Nông dân Nghệ An nuôi ong chúa lấy sữa, thu lãi 200 triệu đồng/năm
Sau Tết Nguyên đán đến nay, ông Bùi Ngọc Ấn không ngày nào thảnh thơi bởi đây là thời điểm tốt nhất để ông lấy mật ong. May mắn, chúng tôi gặp ông khi đang lấy mật cho một người thân ở tại xóm 1, xã Quỳnh Mỹ. Mặc dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông Ấn rất đam mê với nghề nuôi ong; hễ ai nhờ vả, cách xa hàng chục cây số nhưng ông vẫn tìm đến tận nơi để giúp họ lấy mật.
Ông Ấn cho biết: “Sau Tết đến nay, ông thường xuyên ngược lên xã miền núi Quỳnh Thắng để lấy mật ong. Do vào mùa nên con ong tiết ra mật nhiều, nếu không lấy kịp sẽ làm mất năng suất của vụ sau”.
Chia sẻ về nghề, ông Ấn cho biết năm 2012, ông nuôi thí điểm 2 đàn ong ngay tại nhà mình. Thời gian đó, do chưa có kinh nghiệm nên ong tiết ra mật ít, không đạt sản lượng. Tuy nhiên, sau khi học hỏi trên sách báo cùng những hộ nuôi ong trước, ông đã nắm bắt được quy trình chăm sóc và cách thu hút đàn ong vào tổ. Sau đó 2 năm, ông đã phát triển đàn ong của gia đình lên 15 đàn. Cũng trong thời gian này, ông đã ra tận Hà Nội để mua một con ong chúa có nguồn gốc từ Austalia về nhân giống và phát triển. Giống ong chúa này có thể thu hút đàn ong thợ vào tổ và tiết ra sữa chúa có giá trị kinh tế cao.
Sau 6 năm phát triển nghề nuôi ong, hiện nay trong gia đình ông có 97 đàn, trong đó có 10 đàn chuyên khai thác sữa chúa. Sau hơn 1 tháng vào mùa lấy mật, ông Ấn đã khai thác hơn 500 kg mật ong, với giá 300.000 đồng/lít, gia đình ông thu về hơn 150 triệu đồng.
“Để phát triển nghề nuôi ong, người nuôi phải am hiểu đặc tính của chúng, chăm sóc bảo vệ cẩn thận để ong luôn cho mật nhiều. Thời gian khai thác mật ong kéo dài từ tháng 1 - 7 ÂL. Mỗi năm, lượng mật thu về đạt hơn 1 tấn” - ông Ấn chia sẻ thêm.
Đặc biệt hơn, ông Ấn còn thành công trong việc khai thác sữa ong chúa từ 10 đàn đang nuôi. Sau Tết đến nay, ông thu hoạch khoảng 9 kg sữa chúa, với giá 500.000 đồng/kg; chỉ sau 1 tháng, ông thu về thêm 45 triệu đồng. Sữa ong chúa nếu thu hoạch cả năm sẽ đạt khoảng 400 kg. Từ nuôi ong lấy sữa chúa, ông Ấn thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/năm.
Để có được sữa chúa, ông Ấn đã gắp ấu trùng tuổi 1 (trứng được 4 ngày) từ con ong chúa sinh ra vào mũ chúa rồi bỏ vào thùng. Sau 3 ngày, ong thợ sẽ tiết sữa ra để nuôi ấu trùng, sau đó ông sẽ lấy sữa; nếu không lấy thì 13 ngày sau ấu trùng đó sẽ nở thành ong chúa. Với quy trình như vậy, ông Ấn có thể khai thác sữa chúa liên tục trong thời gian vào mùa.
Sữa ong chúa nhờ có tác dụng làm đẹp da, ngừa lão hóa, tăng cường sinh lý, tăng cường sức khỏe, ngừa bệnh tật.. nên người dân rất ưa chuộng. Theo ông Ấn, vào mùa khai thác sữa chúa, khách hàng ở khắp các tỉnh, thành gọi về đặt hàng với số lượng nhiều, thậm chí nhiều người còn tìm về tận nhà để tìm hiểu quy trình lấy sữa ong chúa.
Với kinh nghiệm nuôi ong lâu năm, ông Ấn đã truyền đạt lại cho rất nhiều người dân, đặc biệt là người cao tuổi ở địa phương về cách nuôi và chăm sóc. Đến nay, nhóm nuôi ong lấy mật do ông Hồ Đình Chiến ở xã Quỳnh Mỹ làm trưởng đã phát triển lên 6 người; bình quân mỗi năm, các hộ nuôi ong đều có mức thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng; qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao giá vàng thế giới lao dốc hơn 2%?
Nhận diện động lực sẽ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
Giá ngoại tệ ngày 12/11/2024: USD tiếp tục tăng
Cảnh báo mạo danh Amazon để lừa đảo người tiêu dùng
Giá nông sản ngày 12/11/2024: Cà phê, hồ tiêu giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 12/11/2024: Duy trì mức giá cao trên toàn quốc