Thị trường

Nợ xấu: "Cục máu đông" khó xử lý

Mặc dù các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, “cục máu đông” này vẫn đang làm dòng vốn tín dụng bị nghẽn lại.

Vướng thủ tục pháp lý bán tài sản đảm bảo là nguyên nhân khó thu hồi nợ

Trong buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh với đại diện NHNN chi nhánh thành phố, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2014 tổng nợ xấu ước khoảng 46.400 tỷ đồng, chiếm 4,85% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Mặc dù NHNN đã liên tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các biện pháp xử lý nợ xấu, tuy nhiên tính đến cuối tháng 3/2014, con số nợ xấu được xử lý vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng nợ. Cụ thể, tính đến 31/3 tổng số nợ xấu xử lý được mới chỉ đạt khoảng 3.534 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ xấu bằng tiền đạt 910 tỷ đồng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro đạt 501 tỷ đồng, bán tài sản đảm bảo (TSĐB) để thu nợ đạt 141 tỷ đồng, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đạt 487 tỷ đồng và xử lý bằng các biện pháp khác đạt trên 1.490 tỷ đồng.

Các giải pháp đều vướng

Trả lời câu hỏi của TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về việc vì sao trong tổng số hơn 3.500 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý được thì các giải pháp bán nợ cho VAMC hoặc bán TSĐB để thanh lý nợ lại chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, trong khi các “giải pháp khác” lại chiếm tỷ lệ lớn hơn, ông Tô Duy Lâm cho rằng, tất cả các giải pháp để xử lý nợ xấu hiện nay đều gặp phải những khó khăn lớn. Cụ thể, việc bán nợ xấu cho VAMC hiện còn vướng về các thủ tục thẩm định giá và quy trình chuyển đổi hồ sơ, trong khi đó, thanh lý TSĐB thì lại phát sinh rất nhiều tình huống phức tạp mà nếu chỉ riêng các TCTD thì không giải quyết được.

Theo ông Lâm, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, hầu hết các TCTD đều chủ động sử dụng các biện pháp của mình, một số áp dụng hình thức chuyển nợ thành vốn góp, một số khác chọn hình thức bán nợ cho Công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính (DATC) và các đơn vị khác. Các giải pháp này mặc dù là giải pháp “đặng chẳng đừng” mà các NH buộc phải thực hiện để xử lý nợ xấu nhưng cũng góp phần lớn vào tiến trình xử lý nợ tại các TCTD.

Nói về khó khăn trong việc giải quyết nợ xấu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, theo các quy định tại Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN thì các khoản nợ có thể sẽ được cơ cấu lại mà không thay đổi nhóm nợ. Tuy nhiên, không phải khoản nợ xấu nào cũng có thể đưa được vào diện cơ cấu lại. Chưa kể các khoản nợ mặc dù đã được cơ cấu, thì xác suất bị chuyển sang nhóm nợ xấu là khá cao. Trong khi đó, giải pháp bán TSĐB để thanh lý nợ vấp phải hàng loạt phát sinh. Chẳng hạn, khi phát mãi tài sản, các NH có đầy đủ các giấy tờ pháp lý về quyền sở hữu, nhưng nếu khách hàng muốn chây ỳ hoặc trốn tránh trách nhiệm trả nợ thì chỉ cần làm giấy tay là đã bán tài sản cho đối tượng khác thì lập tức TSĐB bị phân vào loại tài sản đang có tranh chấp, không thể thanh lý được. Thậm chí, khi NH đưa đơn ra tòa án để xử lý TSĐB bằng pháp luật thì chỉ cần khách hàng cố tình không tham gia phiên tòa là việc xử lý nợ cũng không thực hiện được, mà không có chế tài nào can thiệp.

 

Đại diện Agribank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, dù trên hợp đồng có quy định NH được toàn quyền định đoạt tài sản thế chấp nếu khách hàng không trả được nợ, nhưng thực tế ngay cả khi mất khả năng trả nợ, nếu khách hàng không ký ủy quyền cho NH xử lý tài sản đảm bảo thì chủ nợ – tức các NH cũng không làm gì khác được.

Bắt đầu từ chuyện dễ

Theo ý kiến của TS. Trần Du Lịch, rất có thể trong những thời gian trước, việc định giá TSĐB của các TCTD (chủ yếu là bất động sản - BĐS) chưa được chính xác, hệ quả của thị trường BĐS bị thổi giá quá cao trong suốt thời gian dài. Và ông Lịch cũng cho rằng, chắc chắn trong khối nợ xấu ở các TCTD hiện nay có những khoản đã được định giá cao hơn thực tế nhiều lần. Thậm chí có những trường hợp khách hàng chuyển nhượng giá ảo cho nhau với giá rất cao rồi đem tài sản đi thế chấp NH và vay vốn. Chính vì vậy, các TCTD không muốn bán lại khối nợ xấu này đi, vì bán sẽ chỉ thu được phần nhỏ, trong khi để lại thì có thể cân đối tốt hơn về mặt sổ sách.

Tuy nhiên, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho rằng thực tế chưa hẳn như vậy. Bởi nếu để lại các khoản nợ xấu các NH phải gánh thêm 2 loại chi phí là lãi vay phải trả cho người gửi tiền và chi phí trích lập dự phòng. Chưa kể rằng theo các quy định trước đó, tỷ lệ nợ xấu nếu không được xử lý sẽ tăng lên rất cao. Do vậy, việc ngay lúc này là các NH phải rất chủ động trong việc xử lý các khoản nợ “có vấn đề”. Theo ông Văn, cái khó của các NH hiện nay là khi bán nợ cho VAMC hoặc DATC, việc nhận lại trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn còn chưa kịp thời. Để chủ động xử lý nợ, các NH đã linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp khác. Trong đó đặc biệt là thúc đẩy thủ tục thanh lý TSĐB để thu nợ bằng tiền mặt. Tuy nhiên, cách làm này không mang lại nhiều hiệu quả, vì quá trình tranh tụng hoặc đưa tài sản vào đấu giá rất khó thực hiện khi khách hàng không hợp tác.

Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, theo ông Phạm Quang Thuần - Tổng giám đốc NH Việt Á thì trước mắt việc có thể làm là các bộ, ngành hữu quan cần nhanh chóng giải quyết những vướng mắc về các thủ tục liên quan đến tố tụng, phát mãi tài sản… để khoản nợ nào xử lý được thì xử lý ngay cho các NH.

 

Ông Thuần nêu quan điểm, xét đến cùng “cục máu đông” nợ xấu hiện nay ở các TCTD là hệ quả của một quá trình dài trước đây. Bằng chứng là số nợ xấu được đảm bảo bằng BĐS chiếm đến 90%. Do đó, nếu không tháo gỡ được tình trạng đóng băng của thị trường BĐS thì rất khó để xử lý nợ xấu. “Đụng đến BĐS thì đụng đến một loạt các văn bản luật đủ các lĩnh vực. Chính vì thế mà hồ sơ án chiếm dụng vốn của các NH được chuyển từ án kinh tế sang án hình sự, dân sự ngày càng nhiều và rất khó khăn nếu không có sự thống nhất giữa các bộ ngành để cùng giải quyết”, ông Thuần nói.

Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo