Ông chủ của Beeline mất bao nhiêu khi cuốn gói khỏi Việt Nam?
Đột ngột bán toàn bộ cổ phần cho đối tác Việt Nam, VimpelCom tuyên bố Beeline sẽ biến mất khỏi Việt Nam trong vòng sáu tháng nữa.
Cách đây chưa lâu, tập đoàn sở hữu 49% cổ phần của Beeline từng khẳng định quyết tâm vực dậy hãng cung cấp dịch vụ viễn thông di động này với quyết định đầu tư cả ngắn lẫn dài hạn.
Ông Michael Cluzel, tổng giám đốc của Beeline Việt Nam, từng cho biết: “Tôi thực sự thích chiến đấu với các ông lớn”.
Đầu tư 500, bán 45
Sự rút lui của VimpelCom được đánh giá là khá vội vàng, khi mà cách đây chưa lâu họ còn rót vốn và công bố kế hoạch đầu tư hoành tráng cho Beeline.
Beeline từng gây ấn tượng lớn trên thị trường khi tung ra sim tỉ phú, trong đó khách hàng được gọi nội mạng miễn phí 10 năm với giá trị một tỉ đồng trong khi giá bán sim chỉ 20.000 đồng.
Trước sự kiện đình đám đó, ông Cluzel cho rằng Beeline vẫn thu được lợi nhuận trên thuê bao và con số đó có khi còn cao hơn những nhà mạng khác. Thế nhưng rốt cuộc họ lại buông tay với nguyên nhân là thua lỗ.
Theo số liệu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Beeline đang có khoảng sáu triệu thuê bao. Tuy nhiên, số thuê bao thực chỉ khoảng 20% số lượng trên. Người dùng chủ yếu tận dụng các gói cước khuyến mại của nhà mạng này. Doanh thu năm 2011 của Beeline đạt khoảng gần 337 tỉ đồng.
Phía Tập đoàn VimpelCom đã công bố số liệu chứng minh năm 2011, doanh thu bình quân trên thuê bao một tháng của Beeline tại Việt Nam chỉ đạt 0,7 USD vào quý III và 0,9 USD quý IV, thấp nhất trong số các nước mà VimpelCom đầu tư.
Cùng thời điểm, tại Campuchia và Lào, ARPU của Beeline là 2 USD và 4,9 USD; còn các thị trường khác đều cao hơn. Việt Nam và Campuchia là hai thị trường VimpelCom bị lỗ, với tổng số lỗ tính đến hết năm 2011 là 527 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Dư, phó tổng giám đốc Gtel, cho biết việc bán lại cổ phần nằm trong chiến lược phát triển chung của Tập đoàn VimpelCom trên toàn cầu khi thu gọn hoạt động tại một số khu vực nhằm tập trung vào các thị trường trọng điểm.
Về đâu?
Vấn đề là sáu tháng nữa, quyền lợi người dùng Beeline chưa biết sẽ ra sao. Ông Dư cho rằng đây chỉ là một hoạt động hết sức bình thường của các công ty cổ phần và khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi.
Câu hỏi được đặt ra là liệu thiếu đi nguồn hỗ trợ tài chính và kinh nghiệm từ VimpelCom, Beeline có còn là Beeline? |
Cho dù như thế, khách hàng có thể sẽ lo lắng, vì đã có bài học nhãn tiền từ S-fone. S-fone cũng lao đao khi cổ đông SKTelecom rút vốn. Đến nay S-fone vẫn còn khó khăn. Ngay cả tại Beeline, chuyện khách hàng bị bỏ rơi cũng từng xảy ra, cách đây hai năm.
Beeline có lúc gần như bị tê liệt, thuê bao sụt giảm, chất lượng sóng yếu... khi VimpelCom tạm ngưng rót tiền vào mạng này.
Câu hỏi được đặt ra là liệu thiếu đi nguồn hỗ trợ tài chính và kinh nghiệm từ VimpelCom, Beeline có còn là Beeline?
Cuộc chơi viễn thông di động là cuộc chơi tiền tỉ. Và VimpelCom cũng chuẩn bị sẵn tâm lý đó khi hứa đổ khoảng một tỉ USD cho Beeline Việt Nam. Giờ thì Gtel trở thành công ty Việt Nam sở hữu 100% cổ phần của Beeline. Công ty này lấy đâu ra tiền để tiếp tục cuộc chơi dài hơi và tốn kém này?
Beeline ra đời là do sự hợp tác của VimpelCom và Gtel Mobile, tổng công ty trực thuộc Bộ Công an. Khi thành lập vào năm 2007, vốn điều lệ của Tổng công ty này chỉ là 500 tỉ đồng, một con số bé nhỏ nếu đem so với các công ty viễn thông khác và quá khiêm tốn để đi chặng đường dài và tốn kém.
Nếu Gtel tự lực cánh sinh để tiếp tục với Beeline thì riêng việc thay đổi Beeline thành một thương hiệu khác cũng đã ngốn không ít tiền bạc. Và để duy trì đầu tư, mở rộng cạnh tranh, Hãng sẽ còn cần nhiều tiền hơn nữa.
Ông Dư, Gtel Mobile, nhận định: “Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt cho Gtel vì chúng tôi nhận thấy thị trường viễn thông di động Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và những gì Beeline Việt Nam đã xây dựng được là rất có giá trị đối với bất kỳ một nhà khai thác viễn thông nào”.
Theo NCĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo