Tin tức - Sự kiện

Nông dân “oằn mình” trong vòng vây... “cò”

Giá bán đang sát với giá thành, khiến nông dân trồng lúa đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, đó chỉ là “giọt nước tràn ly” bởi những khó khăn trước đó, người trồng lúa phải chi trả nhiều chi phí bên ngoài quy trình sản xuất - người dân địa phương quen gọi là… “dịch vụ cò”.

Mua lúa của nông dân ở Phú Thành, Phú Tân (An Giang).



Mức thù lao cho dịch vụ “cò” mua lúa bình quân20đ/kg”, tranh thủ lúc đang thu mua lúa tại ruộng ông Đặng Văn Dũng (Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), chị Trần Hồng Thủy - thương lái ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) - chia sẻ thêm:“Bây giờ không chi thù lao cho “cò”, khó mua được lúa, nhất là ở những địa bàn xa”. Dĩ nhiên, số tiền này sẽ được khấu trừ vô hình vào giá mua lúa của nông dân. Hay nói cách khác, đó là chi phí phải đội thêm ngoài chi phí sản xuất của nông dân.

Tại xã Phú Thành (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) vào cao điểm thu hoạch với tấp nập cảnh “cân-đo-đong-đếm”, nên chúng tôi dễ dàng tiếp cận với “dịch vụ cò”. Đang tất bật mua trên chục tấn lúa nếp của anh Nguyễn Văn Thiện, nhưng vừa nghe tôi hỏi: “Có “cò” không?”, thương lái Lê Thị Thủy nói như người thuộc nằm lòng: “Có, 20đ/kg”. Không chỉ xuất hiện ở các tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, nạn “cò lúa” còn có thâm niên ở các địa phương hạ nguồn như: Hậu Giang, Cần Thơ…

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin (Sở NN-PTNT Đồng Tháp) - nạn cò không chỉ xuất hiện trong khâu mua - bán sau thu hoạch mà còn có mặt ở hầu hết các khâu dịch vụ từ lúc cây lúa chưa ra đời. Lão nông Lê Văn Rép (ấp Tân Bảnh, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) xác nhận: “Ngay ở khâu làm đất chuẩn bị xuống giống, đã có “cò” máy cày, máy xới với mức phí bình quân 10.000 đồng/công (100.000 đồng/ha). Đến thu hoạch, là “cò” máy cắt, gặt đập liên hợp với giá 10.000 đồng/công”.

Ngay việc cho vịt chạy đàn đến đám ruộng ăn để thu tiền cũng thông qua “cò” với giá khoảng 10.000 đồng/công. Như vậy chỉ tính 4 dịch vụ ngoài sản xuất này, “cò” đã ngốn thêm gần 50.000 đồng/công. Với giá thu mua hiện nay, điều này tương đương hơn chục kg lúa/công. “Cò” nhận tiền từ thương lái và các chủ dịch vụ nhưng cuối cùng nông dân là người “gánh trọn”. Và các khoản chi này chưa được ghi nhận khi tính toán giá thành sản xuất của người trồng lúa.

“Cò” - Công hay tội?

Chị Lê Thị Thủy cho biết thêm: “Nhà ở thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân) cách xã Phú Thành mấy chục cây số, vì vậy không dễ để biết lịch thu hoạch của từng ruộng để tiếp cận, cũng như công sức thăm ruộng để đưa ra giá mua”. Theo chị Thủy, ngoài việc thực hiện các công đoạn này, “cò” với phần lớn là người địa phương tại chỗ, hoặc có uy tín với nhiều người trồng lúa… còn là người “bảo lãnh tín chấp” để các chủ ruộng đồng ý cho thương lái mượn bao đựng lúa… Trong khi đó, với nông dân, trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung thu mua gạo, mà bản thân lại không đủ phương tiện để lưu trữ… thì “cò” chính là người thiết lập nhịp cầu tiêu thụ hạt lúa…

“Nếu không có “cò”, nông dân tụi tui không biết sẽ bán lúa cho ai” - anh Dũng cho biết. Không phủ nhận công của “cò” trong khâu tiêu thụ lúa hiện nay, nhưng bên cạnh đó, với phương thức hoạt động “tự do”, cò cũng để lại nhiều “tội”… “Khi lúa trên thị trường rớt giá, khó tiêu thụ, ngoài việc nhận tiền đầu tấn, cò còn buộc nông dân phải trả thêm 50 - 100đ/kg để được kết nối và bán lúa cho thương lái” - một nông dân ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) bật mí thêm: “Vào những thời điểm giá rớt nhanh như hiện nay, một số cò còn bắt tay nhau hạ giá mua lúa bằng cách chia nhau ra trả giá thấp dần nhằm gây cho nông dân tâm lý hoang mang về giá lúa đang xuống, vì vậy bán với giá thấp”.

Thậm chí, vì lợi ích nhóm, một số “cò” còn tìm cách dìm giá thu mua của nông dân. Anh Phạm Tấn Lực (cò lúa ở huyện Tân Hồng) bộc bạch: “Có hiện tượng khá phổ biến là khi thấy có “cò” được nhiều thương lái đặt hàng, lập tức một số cò khác chờ lúc “đối thủ” thu mua đủ kế hoạch, thì đồng loạt hạ giá thu mua để… hưởng chênh lệch giá…”. Xét đến cùng, “cò” làm gia tăng thêm chi phí bên ngoài sản xuất của nông dân là do doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn “bỏ trống” sự gắn kết nghĩa vụ - quyền lợi với vùng nguyên liệu, với người trồng lúa. “Cò” tồn tại, doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn duy trì kiểu kinh doanh “ăn xổi, ở thì”…

Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo