Nỗi lo tăng xuất khẩu xi măng
Cả nước hiện có 82 dây chuyền sản xuất xi măng đạt công suất gần 100 triệu tấn sản phẩm mỗi năm. Hầu hết các nhà máy xi măng đang phát triển với công nghệ hiện đại, chủng loại đa dạng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nỗi lo dư cung
Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, ước sản phẩm xi măng tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu trong tháng 5/2018 đạt khoảng 10,23 triệu tấn, tăng tới 1,46 triệu tấn so với tháng 4, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 51% kế hoạch năm 2018.
Sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu trong tháng 5 đều tăng mạnh. Trong đó ước sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 7,68 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa trong tháng 5 tăng 1,36 triệu tấn so với tháng 4/2018. Riêng Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ tháng 5/2018 ước đạt khoảng 2,38 triệu tấn.
Tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường xuất khẩu trong tháng 5/2018 vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh ước đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017; xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt khoảng 13,76 triệu tấn, tăng 31 % so với cùng kỳ.
Như vậy, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 5 tháng khoảng 43 05 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 51% kế hoạch của cả năm 2018.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia với tốc độ phát triển như hiện nay thì chỉ trong thời gian ngắn ngành xi măng sẽ bị dư thừa nguồn hàng này. Bởi nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tổng công suất thiết kế toàn ngành lên đến 108 triệu tấn/năm.
Cùng đó, các nhà máy ximăng đã đi vào sản xuất cũng không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn/năm. Trong khi đó theo dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ dư thừa từ 36-47 triệu tấn.
Còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn thì sẽ dư thừa khoảng 25-36 triệu tấn.
Tình trạng dư thừa mặt hàng xi măng đáng báo động là thế, nhưng hàng loạt dự án, dây chuyền sản xuất xi măng mới vẫn đang cấp tập bổ sung vào năng lực cung ứng cho toàn ngành.
Cụ thể, năm 2017 đưa vào vận hành 3 dự án sản xuất lớn là dự án xi măng Long Sơn 2 (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), công suất 2,3 triệu tấn/năm; dự án 2 xi măng Thành Thắng (Thanh Liêm, Hà Nam) công suất 2,3 triệu tấn/năm; dự án 2 xi măng Xuân Thành (Thanh Liêm, Hà Nam) công suất 4,5 triệu tấn/năm. Qua đó đã nâng con số nên 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, phương pháp khô, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng theo cách tính 80% clinker +20% phụ gia.
Thực tế hiện nay năng lực sản xuất của các nhà máy ximăng có thể đạt 113 triệu tấn xi măng với 70% clinker + 30% phụ gia (tỉ lệ hiện nay các nhà máy đang thực hiện).
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng dư thừa lớn sản phẩm xi măng tại Việt Nam là do công suất của ngành tăng mạnh. Được biết hiện TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đang sở hữu 10 doanh nghiệp thành viên và Vicem cũng đang nỗ lực lo tiêu thụ trong bối cảnh dư cung.
Trong khi đó, dự kiến trong năm 2018 sẽ đưa vào sản xuất các dự án như: Ximăng Sông Lam dây chuyền 3,4 (giai đoạn 2) của tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; Ximăng Kaitô Hà Tiên tại Bình Phước của ThaiGroup, với công suất 4,5 triệu tấn; Ximăng Tân Thắng tại Hoàng Mai Nghệ An, công suất 1,8 triệu tấn/năm.
Cần nâng cao chất lượng
Vài năm trở lại đây, xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam tăng mạnh từ năm 2014, còn do thị trường tiêu thụ nội địa không đạt như kỳ vọng, các doanh nghiệp phải cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, để bù đắp lại sự sụt giảm của thị trường nội địa. Và đặc biệt là cuối năm 2017, do chính sách của Trung Quốc thay đổi, từ nước xuất hẩu chuyển sang nhập khẩu clinker, nhất là nhập từ Việt Nam nên về số lượng xuất khẩu tăng đột biến và giá xuất khẩu được điều chỉnh cao lên.
Ngoài ra, sự điều chỉnh trong chính sách thuế xuất khẩu của Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng là niềm động viên đối với các nhà xuất khẩu xi măng.
Để đẩy mạnh phát triển ngành ximăng, năm 2017 nhiều DN đã đầu tư hoàn thiện công nghệ, cải tạo môi trường số lượng dự án đầu tư tận dụng nhiệt khí thải để phát điện và sử dụng phế thải công nghiệp được các DN sản xuất ximăng quan tâm. Cụ thể, Dự án ximăng Hoàng Long đã tiến hành cải tạo nâng công suất từ 1.000 tấn clinker/ngày lên 3.300 tấn clinker/ngày.
Đến hết năm 2017 cả nước có 10 dây chuyền đã đầu tư trạm phát điện sử dụng nhiệt thừa như: Công Thanh 2, Long Sơn, Xuân Thành, Thành Thắng. Việc đầu tư các giải pháp công nghệ sử dụng phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế đã được các đơn vị sản xuất ximăng quan tâm.
Hiện nay đã có 13 nhà máy sử dụng thạch cao Đình Vũ, thay cho thạch cao nhập khẩu. Khoảng 6 nhà máy ximăng và một số trạm trộn bêtông thương phẩm sử dụng tro nhiệt điện làm nguyên liệu với hàm lượng sử dụng từ 6-12% thay thế nguyên liệu sét trong sản xuất ximăng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Nguyễn Quang Cung thì hiệu quả sản xuất chưa cao, sức cạnh tranh của ximăng Việt Nam còn yếu và hiệu quả xuất khẩu chưa tương xứng với khối lượng và tỉ lệ giữa khối lượng ximăng và khối lượng clinker xuất khẩu còn thấp và chưa đến được các thị trường có giá bán cao. Bên cạnh đó, năng suất lao động rất thấp, không đồng đều, dao động từ 1.000 tấn/người/năm đến 8.000 tấn xi măng/người/năm, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Năng suất lao động của doanh nghiệp xi măng trong nước cũng thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Kế đến là công nghệ khai thác mỏ đa số còn lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chưa sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản…
Trước thực tế trên, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng mới từ nay đến 2025, đồng thời cho đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, áp dụng các công nghệ mới nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản nhiên liệu, sử dụng nhiều phế thải công nghiệp thay thế, năng lượng tái tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường theo hướng phát triển bển vững.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Chính phủ cần tiếp tục có đề xuất đề nghị Quốc hội điều chỉnh lại Luật xuất khẩu với các nội dung liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc từ tài nguyên khoáng sản, mà clinker xi măng là sản phẩm của ngành thuộc điều chỉnh của luật này. "Việc áp dụng các quy định của luật này đối với clinker xi măng còn nhiều bất cập mà ngành xi măng trước đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính và các Bộ ngành", Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sau khi tiếp nhận báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) về tình hình ngành xi măng Việt Nam năm 2017, vừa có chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến của Hiệp hội Xi măng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng và năng suất lao động của cả ngành xi măng và hạn chế xuất khẩu xi măng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ