Nữ Phó Giáo sư đầu tiên của Học viện An ninh nhân dân
Đại tá, PGS.TS Vương Thị Kim Oanh (ảnh), Phó Trưởng bộ môn Tâm lý, Học viện ANND là nữ nhà giáo đầu tiên của Học viện ANND được nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2013. Đại tá Oanh chia sẻ rằng, người phụ nữ mang trên vai nhiều thiên chức thì con đường khoa học sẽ mang đến cho họ nhiều khó khăn áp lực hơn nam giới rất nhiều. Nhưng ở người phụ nữ lại tiềm ẩn sự nhẫn nại dẻo dai, nên khó khăn rồi cũng vượt qua, khi mà ở trong trái tim lúc nào cũng căng đầy một tình yêu nghề, say mê khoa học tha thiết. Thành công trong cuộc đời làm nhà giáo, nhà khoa học của Đại tá Vương Thị Kim Oanh có lẽ cũng bắt nguồn từ điều đó.
Đại tá, PGS.TS Vương Thị Kim Oanh đã có 32 năm gắn bó với nghề nhà giáo. Cô tâm sự rằng, đôi lúc thấy mình thật may mắn khi ước mơ được làm cô giáo từ những ngày còn đi học phổ thông đã trở thành hiện thực, mà lại là nhà giáo trong lực lượng CAND thì vinh dự hơn rất nhiều lần. 32 năm đứng trên bục giảng, giảng bài cho biết bao thế hệ học viên của Học viện ANND, Đại tá Vương Thị Kim Oanh gần như chưa bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi, xả hơi. Lúc nào cô cũng thấy mình như còn mắc nợ với bài giảng, với các công trình khoa học và luôn trong tâm thế sẵn sàng vượt qua tất cả mọi khó khăn đang chờ đón. Tâm thế đó phải chăng cũng chính là một bản lĩnh thép mà những năm tháng giảng dạy bộ môn Tâm lý đã giúp cô “rèn giũa, tôi luyện” mà có được. Đại tá Oanh chia sẻ, vấn đề tâm lý nói chung thì có nhiều tài liệu sách vở, nhưng tâm lý trong nghiệp vụ CAND thì có rất ít tài liệu, cô và đồng nghiệp phải vừa giảng dạy, vừa mày mò nghiên cứu.
Nhìn lại quá trình Đại tá Oanh tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, tôi càng khâm phục nghị lực của cô khi đã cố gắng ở mức tối đa để hoàn thành nhiệm vụ là một nhà giáo, nhà khoa học. Đại tá Vương Thị Kim Oanh đã tham gia giảng dạy toàn bộ các chương, bài của các môn Tâm lý học đại cương, Tâm lý học xã hội, Tâm lý nghiệp vụ an ninh và Giáo dục học đại cương cho các loại hình đào tạo hệ đại học của Học viện ANND. Nữ Phó Giáo sư này còn hướng dẫn cho 7 sinh viên nghiên cứu khoa học đạt nhiều giải cấp Học viện; đồng thời hướng dẫn khoa học cho 15 sinh viên các khóa học viết khóa luận tốt nghiệp đại học đạt kết quả khá giỏi. Cô còn hướng dẫn 5 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn nhận bằng thạc sỹ luật học.
Dù bận bịu làm mẹ, làm vợ nhưng các năm, Đại tá Oanh đều đạt vượt mức giờ giảng theo quy định. Cô còn có thành tích 10 năm đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi. Trong nghiên cứu khoa học, Đại tá Vương Thị Kim Oanh còn chủ nhiệm nghiên cứu thành công 1 đề tài khoa học cấp Bộ và 1 đề tài cấp cơ sở; tham gia nghiên cứu 2 đề tài cấp Bộ. Nữ Phó Giáo sư còn biên soạn 3 cuốn sách do Nhà xuất bản CAND phát hành, biên soạn 2 sách chuyên khảo dùng cho đào tạo tiến sĩ do Học viện ANND phát hành; chủ biên và biên soạn công trình giáo dục “Giáo dục học đại cương” và đã công bố 18 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và các kỷ yếu hội thảo khoa học. Đại tá Vương Thị Kim Oanh còn là nữ nhà giáo đầu tiên của Học viện ANND nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2013, cô đã được Bộ Công an tặng Bằng khen.
Nhắc đến những kỷ niệm của ngày đầu bước lên bục giảng, nữ Phó Giáo sư trải lòng: “Với tôi, đó là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời mình. Năm 1982, khi lần đầu tiên lên lớp giảng bài “Sự chú ý” cho Khóa D12. Tên bài giảng là “Sự chú ý”, nhưng vì quá hồi hộp mà tôi quên mất cả việc phải chú ý đến thời gian của tiết học, cũng như chú ý tới các sinh viên ngồi ở dưới lớp. Đến khi có một sinh viên đứng lên xin phép có ý kiến: “Thưa cô, đã hết giờ rồi ạ!”, tôi mới biết mình đã giảng liên tục mà không để ý đến thời gian. Khi đó, tôi mới cho lớp ra chơi, còn mình ngồi trong lớp thở phào nhẹ nhõm và tự trấn tĩnh bản thân”.
Đại tá, PGS.TS Vương Thị Kim Oanh tâm sự, cuộc đời làm nhà giáo đã thú vị nhưng làm một nhà giáo trong lực lượng CAND lại càng thú vị hơn, đã mang đến cho cô nhiều sự trải nghiệm. Đồng nghiệp và học viên của cô, họ còn là những người đồng đội. Môi trường đào tạo trong lực lượng CAND và đặc biệt là Học viện ANND, một nhà trường danh tiếng mẫu mực chính là môi trường để con người được rèn luyện, thử thách và trưởng thành nhanh nhất. Cô luôn thầm cảm ơn những người đồng nghiệp luôn sát cánh cùng cô hoàn thành công việc chuyên môn, cảm ơn những người anh, người thầy đi trước đã luôn khích lệ và tạo cơ hội cho cô và các nhà giáo khác có được môi trường học thuật tốt nhất, như thôi thúc cô và đồng nghiệp không ngừng nâng cao trình độ, không ngừng học hỏi.
Có một điều thú vị là người bạn đời của Đại tá, PGS.TS Vương Thị Kim Oanh là Đại tá, PGS.TS Trần Xuân Ngọ, nguyên Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ cơ sở của Học viện ANND. Sự đồng điệu, đồng cảm của người bạn đời phải chăng cũng là động lực giúp Đại tá Oanh vượt qua nhiều khó khăn để thành công?
Nữ Phó Giáo sư đầu tiên của Học viện ANND còn tâm sự, cô là người phụ nữ luôn trân trọng truyền thống gia đình, coi gia đình là yếu tố đầu tiên và cũng là đích đến cuối cùng của mọi nỗ lực phấn đấu. Khi đã say mê và yêu công việc, nữ Đại tá như có thêm năng lượng để hoàn thành vai trò của một người phụ nữ bận rộn. Và gia đình sẽ mãi là điểm tựa vững bền nhất, nhân văn nhất, ấm áp nhất để sau mỗi giờ lên lớp căng thẳng, người phụ nữ trở về được trân trọng, được làm thiên chức người mẹ, người vợ với hạnh phúc bình dị…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo