Thị trường

Nông nghiệp VN nhập khẩu hết trừ...nông dân: Làm sao bớt nghèo?

Ngoài việc nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp, nước ta còn chi tới hàng tỷ USD để nhập thức ăn chăn nuôi, cây-con giống, phân bón...mỗi năm.

Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam chi tới hàng tỷ USD để nhập thức ăn chăn nuôi, cây-con giống, phân bón...mỗi năm.

 

Vì vậy, nói không quá thì ngoài mảnh đất và con người, hầu hết đầu vào của sản xuất nông nghiệp nước ta đều là nhập khẩu!

 

“Anh nông dân của thế giới”

 

Trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta có những biến chuyển thần kỳ, trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực. Thế nhưng, cũng chính vì nền nông nghiệp của chúng ta quá tập trung vào sản lượng, năng suất, mải phát triển theo chiều rộng mà quên đi việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển theo chiều sâu.

 

Vì vậy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chậm lại, lợi nhuận thấp, nông sản ế ẩm, công nghệ sản xuất lạc hậu, thấp kém so với nhiều nước trên thế giới.

 

Một phân tích được TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dẫn ra, trong cấu thành giá bán 5.212 đồng/kg gạo của người nông dân, tổng chi phí sản xuất đã lên tới 4.672 đồng, tức chiếm xấp xỉ 90%.

 

Trong đó, nguồn đầu vào chính để kết cấu giá thành là giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tất cả đều phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Chi phí cơ hội không được tính đến trong giá thành, cho thấy người trồng lúa đang ăn vào mảnh đất, lao động và tiền vốn của chính mình.

 

Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho biết, giá trị sử dụng thuốc BVTV hiện ở mức 20 - 24 nghìn tỷ đồng/năm. Con số thống kê chỉ ra sự phụ thuộc của thuốc BVTV từ nhập khẩu, với mỗi năm phải nhập khẩu từ 0,8 - 1 tỷ USD.

 

Mảng thị phần nhỏ bé còn lại dành cho các DN sản xuất thuốc BVTV trong nước, nhưng nền sản xuất ấy cũng chưa vượt khỏi tầm của một nền “công nghiệp đại lý, kinh doanh thuốc BVTV”, Chủ tịch Trần Quang Hùng nhận định.

 

Hiện cả nước có trên 200 DN thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến thuốc, nhưng gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm phải nhập của nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc.

 

Với phân bón, phân Kali vẫn phải nhập khẩu 100% vì trong nước không tự chủ được nguồn nguyên liệu để sản xuất; phân DAP mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu từ nguồn sản xuất, còn lại phải nhập khẩu. Năm 2014, ước lượng phân bón nhập khẩu đạt gần 3,9 triệu tấn với trị giá trên 1,25 tỷ USD.

 

Chưa hết, riêng 400 nghìn ha lúa lai, hiện nguồn cung giống chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Phần còn lại khoảng 70% phải nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đã gần đạt mốc 1 tỷ USD.

 

Song theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra tới nửa tỷ USD để nhập khẩu giống rau củ quả. Năm 2014, ước tính Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD rau, củ quả, thì cũng phải bỏ ra khoảng 50% số tiền này để nhập khẩu giống. Điều đáng nói, ngay từ những hạt giống rau truyền thống, thân thuộc với người Việt Nam như bầu bí, cà chua, rau cải… cũng phải nhập từ Trung Quốc.

 

Theo TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, sở dĩ chúng ta phải nhập khẩu nhiều hạt giống do chúng ta chưa có khả năng tạo ra các tổ hợp bố mẹ. Đơn cử việc nhập khẩu giống ngô lai, lúa lai, chỉ được sử dụng và phát triển trong vài năm, sau đó sẽ bị thoái hóa và tiếp tục nhập khẩu, như một vòng luẩn quẩn.

 

Nói như GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Di truyền: “Chúng ta sản xuất lúa gạo, cà phê, nhưng phụ thuộc giống, phân bón, thuốc BVTV thì tinh hoa nhất của sản xuất thuộc về người khác, chúng ta chỉ là anh nông dân của thế giới”. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng ngao ngán:

 

Trên thế giới rất khó tìm được quốc gia nào có thể chủ động được mọi công đoạn sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng cũng chưa thấy quốc gia nào đứng trong tốp đầu về xuất khẩu nông sản mà lại phải đi mua vật tư nông nghiệp nhiều như Việt Nam.

 

Nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài từ giống, phân bón, thuốc BVTV, đến thị trường. Nông dân thì chán ruộng, nhiều nơi người dân trả lại đất nông nghiệp cho chính quyền. Trong khi đó thị trường trong nước lại tràn ngập nông sản ngoại nhập.

 

Hàng triệu người dân trong nước đang tiêu thụ hàng trăm tấn rau củ quả có xuất xứ từ nước ngoài (mà chủ yếu là hàng Trung Quốc) mỗi ngày. Nhiều mặt hàng có xuất xứ ngoại, nhưng khi được đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, hệ thống nhà hàng, lại được gắn mác hàng sản xuất trong nước.

 

Lý do là vì theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Bộ NN&PTNT (NAFIQAD), mỗi năm có hàng trăm tấn củ, quả nhập khẩu từ nước ngoài có tồn dư thuốc BVTV vượt quá mức quy định, đã được tiêu thụ tại Việt Nam. Điều này gây ra mối nguy hại lớn cho người tiêu dùng.

 

Làm sao để nông dân hết nghèo?

 

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch vô cùng bức xúc: “Tại sao năng suất sinh học hàng đầu thế giới mà nông dân nước ta vẫn cứ nghèo? Phải chăng chi phí sản xuất chưa hợp lý? Chúng ta ca mãi bài ca được mùa mất giá.

 

Trong tái cấu trúc chúng ta trả lời những vấn đề này bằng giải pháp như thế nào? Tác động thị trường ra sao? Vai trò chính quyền thế nào?... Chính sách về giống và thức ăn ra sao khi DN trong nước chỉ chiếm thị phần thức ăn rất thấp?”

 

Nói về những điểm nghẽn trong nền nông nghiệp của nước ta, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát cho biết đã chỉ đạo xây dựng chiến lược, quy hoạch và hầu hết các lĩnh vực đều có chiến lược đến 2020; từng cây, con đều có quy hoạch và đang lần lượt được rà soát lại.

 

Các chiến lược, quy hoạch đều theo hướng phát huy lợi thế và hội nhập kinh tế quốc tế. “Ý đồ chính trong chủ trương tái cơ cấu là hội nhập sâu sắc hơn và chuyển hẳn sang nền nông nghiệp hàng hóa hội nhập kinh tế quốc tế. Ngay các vùng miền núi, trước đây chỉ khuyến khích nâng cao khả năng tự túc lương thực, thì nay khuyến khích sản xuất hàng hóa để phù hợp với thị trường”, Bộ trưởng nói.

 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong cơ chế thị trường, đất đai giao cho người dân, nên quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng và khuyến cáo cho nhân dân; qua tuyên truyền khuyến khích và thực hiện chính sách để người dân thấy có lợi trong thực hiện quy hoạch.

 

Ông Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và Phát triển nông thôn nhìn nhận, cần phải tái cơ cấu nông nghiệp và coi đây là một trong những khâu đột phá phát triển kinh tế. Để có thể hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, vấn đề là phải thể chế hóa 3 loại tổ chức chính là hộ nông dân, hợp tác xã và DN. Theo ông Sơn: “Đây là bước chuyển đột phá, tăng sức sản xuất lên hàng chục lần”.

 

Để làm được điều này, cần tiến hành song song hai hoạt động, đó là rút lao động nông nghiệp ra khỏi nông thôn, chuyển phần lớn lao động này sang các hoạt động phi nông nghiệp chính thức để có hiệu quả và thu nhập cao hơn; tạo chính sách và thể chế thuận lợi để dễ dàng tích tụ đất đai, mở rộng quy mô sản xuất thông qua mua bán sang nhượng cho thuê.

 

Bên cạnh đó là việc tạo dựng những nông dân chuyên nghiệp và trao cho họ những quyền riêng có để từ đó tạo nên những hộ nông dân sản xuất chuyên nghiệp, tiến lên hiện đại hoá với quy mô lớn, áp dụng cơ giới hoá và khoa học công nghệ tiên tiến. Và khi đủ các tiêu chuẩn cần thiết sẽ cấp chứng chỉ công nhận nhà sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hoá lớn…

 

Cũng theo ông Sơn, cần phải có hệ thống chính sách và giải pháp đột phá, nhằm đảo ngược tình hình hiện nay là phần lớn DN tư nhân và nước ngoài chỉ tập trung đầu tư vào đô thị và công nghiệp dịch vụ, mà không đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Muốn vậy cần hình thành các cụm công nghiệp nông thôn gắn với các vùng chuyên canh nông sản chính, gần với các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản. Đồng thời, phải tiến hành tiêu chuẩn hoá DN thông qua hoạt động của các hiệp hội DN ngành nghề.

 

Cùng với hỗ trợ giải quyết những khó khăn mang tính địa bàn chung như giải phóng mặt bằng, san lấp nền, xử lý chất thải, hỗ trợ về bảo hiểm hoặc bù đắp bằng các thuế phí, ông Sơn cho rằng cần có những chính sách cho vay đầu tư, nhất là đầu tư cho phát triển sản xuất của nông dân liên kết, đầu tư áp dụng khoa học công nghệ.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo