Nữ quản giáo có gương mặt 'búng ra sữa'
Phía sau vẻ mảnh mai, nụ cười hiền là tính cách đầy cương trực của nữ quản giáo Bùi Hoài Văn, 31 tuổi.Quê gốc ở Gia Viễn (Ninh Bình) nhưng cô sinh ra và lớn lên ở Cà Mau. Trong khi em gái chọn nghề giáo theo bố mẹ thì Văn thích màu áo cảnh sát ngay từ hồi cấp 2.
Học xong phổ thông, Hoài Văn thi vào Đại học Cảnh sát TP HCM và theo học chuyên ngành Cải tạo phạm nhân. Thời sinh viên, cô đem lòng yêu anh chàng hơn 2 khóa, quê Lâm Đồng. Mối tình đẹp đã đưa 2 người đi đến hôn nhân và Văn từ giã Cà Mau theo chồng về Đà Lạt.
Năm 2007, vừa ra trường cô về làm quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng, phụ trách buồng giam nữ với khoảng 30 - 40 nghi phạm, phạm nhân. Nơi làm việc nằm trên khu đồi mang tên Dã Chiến rộng hàng chục héc-ta.
Việc tiếp xúc, quản lý các nữ phạm nhân ma mãnh đối với nữ cảnh sát mới ra trường là rất khó, đôi lúc sợ hãi. 'Ngày đầu tiên nhận việc, phạm nhân nữ trông khá dữ nói 'mặt búng ra sữa mà coi được tụi này hả', làm tôi hơi lo.
Tuy nhiên điều đó cũng thôi thúc tôi quyết tâm làm việc để chinh phục các phạm nhân', nữ đại úy cười hiền lành. Theo nữ quản giáo, tội phạm nữ cũng phức tạp như nam. Họ cũng từng là tay anh chị, hút chích, mang bệnh xã hội, thậm chí mang án giết người nên khi vào trại sống bất cần đời, xem thường tất cả.
Cũng có những người vì sa cơ lỡ vận, hoặc chỉ tại một phút nông nổi trở thành tội phạm nên phải tìm cách giúp họ hoàn lương. Thời điểm vừa kết thúc kỳ nghỉ sinh con đầu lòng, sau giờ hành chính là Văn tất bật về với con nhỏ.
Đêm một ngày đầu năm 2009, cô điếng người khi nghe tin nữ nghi can trong vụ án ma túy nhảy từ lầu tự tử. Vội giao con cho chồng, cô hối hả đến nhà tạm giam. 'May mà chị ấy không sao. Phụ trách buồng giam nữ nhưng để xảy ra chuyện họ tuyệt vọng tự tử như thế khiến bản thân rất áy náy. Tôi quyết tìm cho ra nguyên nhân để động viên', Văn kể.
Thủ thỉ trò chuyện, nữ quản giáo biết chị này sợ không thoát án tử vì dính vào tội buôn bán ma túy nên định chấm dứt cuộc đời. Vừa cương quyết vừa nhẹ nhàng, nữ quản giáo phân tích cho nghi phạm biết tội trạng của mình đến đâu, có những tình tiết giảm nhẹ nào có thể được xem xét khi tòa định tội.
'Tôi khuyên chị ấy cố gắng chăm sóc bản thân, cải tạo tốt sẽ được về với các con. Rồi chị ấy òa khóc, tôi cũng không cầm được lòng', Hoài Văn nói và cho biết từ đó người phụ nữ đã thay đổi suy nghĩ, sống lạc quan và thường xuyên viết thư về cho gia đình.
'Dù đã chuyển trại nhưng chị ấy và nhiều phạm nhân khác vẫn viết thư, gọi điện thăm hỏi tôi. Những lúc như thế tôi thấy rất hạnh phúc, càng có thêm động lực với nghề', nữ đại úy nói.Đại tá Phạm Đăng Phú - Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng - cho biết, ít quản giáo có được hạnh phúc trong nghề như Đại úy Nguyễn Hoài Văn khi được nhiều phạm nhân đang thụ án coi như bạn.
Nhiều năm làm quản giáo, những phạm nhân do cô phụ trách luôn cải tạo tốt, không có trường hợp trốn trại hay gây rối, ẩu đả lớn. 'Ngoài chuyên môn xuất sắc, Đại úy Văn còn được biết đến với nhiều hoạt động phong trào của ngành, có nhiều sáng kiến và tham gia tích cực nhiều hoạt động, thể hiện người phụ nữ đảm đang trong gia đình', Đại tá Phú nói.
8 năm công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng, Văn đã cảm hóa nhiều nghi phạm, phạm nhân nữ nổi loạn. Cô đạt nhiều danh hiệu, trong đó 2 năm liền là chiến sĩ tiến tiến; 3 năm đạt danh hiệu thi đua cơ sở; nhận 12 giấy khen của công an tỉnh.
Hiện, giữ chức vụ Tham mưu trưởng của trại giam, cô cũng có mặt trong buổi tuyên dương 142 nữ cảnh sát tiêu biểu do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức đầu tháng 7.
End of content
Không có tin nào tiếp theo