Quốc tế

Nỗi oan dậy đất của Chu Du trước Gia Cát Lượng

Tính cách, thái độ, tài năng của những nhân vật lớn như Gia Cát Lượng, Chu Du, Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền... và những sự kiện lớn trong "Tam Quốc diễn nghĩa" thật - giả đến đâu, chúng ta sẽ dần dần được sáng tỏ.

Gia Cát Lượng chưa bao giờ chọc tức Chu Du

Nhắc tới Chu Du, người ta liền nghĩ tới Tam khí Chu Du, chết  vì tính đố kỵ; Nhớ câu Chu Du than thở: “Đã sinh Du sao còn sinh Lượng”. Nhưng đó là trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, nó hoàn toàn không giống Chu Du trong lịch sử.

Trong lịch sử, Gia Cát Lượng chưa bao giờ chọc tức Chu Du, và Chu Du cũng  chưa bao giờ tức thổ huyết mà chết. Vì sao? Vì Chu Du là một con người rất có bản lĩnh. Tam quốc chí  đánh giá rất cao về ông: “Cởi mở, khí phách hơn người”. Người cùng thời cũng rất trân trọng ông.

Lưu Bị nhận xét về Chu Du là “rất độ lượng”. Tưởng Cán - danh sĩ Hoài Hải, nói ông “là con người thanh lịch”. Nhân đây xin minh oan cho Tưởng Cán. Tưởng Cán sang Giang Đông sau khi trận Xích Bích đã xảy ra 2 năm, không làm gì có chuyện Tưởng Cán trộm thư của Sái Mạo gửi Chu Du. Bộ mặt Tưởng Cán cũng không gớm ghiếc, mũi trắng lốp như trong hí kịch. Trái lại, Tưởng Cán khá đẹp trai. Sách Giang biểu truyện chép: “Cán dung mạo đẹp, có tài hùng biện, khắp Giang - Hoài không có đối thủ”.

Chu Du: Thiên hạ đệ nhất nam tử Giang Đông

Chu Du tuổi trẻ tài cao, nổi tiếng đẹp trai ở Giang Đông. Tam quốc chí chép ông “khôi ngô hùng vĩ, dung mạo tuyệt đẹp” và còn nói thêm “người Giang Đông gọi ông là Chu Lang. Lang là chỉ người đàn ông anh tuấn, kêu bằng Lang là để tán dương vẻ đẹp của người được gọi. Giang Đông có hai người được gọi là Lang: Chu Du và Tôn Sách.

Đương nhiên, một con người được kêu bằng Lang không chỉ ở dung mạo đẹp, mà còn ở khí chất, ở tâm hồn. Chu Du có đầy đủ khí chất cao thượng, tài hoa. Ông rất chú ý  trau dồi nhân phẩm, giỏi trận mạc, am hiểu nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Ngay cả khi rượu đã 3 tuần, tức đã ngà ngà say, ông vẫn chỉ ra nốt nhạc đánh sai trong dàn nhạc cung đình. Vậy nên mới có chuyện người đương thời lưu truyền câu “khúc hữu ngộ, Chu Lang cố” (khi nốt nhạc đánh sai, Chu Lang liền ngó về phía đó). Một con người tài hoa như vậy, với âm nhạc mà còn thế, chắc chắn biết điều binh khiển tướng, nắm vững nghệ thuật tiến hành chiến tranh.

Tạo hình Chu Du trong phim.

Chu Du quả rất giỏi trận mạc. Trong trận Xích Bích, ông là Tổng chỉ huy liên quân Tôn - Lưu. Về phong độ Chu Du, Tô Đông Pha đã miêu tả trong Xích Bích hoài cổ: “Nhớ Công Cẩn năm xưa, khi Tiểu Kiều mới sánh duyên cùng, hào hoa phong nhã, quạt lông khăn lượt, nói cười đấy mà kẻ cường địch tan thành tro bụi”.

Tướng chiến trường vẫn quạt lông, khăn lụa

Quạt lông là quạt làm bằng lông vũ, khăn lượt là khăn đội đầu bằng lụa xanh. Ung dung biết mấy! Hào hoa biết mấy! Dưới triều đại phong kiến, giới quí tộc và quan lại thường đội mũ. Mũ cao ngất ngưởng, áo rộng thùng thình. Nhưng đến cuối đời Đông Hán, khăn lượt quạt lông là cái mốt của danh sĩ. Làm tướng mà khăn lượt quạt lông, thì tính cách nho nhã càng nổi bật.

Ta có thể hình dung một cảnh tượng như sau: Tào Tháo bày thủy trận trên Trường Giang, chiến thuyền san sát, cờ xí rợp trời, người yếu bóng vía trông thấy mà hồn bay phách lạc. Vậy mà Chu Du vẫn quạt lông khăn lượt, ung dung tự tại, tính toán không sót một kẽ hở, cuối cùng đại phá quân Tào bằng chiến thuật lấy yếu đánh mạnh, để lại một chiến thắng lừng danh kim cổ, là niềm cảm hứng bất tận cho thơ ca ngàn đời sau đó.

Tuy nhiên, chiến tranh không phải là nghệ thuật, không chỉ cười cợt  mà cường địch tan thành tro bụi. Khi chỉ huy trận Xích Bích, Chu Du lấy Tiểu Kiều đã 10 năm, chứ không phải mới thành hôn như Tô Đông Pha viết trong Xích Bích hoài cổ.

 

Tô Đông Pha viết vậy để khắc họa càng đậm tính cách Chu Du, người hùng trong trận Xích Bích. Tuy rằng không thể coi văn học là lịch sử, nhưng vẻ hào hoa phong nhã của Chu Du trong đời thường đúng như Tô Đông Pha miêu tả.

Quan trường, tình trường, chiến trường đều mỹ mãn

Chu Du năm 24 tuổi đã được Tôn Sách phong chức Kiến Uy Trung Lang Tướng, cai quản toàn bộ lực lượng quân sự Giang Đông. Cũng vào năm này, Chu Du lấy Tiểu Kiều, Tôn Sách lấy Đại Kiều, hai hoa khôi Giang Đông, ái nữ của Kiều Công. Có thể thấy Chu Du là con người mà về quan trường, tình trường, chiến trường đều mỹ mãn, không có lý do gì để ganh tị với người khác, lại càng không thể nhỏ nhen, ghen ghét người tài đến mức tức hộc máu mà chết.

Đúng là Chu Du và Lưu Bị khi công khai, khi ngấm ngầm có sự tranh chấp quyết liệt. Ông đã từng đề nghị Tôn Quyền giam lỏng Lưu Bị, chia rẽ Quan Công - Trương Phi. Nhưng đó là vì quyền lợi chính trị của Đông Ngô mà ông là một thành viên quan trọng. Đây là nhiệm vụ chính trị, không liên quan gì đến bản tính của ông.

Tạo hình Gia Cát Lượng trên phim.

Và còn chuyện này nữa. Khi ấy Chu Du ngại là ngại Lưu Bị, chứ không ngại Gia Cát Lượng. Đơn giản là khi ấy Gia Cát Lượng mới ra khỏi lều tranh, chưa có tiếng tăm gì, chưa phải là đối thủ của Chu Du. Chỉ vài nét phác họa như thế, đủ để ta thấy Chu Du mắc tiếng oan dậy đất với những chuyện đối đầu với Gia Cát Lượng.

 

Ba bộ mặt của nhân vật và sự kiện lịch sử

Thực ra, rất nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử đều có ba bộ mặt, ba hình tượng lịch sử. Một là, bộ mặt ghi lại trong chính sử, gọi là hình tượng lịch sử, là bộ mặt do các nhà sử học chủ trương. Cũng cần nói thêm rằng, hình tượng lịch sử có khi cũng không đúng với bộ mặt thật trong lịch sử. Vì sao vậy? Vì rằng trong tay ta không còn những tài liệu nguyên thủy, cũng không thể dựng người xưa ngồi dậy để hỏi han, mà dù có hỏi thì chưa chắc đẫ nói thực. Vậy là ta phải dựa vào những gì ghi chép về lịch sử, chủ yếu là trong chính sử.

Nhưng chính sử đôi khi cũng có chỗ không tin cậy. Chính vì vậy mà nhà sử học nổi tiếng Lã Tư Dật từng cảnh báo: “Một số ghi chép trong “Tam Quốc chí” và “Hậu Hán thư” chưa chắc đã đủ độ tin cậy”. Thí dụ, nhà Thục - Hán không đặt chức quan chép sử, vậy nên những ghi chép về Thục - Hán đều dựa vào chuyện kể, hoặc tin tức vỉa hè, khiến chúng ta chỉ còn hy vọng vào những khảo chứng của các nhà sử học. Rồi thì, quan điểm của các nhà sử học cũng không thống nhất. Tất cả những cái đó, khiến lịch sử càng xa thì tam sao thất bản càng lớn, “Tam Quốc diễn nghĩa” đã chứng minh điều đó.

Hai là, hình tượng lịch sử của các nhân vật lịch sử trong tác phẩm văn nghệ (thơ ca, tiểu thuyết, hí kịch...) ta gọi là hình tượng văn học do các văn nghệ sĩ dựng nên trong tác phẩm văn học, mà Chu Du, Gia Cát Lượng, Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền... trong Tam Quốc diễn nghĩa là những trường hợp điển hình. Những nhân vật lịch sử này đã được La Quán Trung gán cho một bộ mặt hoàn toàn khác trong chính sử và cả trong đời thường. Cụ thể như thế nào, xin dành cho khi nhắc đến từng người trong bài này.

Ba là, hình tượng các nhân vật lịch sử do dân chúng dựng nên, ta gọi là hình tượng dân gian. Vì rằng, trong con mắt mỗi chúng ta hầu như đều có một nhân vật lịch sử mà ta thích hoặc không ưa. Hợp với mình thì thích, không hợp với mình thì không ưa. Hoặc ai tô vẽ gì cũng mặc, nhân vật lịch sử có thế nào thì nói thế ấy, không thêm không bớt. Hình tượng dân gian này nhiều khi khác xa hình tượng văn học.

 

Thí dụ: Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lưu Bị được giới thiệu là dòng dõi hoàng tộc, hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh vương, hoàng đế đất Ba Thục, nhưng trong dân gian thì được coi là ông tổ của nghề đan lát, vì ông này xuất thân từ nghề dệt chiếu, đan giày cỏ; Quan Công xuất thân từ nghề buôn (ông này có cửa hiệu tạp hóa trước khi kết nghĩa vườn đào) nên dân gian thờ là Thần Tài; Trương Phi là võ tướng, dũng mãnh là thế, nhưng lại được coi là ông tổ của nghề đồ tể, vì Trương Phi xuất thân làm nghề mổ lợn.

Cũng vậy, trong Thủy Hử, Tống Công Minh (Tống Giang) được coi là ông tổ của nghề cướp đường, Thời Thiên được coi là ông tổ của nghề trộm cắp. Và còn nhiều thí dụ khác nữa, ở đây không kể hết.

Nên đọc
Theo Gia đình & Xã hội
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo