Ồ ạt nhập khẩu thủy sản
Trong 8 tháng đầu năm 2014, giá trị nhập khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam lên đến 720 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái
Được đánh giá là quốc gia có nguồn lợi thủy hải sản lớn và là “cường quốc” xuất khẩu thủy sản nhưng tại sao các doanh nghiệp (DN) lại gia tăng nhập khẩu?
Nhập để xuất
Giải thích nghịch lý trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng việc nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản đã có từ lâu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng nhập khẩu của các DN tăng cao, chủ yếu là nhập nguyên liệu về gia công, chế biến để xuất khẩu do nhu cầu thủy hải sản thế giới tăng trở lại.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước 8 tháng đầu năm đạt 4,95 tỉ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ là thị trường dẫn đầu, chiếm 22,8% tổng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, doanh số gia công của các DN thủy sản trong nước từ đầu năm đến nay cũng tăng khá.
“Việc nhập khẩu tăng cao nguyên nhân do một số quốc gia thay vì đặt gia công ở Trung Quốc như trước đây nay chuyển sang Việt Nam. Chưa kể do ảnh hưởng thời vụ, các DN phải nhập khẩu để chủ động nguồn nguyên liệu, chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu vào thời điểm cuối năm. Một lý do khác là nhiều DN, nhà hàng, quán ăn gia tăng nhập khẩu các loại cá ngừ, cá tuyết, cá hồi… để phục vụ người tiêu dùng trong nước” - ông Hòe phân tích.
Đại diện Công ty CP Sài Gòn Food cho biết DN này nhập khẩu gần như 100% nguyên liệu thủy hải sản, chủ yếu là tôm, cá các loại để gia công xuất khẩu, một phần nhỏ tiêu thụ nội địa. Trong năm 2014, Sài Gòn Food đã đưa thêm một nhà máy chế biến công suất gần 2.000 tấn/năm vào hoạt động, nâng tổng công suất 3 nhà máy lên gần 7.000 tấn/năm nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng ít nhất 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thiếu nguyên liệu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện thị trường chính cung cấp nguồn nguyên liệu thủy hải sản cho Việt Nam là Ấn Độ (chiếm 33,5%) và Đài Loan (chiếm gần 7%), còn Trung Quốc ở vị trí thứ 8 với chỉ 3,1%. Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), cho biết nguồn nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu là cá các loại mà trong nước không có hoặc có rất ít như cá ngừ, cá saba, cá thu Nhật… nhưng nhiều nhất vẫn là tôm.
“Thời gian qua, tôm nguyên liệu trong nước thiếu hụt vì mất mùa, có thời điểm giá tôm trong nước cao hơn tôm của Ấn Độ từ 1-2 USD/kg nên để bảo đảm thời gian giao hàng cho đối tác cũng như tính hiệu quả trong kinh doanh, các DN buộc phải nhập khẩu nguyên liệu” - ông Kịch nói.
Lãnh đạo một DN xuất khẩu thủy sản khác cũng nêu nguyên nhân khiến giá tôm trong nước tăng cao buộc DN phải nhập khẩu là do tình trạng thương lái thu gom tôm bằng mọi giá, sẵn sàng mua cao hơn giá DN trong nước để bán sang Trung Quốc.
Ngoài ra, theo ông Kịch, năng lực sản xuất, chế biến của các nhà máy trong nước còn rất lớn, họ không thể chỉ sản xuất theo mùa rồi ngừng khi nguyên liệu trong nước thiếu hụt. Nhập khẩu để ổn định nguồn nguyên liệu vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa tạo công việc cho công nhân là cần thiết.
“Thời gian tới, giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy hải sản cho chế biến xuất khẩu của DN Việt Nam có thể lên đến vài trăm triệu USD/năm khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Lúc đó, thuế nhập khẩu xuống thấp hoặc bằng 0% sẽ là cơ hội cho các DN cũng như người tiêu dùng mua được nhiều loại thủy hải sản giá tốt” - ông Nguyễn Văn Kịch dự báo.
Trong khi đó, đại diện của VASEP cho rằng đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành nuôi trồng thủy hải sản trong nước vốn đang phát triển thiếu bền vững.
Điều chỉnh quy hoạch nuôi và khai thácÔng Trương Đình Hòe thừa nhận thời gian qua, nguồn lợi thủy hải sản từ biển của Việt Nam đã ít dần trong khi nhu cầu sử dụng nguyên liệu để chế biến xuất khẩu của các DN ngày càng tăng. Trước thực trạng trên, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết thời gian tới, ngành thủy sản sẽ ưu tiên rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi, tiêu thụ với 5 đối tượng chủ lực là: cá tra, tôm nước lợ, tôm hùm, cá rô phi, nhuyễn thể. Đặc biệt, sẽ điều chỉnh quy hoạch khai thác gồm: số lượng tàu thuyền theo nghề, vùng biển; hệ thống cảng cá, khu neo đậu; hệ thống sửa chữa, đóng mới tàu cá...Để tăng hiệu quả khai thác nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ đánh giá lại nguồn lợi hải sản, hiện đại hóa tàu cá, nâng cao năng lực đăng ký, đăng kiểm cũng như đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng...
NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo