Nông sản bế tắc do lỗi... bên ngoài!
Từ chuyện “mối liên kết 4 nhà” mà có đại biểu nói thẳng là “thất bại hoặc bị lãng quên”, cho đến thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi... Và hơn cả là đời sống, thậm chí là số phận của người nông dân. Không khó để nhận ra đây toàn là vấn đề cũ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Bộ trưởng nói gì cho bà con nông dân?
Bộ trưởng sẽ nói gì với bà con nông dân đang xem chất vấn trực tiếp? - ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát trước hiện trạng “lúa bán xuất khẩu thì giá thấp; khoai, dưa, hành thì không nơi tiêu thụ; con cá, con tôm thì bị kiện bán phá giá”. Câu trả lời đầu tiên của Bộ trưởng Cao Đức Phát là tình hình “cũng không đến nỗi không sáng sủa”.
Ông kể lại là đã liên tục gọi điện cho GĐ các sở NNPTNT. “Cần Thơ nói lúa hè thu được mùa, trái cây được mùa được cả giá. Hậu Giang cho biết trái cây như cam chanh được mùa được giá. Lúa hè thu bình quân 6 tấn, tăng hơn so với bình quân 5 tấn năm ngoái. Tất nhiên bây giờ giá đang thấp”. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, không phải tất cả đều như dưa, hành. Dẫn thống kê giá cả xuất khẩu 5 tháng đầu năm, ông cho biết trong số 10 mặt hàng xuất khẩu (XK), có 5 mặt hàng xuống giá như gạo, caosu, càphê, cá tra. “Tình hình có khác nhau và cần bình tĩnh xử lý” - ông nói trước ống kính truyền hình trực tiếp.
Đối với câu chuyện ế dưa vừa qua, Bộ trưởng Phát nói: “Dưa xuống giá là do khả năng thông quan thấp và Quảng Ngãi chỉ có 100 ngàn tấn thôi”. Trong khi đó, ế thừa hành tím ở Sóc Trăng có nguyên nhân chính là do 70% sản lượng là xuất khẩu và chủ yếu xuất khẩu sang Indonesia trong khi họ có chính sách dừng nhập khẩu từ cuối 2014. “Việc này cần thời gian vì đó là chính sách của một nước. Và về căn cơ, chúng ta cần làm chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn, khả năng cạnh tranh tốt hơn”.
“4 nhà” - thất bại hay bị lãng quên?
Hỏi thẳng về chủ trương liên kết 4 nhà nói tới suốt 10 năm qua nhằm gắn kết giữa sản xuất với nhu cầu tiêu thụ nhưng thực tế “chưa có nhiều thành công”, thậm chí đến nay thất bại hoặc “bị lãng quên”, ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết hỏi Bộ trưởng Cao Đức Phát 4 chữ “giải pháp đột phá”. Bộ trưởng Phát xác nhận tình trạng “liên kết lỏng lẻo” đặt biệt đối với những sản phẩm mà nông dân không nhất thiết phải gắn bó với nhà máy chế biến hoặc là DN tiêu thụ.
Ông cho biết ở ĐBSCL có hơn 100 DN liên kết với nông dân trên diện tích 72.000ha, nhưng chỉ có 45.000ha thành công, còn lại “bỏ cuộc giữa chừng”. Nguyên nhân, theo ông, là vì DN trong nông nghiệp còn ít, trong khi không nhiều DN có năng lực về tài chính, có kho tàng, có cơ sở chế biến. DN cũng gần như không thể khi muốn liên kết trực tiếp với hàng chục ngàn hộ nông dân. Còn về yếu tố đột phá, Bộ trưởng Phát nói tới “sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp”, “nỗ lực thực hiện những giải pháp đồng bộ”.
ĐBQH Đỗ Văn Đương sau đó hỏi ngay nguyên nhân DN, đặc biệt DN FDI đầu tư ít vào nông nghiệp và “giải pháp đột phá” để DN “ào ào đầu tư vào nông nghiệp?”. Câu trả lời của Bộ trưởng Phát tiếp tục là những khó khăn, mà cái khó nhất là đất đai. “Không thể có đất, cũng không thể thu hồi ruộng đất của hàng trăm, hàng nghìn hộ nông dân nhỏ để đưa cho DN làm”. “Hiện các địa phương bắt đầu thử nghiệm và hình thành những chính sách phù hợp. Ví dụ vận động nhân dân thu xếp cho DN thuê lại ruộng đất, chứ bây giờ chúng ta không có quỹ đất trống để giao hàng nghìn hécta” - ông Phát đưa giải pháp.
Tham gia “chia lửa” với Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tốc độ tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn (khoảng 20,1%/năm) cao hơn tốc độ tăng chi bình quân của ngân sách nhà nước (khoảng 16,1%/năm). Tỉ lệ chi cho nông nghiệp, nông thôn trong tổng chi cho ngân sách nhà nước tăng từ 32,8% vào năm 2008 lên 41,3% năm 2013 và năm 2015 là 41,8%, gấp 3 lần so với năm 2008. Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, trong điều kiện ngân sách khó khăn thì chính sách tài chính đối với nông nghiệp, nông thôn là tương đối thỏa đáng.
Nông dân trồng lúa khó mà giàu được
ĐBQH Lê Công Đỉnh hỏi rất nhẹ nhàng là “bao giờ nông dân có thể làm giàu từ sản xuất lúa gạo”. Bộ trưởng Phát dẫn lời “các nhà nghiên cứu” rằng để cho một hộ trồng lúa sống được bằng thu nhập từ lúa phải có diện tích ít nhất là 2ha. Trong khi đó, chúng ta có 4,1 triệu hécta nhưng chúng ta có 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa, như vậy mỗi hộ nông dân trồng lúa chưa đến nửa hécta; ở Thái Bình, Nam Định thậm chí chỉ 0,3ha. “Nói làm giàu rất khó, nhưng sống được và có một nền tảng, chúng ta có rất nhiều cố gắng.
Năng suất lúa của nước ta gấp rưỡi bình quân toàn thế giới. Tôi thấy rằng, cũng còn nhiều dư địa và chúng tôi đang xây dựng một chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo để tiếp tục làm đồng bộ hơn, căn cơ hơn để có hiệu quả cao hơn, nhưng cần phải có thời gian và phải có nguồn lực” - Bộ trưởng Phát trả lời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo