Nỗi lo giữ "bảo hộ xuất xứ" cho nước mắm Phú Quốc
“Mừng và lo” là tâm sự chung của người làm nghề vì họ đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguyên liệu cá.
Cuối tháng 7 vừa qua, thông tin nước mắm Phú Quốc chính thức được Vụ Nông nghiệp thuộc Ủy ban châu Âu trao chứng nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc đã làm nức lòng những người làm nghề truyền thống này.
Đây cũng là niềm tự hào của người dân Việt Nam bởi nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu.
Điều này cũng có nghĩa là thương hiệu nước mắm Phú Quốc được bảo vệ nhiều hơn trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. Mừng đấy nhưng lo đấy - đó là tâm sự chung của người làm nghề. Bởi hiện nay ngành nghề sản xuất nước Phú Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt về nguyên liệu cá cơm.
40 năm làm nghề sản xuất nước mắm, chưa năm nào cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Hưng ở huyện đảo Phú Quốc phải treo thùng như năm nay. 100 thùng chượp của cơ sở này không hoạt động đồng nghĩa với việc một số lượng lao động mất việc làm.
Khi nguồn cá cơm ngày càng cạn kiệt, sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu ngày càng khốc liệt. Không chỉ có các cơ sở sản xuất nước mắm cạnh tranh, mua nguyên liệu mà các doanh nghiệp ở các vùng miền khác cũng đến để tranh mua. Điều này đã đẩy giá cá cơm lên quá cao, khiến cho các nhà thùng nước mắm đành bất lực, chấp nhận treo thùng.
Theo ông Nguyễn Văn Giáo, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Hưng, ông không thể mạo hiểm mua cá cơm với giá cao để sản xuất nước mắm trong khi mình lại không có quyền định giá sản phẩm đầu ra. Ông nói: “Tôi cảm thấy không thể chượp được với nguyên liệu đầu vào thế nào và đầu ra bế tắc nên tôi phải ngồi yên. Tôi rất buồn vì đến giờ này, vẫn đứng yên nhưng thà đứng yên còn hơn phá sản. Đầu ra hiện nay chủ yếu của người dân Phú Quốc là bán bằng cơm cho TP HCM, phần lớn là tập đoàn MASAN. Tập đoàn này chi phối lợi nhuận đối với những nhà thùng. Mình giống như người nông dân, bán nước mắm, không quyết định giá cả của mình”.
Không chỉ có ông Giáo, rất nhiều chủ cơ sở cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Theo thống kê sơ bộ, năm nay sản lượng nước mắm Phú Quốc giảm khoảng 70% so với mọi năm. Tuy đã đạt được chứng nhận bảo hộ tại các nước Châu Âu nhưng áp lực đối với ngành nghề này không hề giảm. Đạt được việc bảo hộ đã khó nhưng giữ cho được việc bảo hộ này còn khó hơn.
Khoảng 1 tháng nữa là đến mùa đánh bắt cá cơm. Ông Giáo hy vọng, việc thu mua sẽ khả quan hơn, ông đã lên kế hoạch cho việc sản xuất nước mắm được bảo hộ. “Tôi đang tìm nguồn cá cơm chất lượng cao để sản xuất nước mắm bảo hộ. Tôi hy vọng sắp tới sẽ làm được điều này. Tôi đã xây dựng thương hiệu Phúc Hưng và công lao chúng tôi bỏ ra để làm chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc được bảo hộ rất nhiều, trả giá cũng nhiều, chẳng lẽ chúng tôi bỏ cuộc. Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ hỗ trợ cho ngành nghề sản xuất nước mắm bằng chính sách cụ thể nhất” - ông Giao nói.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho rằng, để sản xuất nước mắm được bảo hộ, phải mua loại cá cơm ngon nhất và quy trình sản xuất cũng rất nghiêm ngặt, Vì vậy, tới đây, Hội nước mắm Phú Quốc sẽ họp các thành viên, tuyên truyền ý nghĩa, quyền lợi của việc được bảo hộ để các thành viên hiểu và ủng hộ.
“Sắp tới, Ban kiểm soát nước mắm Phú Quốc sẽ làm việc và kiểm soát đầu vào, đầu ra chặt chẽ trước khi dám tem. Chai nước mắm nào có dán tem bảo hộ, giá trị sản phẩm đó sẽ tăng gấp 3-4 lần. Năm 2012, Phú Quốc sản xuất khoảng 30 triệu lít nước mắn và chúng tôi mong, khoảng 500 – 1 triệu lít được gắn tem bảo hộ là niềm mơ ước rồi” - bà Tịnh nói.
Nghề sản xuất nước mắm đã tồn tại ở Phú Quốc hơn 100 năm nay. Bây giờ sản phẩm này đã trở lên nổi tiếng hơn khi chính thức được EU bảo hộ xuất xứ. Mùa đánh bắt cá cơm sắp đến, không ai biết trước sự cạnh tranh mua nguyên liệu sẽ diễn ra như thế nào.
Liệu một mùa sản xuất nước mắm có được thuận lợi, suôn sẻ hơn không? Ngay từ bây giờ, nếu không có biện pháp đảm bảo nguyên liệu, không có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nước mắm, ngành nghề này khó giữ vững và phát triển trong thời gian tới. Lúc đó thật tiếc cho công sức theo đuổi việc bảo hộ trong vòng 10 năm của Hội Nước mắm Phú Quốc và tiếc cho một đặc sản của vùng đảo ngọc này./.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo