Nỗi lo con nghỉ hè của phụ huynh
(gdtd) Cận thị vì truyện tranh, game online
Hơn 1 tháng nghỉ hè ở nhà, Minh Anh (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Trung Tự - Hà Nội), suốt ngày bị nhốt trong nhà vì bố mẹ sợ để em ra ngoài chơi, không có người quản lý dễ xảy ra tai nạn, hoặc bị kẻ xấu dụ dỗ, bắt cóc... Buổi trưa, bố hoặc mẹ từ cơ quan vội vàng về nhà chuẩn bị bữa cơm cho Minh Anh rồi lại phải tiếp tục đến nơi làm việc. Để Minh Anh đỡ buồn, bố mẹ cho phép cậu bé thoải mái đọc truyện tranh, chơi game trên máy vi tính, xem phim hoạt hình trên TV...
Đọc truyện, xem phim hoạt hình, chơi game nhiều nên mới nghỉ hè được hai tuần, Minh Anh đã kêu nhức mỏi mắt. Mỗi lần xem TV, cậu bé phải nheo mắt nhìn, thỉnh thoảng còn bị chảy nước mắt sống... Khi bố Minh Anh đưa em đi khám ở một cửa hàng bán kính thuốc thì nhận được kết luận em bị cận 1,25 đi-ốp và phải đeo kính. Tuy nhiên, từ khi đeo kính, mắt của Minh Anh còn nhức mỏi hơn, hay bị chảy nước mắt hơn. Khi đi khám lại tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, sau khi khám kỹ lưỡng cho cậu bé, cộng thêm việc hỏi rõ về thói quen sinh hoạt của em, bác sĩ cho biết em chưa đến mức phải đeo kính, mà nguyên nhân gây nhức mỏi mắt là do mắt em phải điều tiết quá mức do chơi game, đọc truyện, xem TV... quá nhiều.
Những trường hợp mắt tăng số chỉ qua một kỳ nghỉ hè không phải hiếm. Diệu Linh, học sinh lớp 2 ở quận Đống Đa (Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Trước khi kết thúc lớp 1, Diệu Linh phải đeo kính cận 1,75 đi-ốp cho mắt phải và 0,75 đi-ốp cho mắt trái, nhưng trong thời gian ở nhà nghỉ hè, suốt ngày em đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình nên kết quả là vào lớp 2, mắt phải của Linh tăng thêm 0,25 đi-ốp, mắt trái tăng tới 0,75 đi-ốp.
Sau kỳ nghỉ hè tăng tới... 5 kg!
Đó là “kỷ lục” mà Sơn, 12 tuổi ở Cầu Giấy (Hà Nội) lập được từ mùa hè năm 2012. Cùng chung tình cảnh với Minh Anh, kỳ nghỉ hè của Sơn bị đóng chặt trong bốn bức tường. Vì thế, cậu bé suốt ngày ăn rồi ngủ, ngủ chán thì đọc truyện, chơi game. Bố mẹ Sơn một phần vì không có thời gian chuẩn bị cơm trưa cho Sơn, một phần vì “thương” con ở nhà một mình, nên cho phép cậu bé thoải mái gọi đồ ăn nhanh cho bữa trưa. Thế là cậu bé tha hồ gọi gà rán KFC, pizza Hut hay Pepperonis... qua điện thoại để cửa hàng mang đến tận nhà. Ít vận động, lại thường xuyên “xài” đồ ăn nhanh nên vào năm học mới, khi nhà trường kiểm tra sức khỏe đầu năm, bố mẹ Sơn tá hỏa vì con mình tăng tới... 5 kg so với hồi cuối năm học.
Những hệ lụy
Theo Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Thị Bích Ngọc - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội - cơ quan thị giác ở trẻ em (đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học) có đặc điểm là khả năng điều tiết rất lớn, kết hợp tâm lý chưa ổn định nên khi mắt các em phải làm việc quá nhiều, bị điều tiết quá mức, gây nên hiện tượng “cận thị giả” khi nhìn xa. Nghĩa là khi mắt trẻ phải điều tiết quá mức thì nhìn xa không rõ nhưng thực chất không phải bị cận thị. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cận thị giả là do thói quen sử dụng mắt không đúng quy tắc, sử dụng thị lực để nhìn gần trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày quá nhiều như sử dụng máy vi tính, xem TV và chơi điện tử, khiến mắt tập trung nhìn vào một diện tích quá nhỏ, cơ mắt ở trạng thái điều tiết quá căng thẳng dẫn đến mắt bị cận thị giả. Tuy nhiên, từ cận thị giả đến cận thị thật là một khoảng cách rất gần, nếu không biết cách chăm sóc, bảo vệ đôi mắt.
Còn tình trạng trẻ lười vận động dẫn đến những hệ lụy khó lường. Theo bác sĩ Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia – hậu quả dễ thấy nhất ở những trẻ lười vận động là béo phì. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh chuyển hóa như mỡ máu, tiểu đường... Không những thế, đến 70% số trẻ thừa cân - béo phì bị rối loạn mỡ máu, một yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu và các tai biến tim mạch (theo một nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng tiến hành).
Tập cho trẻ thói quen sinh hoạt lành mạnh
Theo bác sĩ Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương, để phòng ngừa cận thị, khi ngồi học, trẻ cần giữ đúng tư thế, ngồi thẳng lưng, khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25 cm đối với HS tiểu học, 30 cm với học sinh THCS, 35 cm với THPT và người lớn. Bên cạnh đó, bàn ghế, bảng viết trong lớp học, góc học tập phải phù hợp với lứa tuổi để HS có thể ngồi đúng tư thế và giữ đúng khoảng cách từ mắt đến sách vở. Điều quan trọng, cần đảm bảo đủ ánh sáng cho nơi học tập.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con em mình bỏ những thói quen có hại cho mắt như: nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài; đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay... Mặt khác, khi xem TV, video, trẻ phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5 m, nơi ánh sáng phòng phù hợp; thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45 - 60 phút mỗi lần xem. Cha mẹ không được cho con, nhất là trẻ ở lứa tuổi tiểu học, chơi game liên tục nhiều giờ trên máy tính...
Để trẻ có một thân hình cân đối, khỏe mạnh, cần phải tạo cho trẻ thói quen thường xuyên vận động – đó là lời khuyên của bác sĩ Lê Thị Hải. Nghiên cứu cho thấy, hiện các khuyến nghị hoạt động thể chất cho trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm ít nhất 60 phút hoạt động vừa phải mỗi ngày, với hoạt động mạnh mẽ bao gồm ít nhất hai lần một tuần. Hoạt động thể chất không chỉ cải thiện sức khoẻ và nâng cao thể lực của thanh thiếu niên, như nuôi dưỡng cơ bắp và sức mạnh của xương, tăng cường chức năng tim, phổi... mà còn giúp kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa béo phì. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất thường xuyên còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính trong tương lai, như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ do thiếu máu cục bộ... Đồng thời, hoạt động thể chất cũng giúp trẻ nhanh nhẹn hơn trong cả hoạt động chân tay và trí óc, từ đó giúp trẻ học tập tốt hơn.
Chính vì những lợi ích như vậy, dù bận rộn hay hoàn cảnh khó khăn đến đâu, các bậc cha mẹ cũng nên tạo điều kiện để trẻ em được vận động, vui chơi phù hợp với lứa tuổi của các em. Điều này cũng vì sức khỏe và tương lai của trẻ em.
Nguyễn Thị Thuận
End of content
Không có tin nào tiếp theo