Tin tức - Sự kiện

Nỗi ám ảnh của xã có hàng chục người chết vì ung thư gan mỗi năm

Cả xã chỉ có hơn 1.580 hộ dân, thế nhưng mỗi năm có đến hàng chục người chết vì căn bệnh ung thư gan. Hầu như họ còn rất trẻ và đang là trụ cột của gia đình.

Người mất, lâu ngày vết thương lòng rồi cũng qua. Thế nhưng nó vẫn đang là nỗi ám ảnh của nhiều người dân xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh.

 Với sự nhiệt tình giúp đỡ của một cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Tấn Khương, thôn 1, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh. Ông Khương năm nay đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, cả ngày ông ở nhà trông nhà và phải ngồi xe lăn vì bị mất một chân, một chân còn lại thì yếu nên không thể đi lại được. Thấy chúng tôi đến hỏi thăm về tình hình bệnh ung thư trên địa bàn xã, ông  cho biết, nhà ông có tất cả 6 người con thì 3 người đã bị bệnh ung thư.
 
Vợ ông cũng đã bỏ ông ra đi vì cái bệnh ung thư quái ác đó. Chính bây giờ, ông lại phải đau xót chứng kiến cảnh những người con lần lượt bị căn bệnh này. Năm 2013, anh Nguyễn Tấn Lộc người con trai của ông phát hiện bị bệnh ung thư và không lâu sau đã mất. Tưởng chừng nỗi đau chỉ dừng lại ở đó, thế nhưng tiếp tục 2 người con của ông sau khi đi khám sức khỏe cũng phát hiện bệnh ung thư và hiện nay đang trong quá trình điều trị bệnh.
 
Với ông lo lắng lớn nhất không chỉ ở những người con đang mang bệnh hiện tại, mà còn là cả thế hệ cháu chắt sau này có thể bị lây nhiễm, di truyền hay không..
 
 
 
 
Cách nhà ông Khương không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng cùng chung cảnh ngộ. Trong một lần đi khám bệnh, chị Nga đã tá hỏa khi bác sĩ thông báo chị bị u xơ gan. Vì điều kiện gia đình khó khăn không thường xuyên đi tái khám, đến đầu năm 2014 khi thấy sức khỏe ngày càng yếu dần, chị đi khám lại thì khối u đã phát triển khá to và phải vào thành phố Hồ Chí Minh để mổ. Lấy đơn thuốc cho chúng tôi xem, chị Nga cho biết hiện tại đối với căn bệnh này chị phải sử dụng loại thuốc đặc trị, không có trong danh mục được hưởng Bảo hiểm y tế. Mỗi liều gần 13 triệu đồng và phải tiêm 6 liều.
 
Do không có tiền, chị chỉ tiêm được 2 mũi rồi tạm ngưng cho đến nay. Đã nghèo lại thêm bệnh tật đeo bám nên gia cảnh của chị ngày càng khó khăn. Mọi thứ trong gia đình cứ lần lượt ra đi vì căn bệnh quái ác của chị,  bây giờ trong nhà chẳng có thứ gì giá trị ngoài bộ bàn ghế cũ để ngồi uống nước. Không chỉ gia đình nhà ông Khương, chị Nga, hiện còn nhiều gia đình khác trong xã cũng có người thân bị bệnh ung thư gan.
 
Theo ông Nguyễn Tấn Huân – Chủ tịch UBND xã Gia Huynh, trong thời gian gần đây số người dân bị bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư gan và Viêm Gan siêu vi B trên địa bàn xã ngày càng nhiều. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, toàn xã có số người bị bệnh ung thư và Viêm gan siêu vi B là 75 người, trong đó 30 người đã chết. Nguyên nhân chính của căn bệnh vẫn chưa được xác định. Được biết, xã Gia Huynh có 4 thôn với 1.580 hộ. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân ở đây là nước giếng. Chính vì thế, nhiều người nghi ngờ nguồn nước bị nhiễm độc. Đã nhiều lần, người dân kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra để tìm ra nguyên nhân.
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế Bình Thuận tại công văn số 1202 ngày 12/6/2014 về việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm của Sở Y tế. Ngày 13/6/2014, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Tánh Linh và Trạm Y tế xã Gia Huynh tiến hành điều tra tình trạng bệnh ung thư tại xã Gia Huynh.
 
Đoàn đã lấy 4 mẫu nước tại giếng đào, giếng khoan của 4 hộ gia đình thuộc thôn 1,2 xã Gia Huynh. Qua phân tích, đánh giá đa số các mẫu nước giếng khoan, giếng đào tại các hộ gia đình có người thân mắc bệnh ung thư, các chỉ tiêu môi trường liên quan, đặc biệt là Hóa chất bảo vệ thực vật họ Chlor hữu cơ và Phospho hữu cơ; 2.4-D; 2,4,5-T; Hàm lượng Asen; Mangan; Amoni đều không phát hiện và phù hợp quy chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt của Bộ y tế.
 
Riêng chỉ tiêu vi sinh của nước giếng khoan và giếng đào không phù hợp với quy chuẩn nước ăn, uống sinh hoạt của Bộ Y tế, chứng tỏ nước đã bị nhiễm bẩn do quá trình bảo vệ vệ sinh nguồn nước; chỉ tiêu lý hóa (pH; độ đục, Hàm lượng sắt) có trong tự nhiên và chất lượng nước ngầm phụ thuộc vào cấu trúc địa tầng, địa hình mà nước thấm qua.
 
Nguyên nhân căn bệnh chưa biết từ đâu, chất lượng nguồn nước sinh hoạt thì cũng đã được cơ quan chức năng trả lời. Trong thời gian tới liệu người dân có yên tâm khi mà số người trong xã bị căn bệnh hiểm nghèo này ngày càng nhiều.
Theo Báo Bình Thuận
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo