Nông dân chê bảo hiểm nông nghiệp vì phí cao
Phí cao, nội dung bảo hiểm chưa phù hợp
Bắc Ninh là một trong 20 tỉnh triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định của Thủ tướng, thí điểm trên đàn lợn, gà và vịt ở ba huyện là Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ (mỗi huyện chọn ba xã). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ký kết được hợp đồng bảo hiểm.
Ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Ninh) cho biết, tỉnh đã triển khai tập huấn xuống huyện, xã. “Đầu tháng Tư, chúng tôi mới tập huấn, triển khai phổ biến đến các hộ chăn nuôi, từ đó sẽ ký kết hợp đồng, vì đang cấy vụ đông xuân, bà con ra đồng cả rồi, chưa gặp được”- ông Ninh nói.
Theo ông Ninh, khi thông báo biểu phí, dân đều phản ánh là quá cao. Đối với hộ chăn nuôi không thuộc diện nghèo, cận nghèo, dù được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm, nhưng một con gà, vịt tham gia bảo hiểm phải nộp thêm 3.600 đồng (chu kỳ nuôi khoảng hai đến ba tháng).
Đàn gia cầm thịt 200 con trở lên, (đàn gia cầm đẻ là 100 con trở lên) khi tham gia bảo hiểm, phải nộp là 720 nghìn đồng. Còn đối với lợn thịt 120 nghìn đồng/con. Đây là mức phí cao với nông dân, nên họ rất cân nhắc. Mặt khác, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Ninh, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện chỉ 4-5%. Hiện, ở ba huyện trên tổng số đàn, gia cầm chỉ 40-50 nghìn con gia cầm, đàn lợn khoảng 10 nghìn con, nhưng diện trong bảo hiểm, thì chiếm không nhiều.
Theo quy tắc, biểu phí, và trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp, đối với vật nuôi, số tiền bảo hiểm người dân nhận được tối đa với bò sữa 35 triệu đồng/con; trâu, bò là 15 triệu đồng; lợn nái 8 triệu đồng, lợn thịt 6 triệu đồng và gà là 150 nghìn đồng/con. Với lúa nước sẽ bồi thường theo thiệt hại thực tế. |
Tại Thái Bình, một trong hai tỉnh của đồng bằng sông Hồng được chọn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở cây lúa nước cũng đang tắc. Tỉnh này đã chọn triển khai cả ba huyện (triển khai ở tất cả các xã) Vũ Thư, Thái Thụy và Tiền Hải với tổng diện tích là 65.700 ha.
Phí bảo hiểm của Thái Bình là 5,23%. Tại xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư), dù phiếu đăng ký tự nguyện (chủ hộ, diện tích, gieo giống gì…) đã in sẵn, nhưng chưa phát cho dân.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ nhiệm hợp tác xã Nguyên Xá cho rằng, có những rủi ro thực tế đang cần bảo hiểm lại không có trong nội dung bảo hiểm. Chẳng hạn, với cây lúa chỉ có bảo hiểm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, dịch rầy nâu, nhưng các bệnh này lâu nay ít xuất hiện ở các xã ở Vũ Thư.
Còn như chuột gây hại rất lớn trên đồng ruộng lại chưa có bảo hiểm. Mặt khác, phí bảo hiểm còn cao. “Một vụ lúa phải nộp 20 nghìn đồng/sào, cả năm là khoảng 40 nghìn đồng, tương đương 10 cân thóc của xã viên. Hiện dân đang đóng góp nhiều khoản, như làm đường thôn xóm, trường… cách đóng góp đều dựa vào số hộ, đầu sào. Như vậy, nếu tham gia sẽ rất chật vật”- ông Hùng phân tích.
Còn ông Bùi Anh Toán, Giám đốc Bảo Việt Thái Bình, nói hiện đang vận động các hộ tham gia bảo hiểm. Ở Thái Bình, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 10%; may chăng được 70-80% số hộ nghèo ở các huyện thí điểm tham gia. “Lẽ ra, thu bảo hiểm từng người thì phải bồi thường cho từng người.
Nhưng nông nghiệp ở ta xé lẻ, manh bún, không thể làm với từng hộ. Vì thế, nếu trong xã chỉ có một vài chục hộ sụt giảm năng suất, hoặc mất mùa, nhưng tỷ lệ diện tích chưa đạt mức bồi thường, các hộ đó sẽ tự chịu, không được bảo hiểm”- ông Toán nói.
Có thể giảm phí?
Đến nay, trong số 20 tỉnh thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, 10 tỉnh giao cho Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, 10 tỉnh còn lại do Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh triển khai. Bảo Việt đã triển khai ký kết được với nông dân ở ba tỉnh là Nghệ An, Phú Thọ, Đồng Tháp, và Sóc Trăng chuẩn bị ký kết. Còn Bảo Minh hiện chưa ký được với đơn vị nào.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, mức phí, mô hình bảo hiểm đã được nghiên cứu kỹ trong hai năm trước khi trình Bộ Tài chính và Chính phủ. Phí bảo hiểm phụ thuộc độ rủi ro, trong khi bảo hiểm nông nghiệp rủi ro cao, thì phí cũng cao.
“Chúng tôi thống kê số liệu trong 20 năm lại đây, ở từng địa phương, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, dựa trên mô hình tính phí chuẩn của thế giới. Từ đó, đàm phán, thương lượng với nhà tái bảo hiểm quốc tế về mức phí, chứ các Công ty bảo hiểm của Việt Nam không tự đưa ra. Hiện, mức phí bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam đang xây dựng tốt hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines”.
Theo ông Phi, tham gia chương trình, doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận, để ủng hộ chính sách tam nông của Chính phủ. Nhưng với bà con nông dân, 10 nghìn, hay 20 nghìn đồng vẫn là đắt, vì do tập quán sản xuất, nên bà con vẫn chưa hiểu hết.
Để giảm mức phí bảo hiểm nông nghiệp cho dân, ông Phi nói: “Để hết năm nay, nếu thặng dư từ thu phí bảo hiểm nông nghiệp nhiều, có thể đề xuất Bộ Tài chính và Chính phủ chuyển vào quỹ hỗ trợ, giảm phí cho nông dân những năm tiếp theo, được càng nhiều càng tốt; hoặc chuyển vào ngân sách nhà nước, để đầu tư lại cho nông nghiệp”.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam