Nông dân Thừa Thiên - Huế chủ động giúp nhau làm giàu
(TTXVN) Bằng nhiều hình thức, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã trực tiếp giúp đỡ hơn 1.350 hộ nông dân thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 8%. Mô hình "nông dân giúp nông dân làm giàu" đã phát huy hiệu quả. Nhiều hộ gia đình đã hỗ trợ vốn cho hộ nghèo có điều kiện sản xuất kinh doanh, hộ giàu trở thành “bà đỡ” cho hộ nghèo vươn lên.
Tại xã Phong Chương, huyện Phong Điền, ai cũng cảm phục ông Nguyễn Trọng Ứng, từ hai bàn tay trắng, ông đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp VAC kết hợp cung ứng các loại vật tư, phân bón, thức ăn gia súc cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Ngoài việc tạo dựng cơ ngơi khang trang, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động đồng thời giúp 30 hộ nghèo mượn vật tư phân bón trị giá hơn 80 triệu đồng để đầu tư thâm canh. Hay ông Nguyễn Lâu, ở Phong An, Phong Điền với mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng, đã giúp đỡ ngày công, hướng dẫn cách làm ăn, không thu tiền các dịch vụ giúp cho 5 hộ thoát nghèo và tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động khác. Tại xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, bà Hồ Thượng Nhẹp (dân tộc PaKô) có trang trại tổng hợp hơn 10 ha.
Từ trồng trọt, chăn nuôi, mỗi năm gia đình bà có thu nhập trung bình 250 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà còn nhiệt tình cho 2 hộ vay không lấy lãi 15 triệu đồng, giúp đỡ cây, con giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho 5 hộ trong thôn vươn lên thoát nghèo…
Không chỉ vậy, các hội viên nông dân còn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như: câu lạc bộ (CLB) khuyến nông, CLB nông dân làm kinh tế giỏi, nhóm nông dân cùng sở thích… để chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiêm, tham quan học tập lẫn nhau. CLB khuyến nông thôn Phò Nam A, xã Quảng Thọ đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững từ cây truyền thống cà pháo. Ban Chủ nhiệm CLB khuyến nông Phò Nam A phối hợp với Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Quảng Điền, mời cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất cây cà pháo.
Các hội viên CLB thường xuyên về tận đồng ruộng để chia sẻ những khó khăn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mới cho người dân. Nhờ vậy cây trồng đã rút ngắn tối đa thời gian sinh trưởng, hạn chế sâu bệnh mà còn nâng cao năng suất. Mô hình thâm canh cà pháo trên địa bàn xã đã nhân rộng khoảng 3 ha, bình quân mỗi ha đạt 60 tấn, thu nhập trên 200 triệu đồng. Chi hội nuôi cá nước Ngọt ở Thuỷ Phương, thị xã Hương Thủy có 30 thành viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi cá, giúp nhau về vốn, cùng tín chấp để mua các loại giống, thức ăn và liên kết với nhau đê tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy sản xuất đạt hiệu quả cao, tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi.
Nhiều hộ lãi ròng từ 50-60 triệu đồng/ha cá biệt có hộ lãi 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp hội nông dân còn hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho các hội viên nông dân bằng nhiều hình thức, xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, vay vốn ngân hàng chính sách, nhờ đó, không ít hội viên nông dân đa dạng hoá ngành nghề, từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất tự cung tự cấp, sang sản xuất hàng hoá nâng cao thu nhập. Đến cuối năm 2012, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân đã cho vay gần 10 tỷ đồng, gần 29.000 hộ nông dân vay hơn 437 tỷ đồng từ nguồn ngân hàng chính sách, Ngân hàng đầu tư phát triển nông thôn đã đầu tư hơn 2.014 tỷ đồng cho nông dân phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đời sống hội viên nông dân cải thiện đáng kể, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 1.490 USD/năm. Toàn tỉnh đã có gần 500 trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn, cho thu nhập từ trăm triệu đến cả tỷ đồng...
Ông Phan Tiến Dũng, Phó chủ tịch Hội Nông dân Thừa Thiên - Huế cho biết, đến nay đã có hơn 30.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều gương nông dân đạt danh hiệu “nông dân điển hình tiên tiến”, “nông dân SXKD giỏi”, “nhà nông trẻ xuất sắc”. Có được kết quả đó, ngoài nguồn lực nhà nước hỗ trợ, phải kể đến sự tương thân, tương ái của hội viên nông dân, nhất là những hộ giàu đã biết chia sẻ kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, hội phấn đấu với chính quyền mỗi năm giảm từ 2 - 3% hộ nghèo, tăng 2% hộ nông dân sản xuất giỏi theo tiêu chí mới, vận động nguồn lực để giúp người nghèo mượn vốn tạo mô hình sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm...
Phấn đấu đến 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh còn dưới 5%.
Tường Vi
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam