Tin tức - Sự kiện

Nước giải khát: Thật, giả lẫn lộn

Nhiều chủng loại và mẫu mã nước giải khát khác nhau cũng là bài toán khó với người tiêu dùng trong việc lựa chọn vì thật giả lẫn lộn.

Trên thị trường những năm gần đây, ngoài các loại nước ngọt có ga của nhiều công ty liên doanh trong và ngoài nước như: Tân Hiệp Phát, Cocacola, Pepsi... thì các sản phẩm nước ngọt đóng chai do tư nhân sản xuất và không rõ xuất xứ cũng tràn ngập mọi nơi.

 

Vào bất cứ một quán nước hay gánh hàng rong, xe đẩy vỉa hè, khách hàng có thể dễ dàng gọi cho mình một chai nước trà xanh, cam ép, chanh, táo, sâm hay sữa đậu nành...

 

Thông thường, người dân cứ vào quán là ào ào uống cho thoả cơn khát, chứ ít ai để ý xem chai nước có nguồn gốc từ đâu, thật giả thế nào và chất lượng ra sao. Tuy nhiên, cũng có những người kỹ tính, xăm soi chai nước.

 

Song, nếu dựa vào mẫu mã để phân biệt hàng thật, hàng giả rất khó, bởi ngày nay, công nghệ làm giả tem nhãn mác đã đạt tới độ siêu đẳng. Còn dựa vào chất lượng, hương vị thì không phải ai cũng đủ tinh để nhận ra, vì nước ngọt rởm cũng ngọt, có ga và ngon, mát lạnh khi cho đá vào.

 

Các thương hiệu nước ngọt nổi tiếng trên thị trường như Cocacola, Pepsi, Sprite, 7up, Fanta... dễ bị làm nhái. Ông Lê Mạc Linh, cựu Giám đốc kinh doanh miền Bắc của Pepsico, cho biết: Để phân biệt hàng thật và hàng giả, về hình thức thì cần dựa vào 2 điểm: vỏ chai, lon và nắp chai.

 

Theo ông Lê Hồng Sanh, Giám đốc marketting thuộc Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn, ngoài cách phân biệt trên, thì về chất lượng, những người sành uống có thể phát hiện dựa vào mùi vị, độ tạo bọt của bia, độ ngọt đắng khi mở nắp chai bia trong một vài tiếng.

 

Hiện, nước uống tinh khiết là mặt hàng được làm giả nhiều nhất. Theo một con số thống kê chưa thật đầy đủ, trên thị trường Hà Nội có khoảng gần 100 cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai.

 

Điều lạ là chỉ có độ dăm bảy nhãn hiệu của Việt Nam, còn lại đều mang tên nước ngoài hoặc phiên âm na ná các nhãn hiệu quen thuộc, như: Five Star, Santa, Sawa, Standard, Juli, Oky, Vitel... Bên cạnh đó, những thương hiệu nước uống tinh khiết uy tín như Lavie, Aquafina hay nước khoáng Kim Bôi cũng bị làm giả rất nhiều, từ chai 500ml, 1,5lit cho tới loại bình 5lit, 20lit...

 

Theo quy định của Pháp lệnh chất lượng hàng hoá ban hành ngày 1/1/2001, doanh nghiệp sản xuất hàng hoá tự công bố chất lượng trên bao bì sản phẩm, chỉ cần thông báo chỉ tiêu và chịu trách nhiệm về việc công bố với cơ quan quản lý.

 

Lợi dụng điều này nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước giải khát đã tuỳ tiện quảng cáo sản phẩm của mình nào là chất lượng "hảo hạng", tiêu chuẩn Mỹ, Châu Âu, Nhật ....nhưng thực tế chất lượng cũng như an toàn vệ sinh của những mặt hàng này không ai quản lý.

 

Vì vậy, sức khỏe con người là trên hết, người tiêu dùng cần phải cẩn thận và thông minh khi lựa chọn đồ uống cho mình và gia đình.

 

 

Theo ĐVO

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo