Ốc đảo chẳng nên thơ và những ước mơ buồn của xóm "chị Dậu"
Xóm 3 xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, là ốc đảo giữa sông Hồng. Gần hai chục gia đình bị bao quanh bởi sóng nước, chỉ kết nối với bên ngoài thông qua con thuyền duy nhất, rộng chưa đến 8m2. Bao hệ luỵ kéo theo từ đó...
“Đường mòn” trên sông
Gọi đây là “đường mòn” bởi quả thực đó là lối đi quen thuộc hàng ngày của bà con xóm 3, từ đi học, đi họp, đi làm, đi chợ mỗi ngày, thậm chí là khi có ma chay, cưới xin... người dân trong xóm đều phải đi thuyền qua sông. 200 mét lòng sông Cửu An đã cắt nguyên một dẻo đất của xã Minh Đức, tách xóm 3 khỏi làng, biến nó trở thành “xóm đảo Tiền Giang”, như cách người dân khu vực vẫn gọi.
Trước kia, nhà nhà tự chèo thuyền nan qua sông. Nhưng rồi tai nạn bất ngờ xảy ra vào năm 2008. Một cô bé sang làng dự sinh nhật bạn mãi không về... Người mẹ hốt hoảng gọi mọi người đi tìm khắp nơi. Rồi người ta phát hiện ra thuyền của cô bé bị lật úp giữa dòng Cửu An cô tịch...
Cùng thời điểm ấy, tivi liên tục đưa tin về các vụ tai nạn chìm đò (ở Quảng Bình, Sóc Trăng...) khiến cả xóm đảo xôn xao. Chính quyền xã Minh Đức quyết tâm đầu tư cho bà con "xóm Tiền Giang" chiếc thuyền máy, trị giá 60 triệu đồng. Nhờ vậy, dăm năm trở lại đây, người trong xóm được hai “ông lái đò” nhiệt tình đưa qua lại mặt sông, không phải hì hụi chèo đò giữa sóng nước mênh mông nữa.
Hai “ông lái đò” của xóm thay nhau trực ở bến, hễ có khách là lại tất tưởi nổ máy, đưa người qua sông. Không quản là đông khách hay thưa, 1 người hay 5, 7 người, “nhà đò” vẫn cần mẫn phục vụ nhiệt tình, bởi “trong xóm còn mấy mươi người, cũng như người nhà mình cả”, ông Phạm Đình Tốt, một trong hai người lái đò của xóm xuề xòa.
Tính đến nay ông Tốt đã có 26 năm gắn với công việc lái thuyền đưa người dân qua lại ngã ba sông này. Ông chia sẻ: “Hôm nay may mắn là thời tiết tốt, trời không mưa gió, lòng sông cũng không có bèo nên qua sông mới nhanh vậy đấy. Chứ có hôm bèo ngập kín mặt sông, chân vịt bị cuốn đầy bèo không quay được, thuyền không tài nào chạy nổi...”. Bất giác tôi ngó đồng hồ, chờ thuyền, qua sông “nhanh vậy” là gần 10 phút.
Hỏi chuyện học trò qua sông, mọi người đều xa xót: vào mùa nước cạn, các học sinh cấp một cũng phải tự mình ngấp ngửa lội bùn ra thuyền. Cả xóm hiện có gần 20 học sinh từ cấp một cho đến cấp ba.
“Mỗi ngày trở qua trở lại mặt sông đến 4, 5 lượt vì học cả ngày... Thậm chí tôi làm lái đò mà có hôm cũng phải chịu, không sang bên làng đón con đi học về được vì trời mưa bão”, ông Tốt đưa mắt nhìn về bến đò bên làng, giọng đầy bất lực. “Rồi thì hiếu, hỉ đều phải qua lại quãng sông này hết. Đám cưới chả được lãng mạn “thuyền hoa” như người ta nói; đám ma lại càng khốn khổ, buồn bã hơn. Cứ phải chia nhau ra mà qua sông, chờ đợi, nhịn nhường”.
Xóm “chị Dậu”
Từ những năm 60, thời miền Bắc mới giải phóng, các cụ bám ruộng nên quyết định qua sông. Nhánh sông Cửu An ngày ấy mới chỉ là một con rạch nhỏ, mãi vài năm sau mới được đào rộng ra để phục vụ công trình thủy lợi Bắc – Hưng – Hải. Một phần ba dân xóm 3 lúc mới dựng xóm là người trong làng, hai phần ba còn lại là dân ngụ cư tứ xứ dạt về. Cái nghèo đã bám lấy khu xóm nhỏ từ ngày ấy.
Đất trong xóm có một phần lớn là đất từ lòng sông đắp lên, chua nhiều, cấy cày không thuận. Có trồng được chút rau dưa lại bởi cách trở đò, sông mà bị ép giá. Cùng là trồng dưa hấu, nhưng nếu bên làng bán được giá 8 nghìn đồng/1 kg, thì bên xóm thương lái chỉ trả 6 nghìn đồng/1 kg, bởi họ biết do đi lại khó khăn, người dân trong xóm khó mà đem dưa đi bán được.
Cũng vì kinh tế khó khăn mà thanh niên trong xóm đều sớm bỏ học, đi làm công ty để bớt gánh nặng cho gia đình.
Theo ông trưởng xóm Nguyễn Thanh Tùng, xóm đảo có rất ít cháu theo học được đến cấp 3, hoặc có học rồi cũng lại bỏ giữa chừng. “Đi lại khó khăn, xóm đảo lại nghèo, các cháu đi học không có động lực, thường bỏ học đi làm sớm. Ngay như thằng con trai út nhà tôi, học lên cấp 3 là nó xin ở trọ gần trường, ngày hai buổi đi đò không chịu nổi".
Nhắc đến những cảnh bi hài mà người dân phải đối mặt hàng ngày, ông Tùng không khỏi chua chát: Xóm 3 côi cút ở cuối đường điện, điện áp chập chờn, cả xóm phải “nấu cơm trưa lúc 8 giờ sáng, nấu cơm tối lúc 3 giờ chiều để tránh “giờ cao điểm”, ấy vậy mà nhiều khi cơm vẫn trương nước, sống sượng không ăn nổi. Chỉ cần 1-2 nhà dùng ổn áp là cả xóm coi như không còn điện sử dụng nữa. Những đêm xóm không có điện thì chả khác gì cái thời chị Dậu tăm tối, mịt mờ”.
Cả xóm có hơn 30 hộ, giờ chỉ còn gần hai chục nóc nhà. Men theo con đường chạy dọc xóm, núp sau những đống gạch, lùm cây là gần chục ngôi nhà bị bỏ hoang trơ trọi. Có ngôi nhà cửa khóa im ỉm, dù màu sơn còn mới. Cũng có nhà đã hoàn thiện phần xây thô, nhưng không buồn trát xi măng, để mặc cho cỏ dại, địa y xâm chiếm. Xác định rõ “cứ ở đất này thì mãi mãi không thể khá lên được”, nhiều gia đình đã quyết tâm khăn gói ra đi, mang theo hy vọng được “phất” lên cho con cháu đỡ khổ sau này.
Còn rớt lại tại xóm đảo, mỗi gia đình là một miếng ghép trong bức tranh lam lũ. Thấy có bác gái cả buổi chỉ ngồi cửa nhà thờ thẫn, chúng tôi tiến lại chuyện trò thì mới biết, đó là gia đình bà Sơn, một điển hình cho cái khốn cùng ở "xóm đảo Tiền Giang".
Giọng nói run run, nghèn ngẹn, bà Sơn than thở chuyện đời mình: Tôi vốn ở bên làng, về làm dâu xóm đảo đã ngót 40 năm. Hai vợ chồng làm việc quần quật cũng chỉ vừa đủ miệng ăn, chưa khi nào có được một đồng dư dật...
Chuỗi bất hạnh của người phụ nữ nghèo bắt đầu, khi người chồng bị tai biến não, cả chục năm nay chỉ nằm liệt một chỗ ú ớ không nên câu. Bản thân bà Sơn mấy năm gần đây lại phát bệnh tim, dù được phẫu thuật miễn phí hai lần rồi, nhưng sức khỏe đã gần như kiệt quệ. Chúng tôi nghẹn lời không thốt thành tiếng khi bà đưa đôi bàn tay rộc rạc lên che miệng, nức nở: “Thằng con trai út của tôi, cháu học đại học hàng hải đấy. Mới tháng trước, người ta bảo tàu của nó gặp bão, nó bị ngã đập đầu vào thành tàu rồi... rơi xuống biển... Con tôi không bao giờ về nữa rồi các cô ơi...”. Bà khóc, tiếng rưng rức bật ra giữa vành môi cắn chặt.
Chúng tôi cũng ngồi thẫn thờ giữa cổng nhà người đàn bà ấy. Trời vào trưa, trừ tiếng thuyền máy thi thoảng vẳng lại xa gần, còn lại tịnh không một âm thanh khuấy động.
“Con kiến mà leo cành đa...”
Cuộc sống của người dân xóm đảo cứ lặng lờ, dường như chẳng có điều gì chờ đợi họ ở phía trước. Ông Tùng phân trần: “Ai chả muốn bỏ xứ này mà đi nhưng vốn liếng không có, đất ở xóm này thì bán không ai mua, cho không ai lấy. Xóm bây giờ chỉ còn toàn người già với trẻ con. Thế hệ chúng tôi cứ như con kiến leo cành đa, cả đời rồi sẽ chết ở đây thôi”.
Xóm quá nhỏ, chỉ khoảng 20 hộ dân, mà làm cầu thì cần quá nhiều tiền, nên chuyện xây cầu bắc qua xóm đảo mãi chỉ là giấc mơ không có thật. Không có cầu, người dân chỉ nuôi ước mong được trở về làng, được cấp cho mảnh đất, dù chỉ đủ dựng lấy túp lều để có chỗ chui ra chui vào tránh nắng mưa cũng cam lòng. Nhưng mong ước ấy cũng xa vời lắm. Thế rồi, mong ngóng được về làng cũng không xong, bế tắc, người dân ở đây "hạ cấp" quay ra ngóng con thuyền...
“Mong được xã đầu tư cho một con thuyền lớn hơn chút nữa, máy khỏe hơn để việc qua lại bến sông của bà con đỡ vất vả...”, ông Vũ Đình Thư, người lái đò còn lại chia sẻ. Chi phí sắm một con thuyền, chắc chắn không phải là quá lớn, nhưng cũng chưa biết khi nào thành hiện thực...
Mặt trời đứng bóng, vài người lầm lũi bước lên thuyền, cúi mặt nhìn nước sông. Không ai nói thêm điều gì, chỉ còn tiếng máy “xình xịch” lan tỏa trong không gian, dộng vào lồng ngực của những vị khách đi đò. Đau nhức!
Theo An ninh thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo