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu; tại TP.HCM và Đồng Nai, tỷ lệ doanh nghiệp FDI lỗ lần lượt là 60% và 52,2%.

 

Trong khi đó, kết quả đạt được, theo tổng cục Thuế tự đánh giá là “còn rất khiêm tốn về cả quản lý đối tượng, đấu tranh điều chỉnh giá để tăng thu ngân sách”. Tính đến 31.12.2011, toàn ngành đã rà soát, quản lý được 3.144 doanh nghiệp phải kê khai thông tin giao dịch liên kết; tổ chức thanh tra tại 921 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ 6.617 tỉ đồng, truy thu thuế và phạt 1.669 tỉ đồng.

 

Đáng lưu ý, hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp FDI, mà còn diễn ra giữa các bên liên kết trong nội địa Việt Nam, do các tập đoàn kinh tế trong nước lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, thành lập một số công ty con hoạt động trong những lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, từ đó tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ doanh nghiệp không được ưu đãi thuế sang doanh nghiệp liên kết được ưu đãi thuế hoặc chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp bị lỗ thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên để giảm thiểu nghĩa vụ thuế tổng hợp của tập đoàn.

 

Thứ trưởng bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cho biết, tới đây sẽ thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại cơ quan thuế, nhất là tại một số đơn vị quản lý nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Cùng với việc rà soát cơ chế, chính sách, bổ sung nhân lực, đầu tư công nghệ, tăng cường thanh tra, kiểm tra…, ông Tuấn nhấn mạnh, trong trường hợp phát hiện có hoạt động chuyển giá tại các tập đoàn, tổng công ty, thì người đứng đầu các doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm.

 

Theo SGTT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo