Nông dân Nghệ An trồng cà pháo phủ nilon tăng năng suất gấp đôi
Gia đình chị Hoàng Thị Hồng ở thôn Tiến Thành, xã Chi Khê có thâm niên trồng cà hơn 6 năm nay. Ban đầu chị chỉ trồng 1 sào, sau thu hoạch thấy hiệu quả kinh tế chị đã mở rộng diện tích.
Với hơn 2 sào đất trồng cà, chị Hồng đầu tư gần 500.000 đồng để mua nilon phủ, cộng với phân bón, giống…tổng chi phí trên 2 triệu đồng. Cây cà pháo sau khi trồng khoảng 4 tháng là cho thu hoạch. "Hiện cà pháo có đầu ra ổn định, đầu vụ tuy sản lượng chưa nhiều song bù lại giá lại cao, cà không đủ để bán cho thương lái. Tính giá bình quân 8.000 đồng/kg, mỗi năm nhà tôi có nguồn thu trên 40 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng các cây màu khác" - chị Hoàng Thị Hồng cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị Châu, một hộ trồng cà ở thôn Tiến Thành, xã Chi Khê: Cà pháo từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 1 năm, mỗi tháng thu hái 4-5 lần. Những tháng mưa nhiều, cà rộ quả, để kịp thu hoạch bán cho thương lái các hộ dân thường thành lập các tổ nhóm giúp nhau thu hái.
Hầu hết các hộ trồng cà đều tự ươm cây giống, từ tháng 9 đến tháng 11 ÂL là bắt đầu xuống giống. Ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh, sau mỗi đợt thu hái phải bón thúc đạm để giữ cho cây có hoa liên tục đến hết thu hoạch.
Xã Chi Khê là địa phương có diện tích trồng cà lớn nhất của huyện Con Cuông. Toàn xã hiện có hơn 15 ha trồng cà pháo, tập trung ở thôn Tiến Thành và Quyết Tiến.
Để nâng cao năng suất cũng như chất lượng cây cà, hầu hết các hộ đều trồng theo phương pháp phủ nilon; mặc dù chi phí đầu tư lớn hơn so với phương pháp thường nhưng khi phủ nilon có nhiều ưu điểm như: duy trì được độ ẩm cho đất nên không phải tưới nước, sạch cỏ, khả năng chống chịu sâu bệnh cao... Vì thế, cà cho năng suất cao hơn, chất lượng quả đẹp hơn. Bình quân mỗi sào cà cho năng suất 4-5 tấn nhưng trồng bằng phương pháp phủ nilon cho năng suất cao gần gấp đôi, từ 7-8 tấn/sào, sau khi trừ chi phí cho thu nhập gần 30 triệu đồng/sào.
Hiện nay, các xã như Chi Khê, Bồng Khê, thị trấn là những địa phương có diện tích trồng cà lớn của cả huyện. Cây cà đã trở thành cây chủ lực, giúp nhiều hộ dân cải thiện, nâng cao đời sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo