Nợ xấu vẫn thiếu rõ ràng
Các điều chỉnh trong phương thức phân loại nợ trong nửa đầu năm 2014 khiến bức tranh nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng vẫn chưa được hiển thị một cách rõ ràng và gây khó khăn cho công tác xử lý nợ.
Thực hư nợ xấu
Nợ xấu thực sự đang ở con số bao nhiêu vẫn đang là một thách đố đối với thị trường. Con số được người đứng đầu NHNN công bố mới đây cho thấy, nợ xấu hiện ở mức 7% và con số nợ xấu tuyệt đối theo đó có thể vào khoảng 240 nghìn tỉ đồng. Song đây chưa hẳn là con số cuối cùng, bởi thực tế việc thống kê và chuẩn tính toán khác nhau khiến số liệu nợ xấu của Việt Nam có sự chênh lệch lớn giữa các nguồn công bố. Ở mức thấp hơn, con số nợ xấu theo báo cáo của các TCTD gửi lên NHNN chỉ vào khoảng 4,03% tính đến thời điểm cuối tháng 4. Ngược lại ở mức cao nhất, một trong 3 cơ quan đánh giá và xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới là Moody cho rằng, nợ xấu có thể ở mức cao hơn nhiều là 15%. Dẫu vậy, nếu nhìn vào các số liệu được TCTD báo cáo lên NHNN, nợ xấu đang chứng kiến một xu hướng tăng rõ rệt từ thời điểm đầu năm đến nay với mức tăng từ 3,74% lên 4,03%. Dù vẫn thấp hơn mặt bằng nợ xấu cả năm 2013, khoảng 4,5%, đây là một diễn biến đáng lo ngại.
Rốt cuộc sau nhiều trì hoãn, Thông tư 09 sửa đổi Thông tư 02 cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6.2014 với những quy định rất rõ ràng về việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện 01 lần. Dù chặt chẽ hơn so với trước đó và tránh được tình trạng quay vòng gia hạn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ nhiều lần, một số sửa đổi trong văn bản 09 được cho lại tiếp tục đẩy lùi thời hạn hiệu lực với một vài quy định sang tới đầu năm 2015. Cũng chính nhờ sửa đổi này, các ngân hàng thực tế chưa phải thực hiện phân loại nợ và thực hiện điều chỉnh phân loại theo kết quả của Trung tâm Thông tin tín dụng cho tới hết năm 2014. Giới tài chính nhìn nhận, điều này phần nào khiến bức tranh nợ xấu toàn hệ thống vẫn chưa được hiển thị một cách rõ ràng và gây khó khăn cho công tác xử lý nợ.
Ngân hàng “nhẩn nha”
Sự trì hoãn thông qua các sửa đổi trên đây thực tế đang giúp giảm áp lực bán nợ xấu cho VAMC từ phía các ngân hàng và điều này được phản ánh rất rõ rệt qua các con số mua bán nợ trong nửa đầu năm 2014. Sau một thời gian thực sự náo nhiệt, Cty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) trong nửa đầu năm nay mới mua được hơn 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ 20 TCTD. Con số này khá thấp so với mức xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng của năm trước. Chưa kể tốc độ mua nợ đang chậm lại đáng kể, hoạt động mua nợ của VAMC dường như sẽ còn bị thu hẹp trong ít nhất 3 tháng tới đây. Và chỉ khi nào tới sát hạn phân loại nợ theo Thông tư 02, tương đương khoảng thời gian quý IV của năm nay, các TCTD mới có thể mặn mà hơn với việc bán nợ. Chính vì vậy, một tổ chức đầu tư nhìn nhận, việc VAMC có thể đạt được mục tiêu mua tới 70-100 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào độ chặt hay yếu tố khuyến khích của các biện pháp gắn với lợi ích kinh tế áp dụng đối với các TCTD.
Quan trọng hơn, để dứt điểm được nợ xấu, VAMC vẫn cần phải xử lý hay bán được nợ, đặc biệt là cho các đối tác nước ngoài bởi việc mua nợ chưa phải là bước đi cuối cùng để giải quyết nợ xấu. Song giới đầu tư dường như không mấy lạc quan với nhiệm vụ này bởi trong suốt các tháng đầu năm, một hành lang pháp lý cho việc bán nợ xấu vẫn chưa được xây dựng xong. VAMC đến thời điểm hiện nay dường như vẫn chưa xác định được rõ rệt các vấn đề liên quan đến việc bán nợ xấu như bán cho ai, bằng cách nào và với cơ chế là gì. “VAMC cần phải sớm xác định các vấn đề cụ thể liên quan tới việc bán nợ như: Sẽ bán ra cho những đối tượng nào? Bán bằng cách nào? Cơ chế bán là gì?...” – một tổ chức đầu tư đặt đề bài.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo