Obama: Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại châu Âu vì Nga gây hấn
"Chúng ta đang đầu tư vào lĩnh vực quân sự nằm giúp quân đội ngăn chặn được các hành động xâm lược, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh khác. Theo đó, chúng ta đang gia tăng hiện diện tại châu Âu để trấn an các nước đồng minh NATO trước việc Nga gia tăng các hành động gây hấn", Tổng thống Obama phát biểu tại một cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter hôm 05/4.
Tư lệnh Không quân Mỹ, tướng Frank Gorenc, cho biết việc chính phủ Mỹ gia tăng các quỹ Sáng kiến Trấn an châu Âu trong năm tài khóa 2017 để phát triển các sân bay tại Đông Âu sẽ giúp NATO có thể củng cố sự hiện diện tại đây.
Theo Sputnik, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã gia tăng lo ngại về những gì mà họ coi là hành động xâm lược của Nga.
Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc xâm lược và coi những nỗ lực nhằm mô tả Nga như một kẻ thù là điều không thể chấp nhận được. Ngoài ra, Matx-cơ-va cũng từng cảnh báo rằng, việc Mỹ và NATO điều nhiều trang thiết bị quân sự cũng như binh lính tới biên giới Nga là hành động khiêu khích và đi ngược lại các thỏa thuận đạt được trước đây, đồng thời có thể gây mất ổn định khu vực và toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 05/4 chuyên gia phân tích chính trị Bogdan Bezpalko, thành viên Ủy ban các vấn đề quan hệ quốc tế trực thuộc Tổng thống Nga phát biểu với Sputnik rằng, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Âu nhằm theo đuổi ba mục tiêu: tăng cường sự kiểm soát đối với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và các nước Đông Âu nói riêng, nhất là các quốc gia có đường biên giới với Nga; thực hiện các nỗ lực buộc các nước châu Âu chi ra nhiều tiền hơn để duy trì các bộ máy quân sự của NATO; tăng cường vai trò trong NATO của các nước Đông Âu vì các nước này sẽ là đối trọng thực sự với các nước Tây Âu khi luôn muốn cố gắng bảo vệ các lợi ích riêng của mình.
Tuy nhiên, chuyên gia Bogdan Bezpalko cho rằng, Nga có đủ tiềm lực để có thể đáp trả cả Mỹ và NATO. Nga đã ngừng thực hiện Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công thông thường ở châu Âu và đang tích cực củng cố khả năng phòng thủ của mình.
Thế giới vẫn luôn thay đổi và không phải Mỹ sẽ luôn luôn thực hiện các chính sách hòa bình. Nga có đủ khả năng để bảo vệ các lợi ích của mình, bảo vệ đất nước mình, bảo vệ con đường phát triển của riêng mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo