Nợ xấu có nguy cơ sẽ tăng trở lại
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đưa ra con số tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế sau 9 tháng đầu năm là 11,5%. Cơ cấu tín dụng vẫn giữ ổn định với nguồn vốn cho vay tới các lĩnh vực ưu tiên chiếm đa số.
Theo đại diện của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước- NHNN), tình hình cho vay một số lĩnh vực như chế tạo khai khoáng, công nghiệp phụ trợ có mức tăng trưởng mạnh khi dư nợ tín dụng tăng 18 - 19% so với cuối năm ngoái.
Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 10%, riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ cùng với gói tín dụng nông nghiệp sạch, các ngân hàng đã cho vay hơn 35 nghìn tỷ đồng, báo Công thương đưa tin.
Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn giảm nhẹ xuống 33,4%, thấp hơn so với mức trần theo quy định của NHNN là 40%.
Nhờ hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động hơn, nhu cầu vay USD cũng đã hồi phục so với cùng kỳ. Tín dụng bằng USD tăng 12,9% so với đầu năm và tăng 13,9% so với cùng kỳ. Cùng kỳ năm ngoái tín dụng bằng USD chỉ tăng 1,53% so với đầu năm và giảm 7,1% so với cùng kỳ, báo Infnonet đưa tin.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ xấu 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng lên 2,9% từ 2,48% trong 6 tháng đầu năm 2017 và 2,46% tại thời điểm cuối năm 2016. Như vậy, có khoảng 180 nghìn tỷ đồng nợ xấu vẫn đang nằm trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Nếu tính cả 235 nghìn tỷ đồng nợ xấu do VAMC nắm giữ, tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,4% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) mới đây đã cảnh báo rủi ro do việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức. Cảnh báo này xuất phát từ nguyên do nợ xấu chưa được giải quyết triệt để.
Đến cuối tháng 7/2017, quy mô cho vay lĩnh vực khác, gồm tín dụng tiêu dùng và bất động sản, gấp 2,4 lần so với cuối năm 2012. Lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp có quy mô tín dụng tăng gấp 2,1 lần. Quy mô lĩnh vực thương mại và vận tải tăng gấp 1,8 lần trong khi đó lĩnh vực công nghiệp có tốc độ mở rộng tín dụng chậm nhất, chỉ gấp 1,5 lần so với cuối năm 2012.
Trong xu hướng nhiều ngân hàng thương mại tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, quy mô cho vay tín dụng tiêu dùng tính đến cuối quý 2/2017 đã đạt mức xấp xỉ 36% GDP. Đối với việc cho vay bất động sản, tại thời điểm thị trường bất động sản đóng băng năm 2011, quy mô tín dụng phi sản xuất/GDP chỉ khoảng 15.
End of content
Không có tin nào tiếp theo