Thị trường

Ông Bùi Kiến Thành: Còn ma trận sở hữu chéo, không thể tái cấu trúc kinh tế

"Nhà nước muốn các tập đoàn kinh tế giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế trong khi chúng đang dẫn nền kinh tế xuống đáy mà vẫn để yên thì rất phi lý. Phải kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi ngân hàng thương mại và các lĩnh vực đầu tư không đúng chức năng, chấm dứt việc lợi dụng mục tiêu công ích để chèn ép doanh nghiệp tư nhân" - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

PV: Nhiều chuyên gia kinh tế tài chính nhận xét: bài toán ma trận này rất khó giải, như mớ bòng bong không biết phải lần từ mối nào, rút một sợi dây thì động đến cả rừng. Theo ông, để giải bài toán ma trận sở hữu chéo, Việt Nam phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?

 
Ông Bùi Kiến Thành: - Việt Nam đã để ma trận sở hữu chéo đi quá mức kiểm soát. Cơn bệnh đã nặng tới mức nếu cho uống thuốc gì cũng đều dẫn tới tử vong. 
 
Thế nhưng, chủ trương của Chính phủ lại không để bất cứ một ngân hàng nào phá sản, dù cho họ có làm ăn bết bát, sai luật, nợ xấu tới 50-60%.
 
Để thực hiện chủ trương đó, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Công ty mua bán nợ xấu VAMC với giãn thời gian xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong vòng 5 năm, làm sạch báo cáo tài chính để các ngân hàng này tiếp tục hoạt động. Tuy vậy, các ngân hàng thương mại cũng không mặn mà gì với việc bán nợ xấu, vì sao?
 
Ở đây có hai nguyên nhân. Thứ nhất, nếu bán nợ xấu cho Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại sẽ mất mát một số lượng lớn tín dụng. Ví dụ, nếu ngân hàng có 50.000 tỷ đồng tổng tín dụng, trong đó có 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu bán số đó đi, báo cáo tài chính của ngân hàng sẽ sạch nhưng mỗi năm ngân hàng phải tìm được 4.000 tỷ đồng để mua lại nợ xấu, bằng cách nào không rõ.
 
Chưa kể, theo Thông tư 20/2013/TT-NHNN quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC, mức tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng không vượt quá 70% so với mệnh giá trái phiếu đặc biệt, nghĩa là tổ chức tín dụng bán nợ xấu dù theo đúng giá trị ghi sổ nhưng chỉ nhận về tối đa 70% giá trị đó, đồng thời vẫn phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro 20% giá trị nợ xấu trong vòng 5 năm.
 
Trong khi, các ngân hàng thương mại này cho rằng, nợ của họ xấu nhưng chưa đến nỗi xấu hẳn, có nghĩa là số tài sản thế chấp nếu tiến hành giải chấp thì có thể thu hồi lại được nhiều tiền hơn nếu bán nợ cho Ngân hàng Nhà nước.
 
Trên thực tế, việc giải chấp phải thông qua Tòa án, chưa kể có muốn bán tài sản thế chấp cũng không dễ trong điều kiện kinh tế như hiện nay nhưng các ngân hàng thương mại dạng này không chịu thua thiệt mà bám vào hi vọng giải chấp tài sản thế chấp đó.
 
Nguyên nhân thứ hai, xem ra phổ biến hơn là khi bán nợ xấu, các ngân hàng thương mại buộc phải để Ngân hàng Nhà nước vào thanh tra, kiểm tra nợ xấu đó từ đâu, cho đối tượng nào vay.
 
Với loại nợ xấu do sở hữu chéo như đã phân tích (xem thêm bài 1 – PV), nghĩa là chủ yếu là cho thành viên hội đồng quản trị ngân hàng vay, để Ngân hàng Nhà nước vào đồng nghĩa với việc “lạy ông tôi ở bụi này”, rằng ngân hàng cũng là anh mà con nợ cũng là anh. 
 
Khi mà mọi vấn đề được minh bạch, các thành viên tham gia vào ma trận sở hữu chéo sẽ phải đối mặt với việc vi phạm hàng loạt quy định về hoạt động ngân hàng, phải chịu trách nhiệm từ dân sự tới hình sự.
 
Có thể thấy, các ngân hàng thương mại yếu kém đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu cứ duy trì tình trạng này thì sớm hay muộn cũng sẽ gây đổ vỡ dây chuyền, không chỉ họ phá sản mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tài chính cũng như toàn nền kinh tế. Nếu bán nợ xấu, sẽ phanh phui ra nhiều chuyện trái pháp luật. 
 
Tới thời điểm này, dường như, các vị lãnh đạo ngân hàng thương mại vẫn đang tin rằng họ sẽ có giải pháp cho tình trạng này. Có vẻ họ đặt niềm tin vào sự phục hồi trong nay mai của bất động sản Việt Nam hay chuyện lobby chính sách để hỗ trợ thị trường. Trên thực tế, họ cũng đã đạt được một số giải pháp nhưng đều không mang lại hiệu quả gì đáng kể.
 
PV: - Các ngân hàng thương mại vì những tính toán của mình vẫn đang kiên trì duy trì tình trạng hiện tại. Tuy nhiên, giữ vai trò quản lý, Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp như thế nào để tránh được sự lung lay được báo trước của toàn hệ thống ngân hàng, thưa ông? Liệu có giải pháp nào gỡ ma trận sở hữu chéo ở Việt Nam hiện tại?
 
Ông Bùi Kiến Thành: - Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra một quyết sách rõ ràng và áp dụng cho được. Dù cho các ngân hàng thương mại muốn che giấu nợ xấu thì Ngân hàng Nhà nước nếu không tự che mắt mình cũng có thể chỉ rõ tình hình tài chính của các ngân hàng này. 
 
Khi đó, để thực hiện mục tiêu không để ngân hàng thương mại nào đổ vỡ vì quyền lợi của người gửi tiền (chứ không phải vì lợi ích nhóm bảo kê cho các ngân hàng thương mại yếu kém) thì Ngân hàng Nhà nước phải công khai chịu trách nhiệm trả tiền cho người gửi tiền và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề dựa trên nguyên tắc tiên quyết đó.
 
Thứ nhất, trong vấn đề mua bán nợ xấu, các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém, có số nợ xấu đến mức gây nguy hiểm cho hệ thống phải bị “cách ly”, chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ vay dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
 
Dù phải bán hết tài sản để bảo toàn tiền gửi cho người dân thì ngân hàng thương mại cũng buộc phải chấp nhận để chịu trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh yếu kém của mình.
 
Thứ hai, buộc những người lợi dụng danh nghĩa cổ đông đi vay ngân hàng phải trả nợ, bán hết tài sản cá nhân để trả nợ được đến đâu tốt đến đấy. Phải làm sao cứu được ngân hàng, cấu trúc ngân hàng sao cho hoạt động tốt chứ không bao che cho những người lợi dụng ma trận sở hữu chéo, làm phương hại tới sự an toàn của ngân hàng thương mại nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.
 
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy trách nhiệm dân sự về vấn đề quản lý ngân hàng và trách nhiệm hình sự về việc làm sai quy định nhà nước, gây ra hệ quả nghiêm trọng, trong hoạt động ngân hàng đối với những vị lãnh đạo các ngân hàng thương mại nói trên. 
 
Theo thông lệ quốc tế, lãnh đạo ngân hàng đưa ra quyết định sai phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong trường hợp đã nghiên cứu kỹ, do năng lực hạn chế và hoàn cảnh khách quan, vị lãnh đạo đó có thể không bị truy cứu trách nhiệm.
 
Trong trường hợp cố ý làm sai, lãnh đạo ngân hàng thương mại phải lãnh trách nhiệm vô giới hạn. Họ phải thương thảo mang tài sản riêng ra đền bù thiệt hại do những việc làm sai của mình. Nếu không, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vị lãnh đạo này. Các nước khác vẫn làm như vậy, chỉ có Việt Nam là không.
 
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải có quyết tâm và nhất định phải chọn được người có năng lực để làm cho đúng và triệt để những việc phải làm. Bằng không, khi hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ, cả nền kinh tế sẽ bị ngưng trệ. 
 
PV: - Câu hỏi cuối cùng, nếu vẫn tồn tại ma trận sở hữu chéo, việc tái cấu trúc nền kinh tế có thể thực hiện được không và vì sao, thưa ông?
 
Ông Bùi Kiến Thành: - Không thể tái cơ cấu được. Để tái cơ cấu là trong một nền kinh tế thị trường, tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi ngân hàng đang lún vào nợ xấu không rút ra được, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn thì để nền kinh tế cầm cự được đã khó, chứ không nói đến tái cơ cấu nền kinh tế.  
 
Đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất của việc đóng băng tín dụng chính là các doanh nghiệp tư nhân. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2013, đã có 39.400 doanh nghiệp phá sản.
 
Nếu chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp. Nếu không cải thiện hệ thống tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn, sự đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
 
Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lại là một câu chuyện khác. Trước đây, Nhà nước muốn có quyền chủ động trong quản lý kinh tế nên cho thành lập Tập đoàn Nhà nước, với mục đích phục vụ công ích, vì lợi ích của cộng đồng chứ không phải kinh doanh lấy lãi.
 
Vì thế, Chính phủ chỉ định các ngân hàng cấp cho doanh nghiệp nhà nước những khoản vay ưu đãi, thậm chí kinh doanh thua lỗ còn được khoanh nợ, giãn nợ, rồi xóa nợ.
 
Thực tế hiện nay hoàn toàn khác. Doanh nghiệp nhà nước đặt mục tiêu kinh doanh, dùng những lợi thế của mình để cạnh tranh, chèn ép doanh nghiệp tư nhân. Thay vì phục vụ công ích, các doanh nghiệp này lại làm hại cho việc kinh doanh của cả nền kinh tế.
 
Các doanh nghiệp nhà nước cũng đang sở hữu ngân hàng thương mại, góp mặt trong ma trận sở hữu chéo. Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn thoái vốn nhưng tiến độ rất chậm.
 
Mặt khác, Nhà nước yêu cầu không được làm mất vốn, đó là nhiệm vụ bất khả thi nếu thoái vốn trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo các tập đoàn dường như đã không chọn giải pháp hoạt động theo mục đích được giao mà tìm mọi cách duy trì lợi ích cá nhân. 
 
Ấy thế nhưng xử lý các doanh nghiệp này thì không đơn giản. Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước là “con mình”, xử mạnh tay cũng không đành lòng. Thứ hai, những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước cũng không thể xử lý như người bình thường được vì vướng những quy định về tổ chức cán bộ.
 
Tóm lại, muốn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đầu tiên phải phá băng tín dụng, nghĩa là xử lý số nợ xấu phát sinh từ ma trận sở hữu chéo. Có như vậy mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn với lãi suất hợp lý để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. 
 
Về phần các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước muốn các tập đoàn kinh tế giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế trong khi chúng đang dẫn nền kinh tế xuống “địa ngục” mà vẫn để yên thì rất phi lý. Phải kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi ngân hàng thương mại và các lĩnh vực đầu tư không đúng chức năng, chấm dứt việc lợi dụng mục tiêu công ích để chèn ép doanh nghiệp tư nhân. 
 
Nhà nước có đầy đủ công cụ thể thực hiện những việc trên, mong rằng các vị lãnh đạo có trách nhiệm và quyền lực kịp thời nhận thức rõ nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ của cả hệ thống ngân hàng, và quyết liệt thực hiện những cải tổ cần thiết, đặt nền tảng cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo