Nữ tướng nhà Tân Hiệp Phát: Tôi không được đặc cách
Trần Uyên Phương sinh năm 1981, hiện đang nắm giữ cương vị Phó tổng giám đốc tập đoàn tư nhân có giá trị khổng lồ – Tân Hiệp Phát.
19 tuổi chị bắt đầu chương trình đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Singapore. Trở về Việt Nam, chị được thử thách trong vai trò một nhân viên trong công ty của chính cha mình. Sau hơn một năm, chị được tín nhiệm trở thành Giám đốc Dự án của dòng sản phẩm Number 1, đưa nhãn hàng này trở thành chủ lực và thành công nhất của Tân Hiệp Phát vào thời điểm năm 2005.
Cùng năm này, Uyên Phương được vinh dự làm đại biểu doanh nhân Việt Nam trẻ nhất tham gia Hội nghị Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 16 tại Venezuela. Năm 2011, chị được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Sudan tại TP.HCM.
Trần Uyên Phương đang nỗ lực học hỏi thêm trong kinh doanh để chứng minh quan niệm trọng nam khinh nữ đã lạc hậu rồi .
Một ngày làm việc của Phương bắt đầu lúc 4-5 giờ sáng, kết thúc 11-12 giờ khuya. Chị luôn làm việc hết mình nhằm đưa Tân Hiệp Phát vươn lên lớn mạnh ở thị trường trong nước và thế giới.
Có vẻ chị đang nỗ lực để có thêm được sự tin tưởng của cha mình – ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Bởi theo chị, khi được ba tin tưởng giao việc điều hành công ty thì ít nhất Tân Hiệp Phát phải phát triển gấp đôi hiện nay.
- Tại Tân Hiệp Phát chị đã được gia đình và ba trao quyền và tạo cơ hội thể hiện bản thân như thế nào?
Tôi may mắn được làm việc cùng ba mẹ tại công ty của gia đình, nhưng không phải vì vậy mà tôi được “đặc cách” vào vị trí cao ngay từ đầu.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, về nước tôi bắt đầu công việc thư ký tại công ty. Tôi đã trải qua nhiều vị trí ở nhiều phòng ban để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Sau khi quen với công việc và chứng tỏ được năng lực, tôi mới được gia đình trao cho vị trí cao hơn.
- Chị thường xuyên xuất hiện cùng ba trước giới truyền thông. Liệu đó có phải là cách để chị bảo vệ ông trước sự soi mói của báo chí hay những câu hỏi không tốt cho Tân Hiệp Phát?
Tôi thường xuất hiện cùng ba mình trước giới truyền thông với vai trò là Giám đốc truyền thông của Tân Hiệp Phát. Được sát cánh cùng ba là cơ hội tốt để tôi học hỏi, trải nghiệm, tích lũy nhiều hơn cho kinh nghiệm và vốn sống của mình.
- Nhiều người nói, nếu như chị không có được bệ phóng tốt từ gia đình thì khó có thể làm lãnh đạo được. Bởi lẽ, DN bên ngoài, nam giới làm chủ và ít tạo cơ hội giao quyền cho phụ nữ. Chị nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ quan niệm trọng nam khinh nữ đã lạc hậu rồi. Ngày nay, nữ giới giữ quyền điều hành công ty không còn hiếm nữa. Họ không chỉ lãnh đạo mà còn gặt hái được rất nhiều thành tựu trong việc dẫn đắt công ty đi đến thành công. Tại Tân Hiệp Phát, tôi cũng như bao người khác, không ngừng phấn đấu, thể hiện năng lực mới được giao cho trọng trách như hôm nay.
- Chị từng chia sẻ, khi được ba tin tưởng giao việc điều hành công ty thì ít nhất Tân Hiệp Phát phải phát triển gấp đôi hiện nay. Vậy chị có kế hoạch bảo vệ vị thế của Tân Hiệp Phát như thế nào trước đối thủ trong thời gian tới?
Với mục tiêu mở rộng sản xuất bằng việc xây dựng nhà máy ở Hà Nam và Chu Lai, cuối năm 2013 THP đã khởi công xây dựng thêm nhà máy nước giải khát tại Hậu Giang. Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát đang ấp ủ nhiều dự án cải tiến trong hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến hệ thống bán hàng, cải tiến bộ máy kinh doanh, củng cố phương pháp làm việc cũng như định hướng làm việc theo chính sách mới của công ty, tái cấu trúc nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, không ngừng đào tạo và xây dựng năng lực cho nhân viên. Trong thời gian tới, công ty sẽ có nhiều sự đổi mới, tập trung phục vụ khách hàng những sản phẩm phù hợp nhu cầu, có chất lượng với dịch vụ tốt.
Tân Hiệp Phát luôn lấy lợi ích của khách hàng và cộng đồng làm nền tảng cho mục tiêu phát triển bền vững. Mới đây Tân Hiệp Phát cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với tập đoàn AJE – tập đoàn nước giải khát đa quốc gia nhằm phát triển sản phẩm của Tân Hiệp Phát ở thị trường trong và ngoài nước.
Tân Hiệp Phát sẽ không ngừng nổ lực để luôn xứng đáng với sự tin yêu của người tiêu dùng, xứng đáng với một Thương hiệu Quốc gia, đồng thời để vươn xa hơn nữa với hoài bão trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu châu Á ở lĩnh vực nước giải khát, bao bì và thực phẩm ăn liền.
- Theo chị đến thời điểm nào thì ba chị mới lui về hậu trường nhường hẳn việc điều hành kinh doanh cho con cái?
Ba tôi từng nói: “60 chưa phải là già”. 60 tuổi là độ tuổi chín muồi của đời người trong sự minh mẫn, trải nghiệm với vốn sống phong phú. Quan trọng vẫn là giữ người tài. Tân Hiệp Phát tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm của ông là tài sản đáng quý cho Tân Hiệp Phát.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao