Nỗi lo giống rởm
Việc kinh doanh, mua bán giống cây trồng và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang bị coi là "thả nổi” tại một số huyện nghèo tỉnh Bắc Kạn. Đáng tiếc, thực tế cho thấy, khi có cán bộ chuyên trách đến thì họ che hàng lại, khi cán bộ đi rồi lại bày ra bán... bình thường.
Dân oằn mình "trả giá”!
Trước đây, toàn tỉnh Bắc Kạn có 130 đại lý chính thức, cung ứng các loại giống cây trồng và phân bón cho 124 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, đến thời gian này, theo thống kê, chỉ còn khoảng 70 đại lý hoạt động. Số lượng đại lý giảm nhanh phải tính đến từ cuối năm 2013 và gần 10 tháng của năm 2014. Như vậy, nếu số các đại lý này tiếp tục giảm sẽ làm ảnh hưởng đến nông nghiệp của tỉnh cũng như bà con nông dân.
Ông Đào Xuân Sơn, Giám đốc Cty cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Kạn cho biết: Việc cung ứng giống và phân bón của các đại lý chính danh, có uy tín hiện nay trên địa bàn tỉnh đã không cạnh tranh được với sự thả nổi của thị trường. Tư thương nhập các loại ngô lai, lúa lai và phân bón kém chất lượng, họ trốn thuế, bán giá rẻ giá rẻ, đang tràn tràn khắp. Mặt khác, các mặt hàng giống và phân bón trôi nổi trên thị trường lại được các đơn vị cung ứng ngoài luồng hỗ trợ giá bán.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ có hiện tượng này là do sự quản lý và nhận thức không tốt của một số chính quyền cấp cơ sở. Ví dụ như tại huyện Chợ Đồn, cán bộ khuyến nông xã đã tự ý đưa giống và nhập giống trái quy định về cho bà con. Người dân mua về, gieo xạ nảy mầm kém, sau đó giảm năng suất, cán bộ xã lại đổ lỗi "do thời tiết rét kéo dài”. Ở xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn), nông dân mua các loại giống lúa do quá hạn, gieo không nảy mầm, nhưng không biết đổi ở đâu, vì mua của tiểu thương bán tự do ở chợ huyện.
Về giống ngô, bà con nông dân cũng thường mua phải các loại giống giả, không rõ nguồn gốc. Nhiều chợ ở huyện Chợ Mới, tư thương dùng ôtô chở giống ngô kém chất lượng, hết hạn sử dụng từ đâu đó về bán cho nông dân. Dân không biết, mua về, hậu quả là nhiều héc-ta ngô có lá mà không có hạt. Do quản lý, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở kém, nên trong 124 xã của 8 huyện thị có biết việc các loại giống cây trồng như lúa, ngô, tương, lạc, khoai tây kém chất lượng bán ở rất nhiều chợ, nhưng chỉ kiểm tra qua loa, có địa phương không kiểm tra.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện đang được cảnh báo có tình trạng gian thương dùng bao bì trong nước để đóng phân U-rê nhập lậu từ bên ngoài rồi đem bán cho người dân. Các loại phân này khi bón cho cho cây trồng đều dẫn đến cháy lá, héo thân, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng.
Chính quyền bất lực?
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp là chính. Đến các phiên chợ của các huyện trong tỉnh, ngoài các mặt hàng khác thì "xôm” nhất và gây sự chú ý nhất đối với mỗi người dân là các sạp bán các loại giống cây trồng. Chợ ít thì 5-7 sạp, chợ nhiều thì hơn 10 sạp. Nhưng có một điều, nhiều loại giống được bày bán ở đây thì trên bao bì đều là không có nguồn gốc. Khi được hỏi, các chủ sạp thản nhiên cho biết: Mua hoặc được các mối đem về từ bên kia biên giới bán cho.
Tại Tiểu khu 9 thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) cũng đang tồn tại một số điểm kinh doanh cá thể, buôn bán hàng vật tư nông nghiệp, phân bón, giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có điểm kinh doanh do bà H.T.L. làm chủ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, các điểm kinh doanh này và hơn 10 sạp bán giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật trong trung tâm chợ huyện Ba Bể đều chưa đáp ứng được các quy định về giống cây trồng.
Trước tình trạng tràn lan về giống cây trồng và phân bón kém chất lượng thời gian qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Kạn nhiều lần thành lập các đoàn kiểm tra. Nhiều chủ sạp, các hộ kinh doanh giống cây trồng, phân bón đã bị phát hiện, xử lý; tiêu biểu nhất phải kể đến các huyện như: Ba Bể, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Mới... Tuy nhiên có một thực tế là sau khi đoàn kiểm tra rút đi thì các sạp và các chủ kinh doanh kia lại tiếp tục hoạt động.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Xuân Sơn cho biết: Kiểm tra nhưng vẫn tồn tại đâu vào đấy; quản lý thị trường nhập cuộc nhưng không xử lý trường hợp nào. Có nơi, kiểm tra xử lý nhưng ở mức rất nhẹ và chỉ đề nghị tạm đình chỉ việc kinh doanh mặt hàng giống cây trồng; nếu muốn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này thì phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo pháp luật trình Sở NNPTNT Bắc Kạn đồng ý. Đoàn quản lý thị trường đi, tư thương vẫn bày bán các loại giống cây trồng và các loại thuốc bảo vệ thực kém chất lượng diễn ra bình thường (?!).
Chính vì thế, người nông dân và các đại lý chính danh vẫn tiếp tục bị thiệt hại.
Theo Đại đoàn kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo