Thị trường

Nơi hẻo lánh, dân chờ khấm khá khi trồng 2 loại sâm quý

Tận dụng lợi thế về khí hậu, địa lý, ngoài các cây công nghiệp như cà phê, bời lời, huyện Đăk Glei (Kon Tum) đang định hướng, vận động nhân dân phát triển trồng 2 loài sâm quý, đó là cây sâm Ngọc Linh và sâm dây. Đây là 2 loại cây chủ lực góp phần thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình trên địa bàn trong thời gian tới…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Huyện đang xây dựng đề án bảo tồn, hỗ trợ phát triển cây sâm Ngọc Linh tại các xã Mường Hoong, Ngọc Linh và Xốp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm bảo tồn, phát triển có hiệu quả nguồn gen sâm Ngọc Linh trong môi trường tự nhiên kết hợp với quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên.

Ươm, nhân trồng giống sâm quý đặc hữu-sâm Ngọc Linh

Đặc biệt, thông qua đó nhằm sử dụng có hiệu quả môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh theo phương thức sản xuất hàng hóa thương mại mang tính bền vững, đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện Đăk Glei.

Công nhân chăm sóc sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.P

“Huyện đã có chủ trương sử dụng các chương trình dự án, tập trung nguồn vốn để hỗ trợ nhân dân khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động để mở rộng diện tích, đưa cây dược liệu sâm Ngọc Linh trở thành một trong những sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực của huyện, kết nối với sản phẩm chủ lực của tỉnh. Từ đó, từng bước đưa Mường Hoong, Ngọc Linh và Xốp trở thành vùng kinh tế động lực của huyện…” - ông Lộc thông tin.

Theo đề án, thời gian tới huyện sẽ xây dựng các vườn bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, nhân giống sâm Ngọc Linh với quy mô khoảng 3ha; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh cho các đối tượng tham gia. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích nhân dân bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2030 phát triển được 50-100ha sâm Ngọc Linh…

Nhận thấy giá trị của sâm Ngọc Linh, nhiều người dân trên địa bàn 3 xã đã chủ động trồng loại cây này. Theo thống kê, đến nay diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn có khoảng 1ha, được người dân trồng  rải rác, phân tán nhỏ lẻ không tập trung dưới tán rừng.

Nguồn giống sâm Ngọc Linh hiện nay trồng tại các xã chủ yếu được thu mua lại của người dân khai thác từ rừng tự nhiên hoặc mua lại của các hộ dân tại các xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, huyện Nam Trà My ở Quảng Nam.

Phát triển thêm sâm dây, đẳng sâm

 

Cùng với cây sâm Ngọc Linh, huyện Đăk Glei xác định đẩy mạnh phát triển diện tích sâm dây, trong đó tập trung ở các xã phía bắc của huyện là xã Mường Hoong, Xốp, Ngọc Linh, Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Nhoong, Đăk Blô có tiểu vùng khí hậu phù hợp trồng sâm dây. Huyện cũng đang xây dựng đề án riêng cho loại cây trồng này.

Hiện nay, trên địa bàn huyện, hầu hết diện tích sâm dây mới phát triển mạnh ở các xã Mường Hoong và Ngọc Linh với tổng diện tích khoảng 40ha do người dân tự trồng thuần theo tự nhiên hoặc trồng xen với vườn cà phê hay vườn nhà. Còn diện tích sâm dây nhà nước đầu tư chỉ mới khoảng 3ha, trong đó, chủ yếu là hỗ trợ cây giống thuộc Chương trình 102 và mô hình liên kết trồng sâm dây của Hội Phụ nữ tỉnh tại địa bàn Mường Hoong và Ngọc Linh, Đăk Nhoong…

Huyện phấn đấu giai đoạn 2018-2020 sẽ phát triển được 60ha cây sâm dây, trong đó năm 2018 là 15ha, năm 2019 là 20ha, đến năm 2020 là 25ha và đến năm 2030 đạt khoảng 500ha, từ đó dần hình thành vùng chuyên canh cây hàng hóa chiến lược này, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển…

Đẳng sâm được trồng ở huyện Kon Plông. Ảnh: V.P

Để phát triển các loại cây dược liệu sâm Ngọc Linh và sâm dây trên địa bàn trở thành cây trồng chủ lực, huyện Đăk Glei tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển đối với 2 loại cây dược liệu này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình sớm thoát nghèo bền vững. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên kết phát triển đối với 2 loại cây dược liệu nói trên và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, sơ chế tại địa bàn.

Nên đọc
Theo Báo Kon Tum
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo