Thị trường

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: "Không bỏ ngoại lệ, 5-7 năm nữa tài chính lại trục trặc"

“Một điều dễ thấy là các thiết chế hiện nay không đảm bảo một luật chơi công bằng. Nguồn vốn vẫn tiếp tục chuyển dịch tới các DNNN bất chấp kết quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Nếu 5 đến 7 năm nữa, với cấu trúc, thể chế và khuôn khổ giám sát như hiện nay thì tôi ngờ rằng hệ thống tài chính một lần nữa sẽ gặp trục trặc”.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia tài chính, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã trao đổi như vậy xung quanh việc thực thi cơ chế giám sát và những lý giải về phân bổ dòng tài chính hiện nay ở Việt Nam.

Giám sát kiểu có như không

PV:- Thưa ông, trong một nghiên cứu của ông và đồng nghiệp vừa công bố có đưa ra thông tin khẳng định việc giám sát tài chính của Việt Nam đang bộc lộ những yếu kém, không hiệu quả. Ông có thể đưa ra những cơ sở để minh chứng cho nhận định của mình?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Như tôi đã trình bày trong nghiên cứu của mình, chức năng giám sát của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (UBGSQG) hiện nay chỉ là giám sát mờ do thẩm quyền và công cụ giám sát của UBGSQG không được quy định rõ ràng và cụ thể như các cơ quan thanh tra giám sát chuyên trách, chẳng hạn như Vụ thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính.

Từ trước đến, 3 cơ quan này chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát 3 khu vực tài chính tương ứng là ngân hàng, chứng khoán, và bảo hiểm. Từ năm 2008, tức là khi nền kinh tế vĩ mô bắt đầu đối mặt với trục trặc và hệ thống tài chính có sự bất ổn, lúc đó Thủ tướng mới ra quyết định thành lập UBGSQG.

Mặc dù, UBGSQG được Thủ tướng giao quyền giám sát chung cả 3 khu vực tài chính là ngân hàng, chứng khoán, và bảo hiểm, song cần phải lưu ý rằng, quyền giám sát của UBQSQG là quyền ủy quyền chứ không phải là quyền tự thân của cơ quan này.

Quyết định 34/2008/QĐ-TTg quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của UBGSQG không rõ ràng, tức là giám sát như thế nào, công cụ nào, khuôn khổ nào để giám sát thì không có.

Nói khác đi, UBQSQG đóng vai trò như một cơ quan giúp việc chứ không hẳn là một cơ quan giám sát tài chính độc lập được trao quyền hạn đầy đủ. UBGSQG không được trao quyền thanh tra và chế tài mà chỉ có quyền kiến nghị các cơ quan thanh tra giám sát chuyên ngành và cấp có thẩm quyền chế tài.

Như vậy, nếu trong trường hợp ý kiến của cơ quan thanh tra giám sát chuyên ngành không nhất quán với ý kiến của UBGSQG thì kiến nghị chỉ có giá trị tham khảo.

Thành ra chức năng giám sát ở đây chỉ mang ý nghĩa là trông coi, xem họ làm thế nào rồi về báo lại cho Thủ tướng. Chứ nếu phát hiện sai phạm về an toàn ngân hàng thì cơ quan này lại không có chức năng thanh tra cũng như thẩm quyền xử lý sai phạm. Chính điều này đã làm cho chức năng giám sát của UBGSQG không rõ ràng, không có hiệu năng và hiệu quả, thành ra có cũng như không.

PV: - Thưa ông, phải chăng chức năng giám sát tài chính kiểu có cũng như không như vậy đã dẫn đến câu chuyện thời gian qua các tập tổng số nợ của các tập đoàn Nhà nước lên tới gần 1.35 triệu tỷ, chiếm khoảng 50% GDP, trong đó, nợ ngân hàng của riêng những “ông lớn” này chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Ông bình luận như thế nào về số nợ rất lớn này, đặc biệt, khi các doanh nghiệp nhà nước từ lâu vẫn bị đánh giá là kinh doanh yếu kém nhưng lại được vay nhiều như vậy?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Đó chỉ là một phần của câu chuyện. Việc các tập đoàn, DNNN được vay vốn nhiều ở các ngân hàng, đặc biệt là các NHTMNN là do vấn đề sở hữu. Ở đây Chính phủ đồng thời là chủ sở hữu các DNNN nhưng cũng là người sở hữu các NHTMNN. Chính vì điều này mà lẽ đương nhiên các NHTMNN phải ưu tiên cấp vốn cho các tập đoàn, DNNN.

Cơ quan thanh tra, giám sát sẽ khó có thể đưa ra các biện pháp hạn chế việc cấp vốn như vậy, chưa kể bản thân cơ quan thanh tra, giám sát cũng thuộc Chính phủ. Bản thân UBGSQG dù có được nâng cấp hơn so với hiện nay thì hiện trạng đó vẫn tiếp tục duy trì, bởi vì UBGSQG sẽ không bao giờ có đủ thẩm quyền để có thể giám sát và buộc phải tuân thủ theo đúng luật chơi.

Nếu chúng ta áp đặt luật chơi của nền kinh tế thị trường thì nguồn vốn tự nó sẽ tìm đến những nơi có lợi nhuận cao nhưng rủi ro có thể kiểm soát được. UBGSQG có thể biết điều đó nhưng mà thẩm quyền của họ chỉ đến như vậy thôi. Cơ quan này chỉ có thể đưa ra những lời khuyên hay cảnh báo còn người ta có nghe hay không, phản hồi thế nào thì bản thân UBGSQG không can dự vào được.

Bây giờ phải thiết kế lại, nếu UBGSQG thấy việc thực thi chính sách tiền tệ như vậy là rủi ro nhưng NHNN không nghe vẫn làm theo cách khác thì NHNN phải có trách nhiệm giải trình cho UBGSQG lý do vì sao NHNN không hành xử theo lời khuyên cùng với các lập luận có căn cứ, chứ không phải cứ phát ra thông điệp rồi rơi vào chân không.

Kịch bản xấu cho hệ thống tài chính

PV: - Vậy nếu thiết chế này vẫn duy trì, theo ông kịch bản nào có thể xảy ra với dòng tài chính hiện nay?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Như chúng ta đã thấy có những ngoại lệ trong việc tuân thủ khung giám sát. Ví dụ quy định một khách hàng không được vay quá 15% vốn tự có của một ngân hàng. Quy định này là nhằm đảm bảo các ngân hàng không tập trung tín dụng dẫn đến rủi ro. Nhưng trong điều luật vẫn có điều quy định là trong trường hợp nhu cầu vốn vượt quá 15% vốn tự có thì các ngân hàng cho vay hợp vốn hoặc xin ý kiến Thủ tướng.

Những ngoại lệ cho phép dòng vốn dịch chuyển đến các DNNN khi họ làm ăn không hiệu quả đã mang rủi ro đến cho hệ thống tài chính

Đây là ngân hàng thương mại nhà nước và DNNN thì Thủ tướng có động cơ để cho phép ngân hàng nào đó cho vay vượt 15% vốn tự có. Tức là Thủ tướng sẽ chấp nhận một ngoại lệ. Trong trường hợp đó thì dầu là UBGSQG hay một cơ quan nào đó cao hơn thế nữa thì có đủ thẩm quyền để tuýt còi trong trường hợp đó không để đảm bảo một luật chơi công bằng?!

Tôi cho rằng mọi ngoại lệ cần được xóa bỏ. Chúng ta đang muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường thì những ngoại lệ như vậy cần được xóa bỏ. Phải chứng minh cho họ thấy mình đang thiện chí hướng đến luật chơi chung. Điều này sẽ có lợi cho bản thân nền tài chính của chúng ta trước chứ không ai khác.

PV: - Theo ông thiện chí này đã được thể hiện trong Đề án tái cấu trúc và cụ thể là với các ngân hàng chưa?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Tôi thấy Đề án tái cấu trúc các ngân hàng hiện nay chỉ tập trung giải quyết các trục trặc ngắn hạn còn nguyên nhân đưa đến trục trặc đó thì chúng ta chưa hề xử lý cũng như chưa có kế hoạch, biện pháp xử lý nó.

Thành ra với Đề án như vậy và với những gì đã làm trong thời gian qua, chẳng hạn như việc xử lý các ngân hàng yếu kém thì có thể trục trặc hiện nay tạm khép lại. Tuy nhiên, việc xử lý từng ngân hàng riêng lẻ không giúp có được một hệ thống ngân hàng lành mạnh và hiệu quả.

Tái cấu trúc ngân hàng phải nhìn trên phương diện tổng thể cả hệ thống chứ không phải từng ngân hàng. Hơn nữa, các giải pháp khác cũng phải được tiến hành một cách đồng bộ, nếu không thì 5-10 năm nữa với cấu trúc, thể chế, khuôn khổ giám sát như hiện nay thì tôi ngờ rằng hệ thống tài chính một lần nữa sẽ gặp trục trặc chính xác như những gì mà mình đang xử lý hiện nay.

PV: - Mới đây Thủ tướng tiếp tục yêu cầu rà soát việc đầu tư ngoài ngành, nhắc nhở các tập đoàn, DNNN phải rút vốn về. Động thái này thể hiện quyết tâm cao của Thủ tướng trong việc xử lý vấn đề này. Nhưng dựa trên những phân tích vừa rồi của ông thì Chính phủ lại đang chấp nhận những ngoại lệ khiến nguồn vốn chảy về các DNNN. Liệu điều này có mâu thuẫn gì với nhau không? Liệu rằng quyết tâm thoái vốn đầu tư ngoài ngành như chỉ đạo của Thủ tướng có phải đang hướng tới việc lập lại trật tự và xóa đi ngoại lệ cũ cũng như thay đổi thiết chế?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Ngoại lệ mà tôi nói đến là đã có từ trước tới nay chứ không phải bây giờ mới có.

Bây giờ việc yêu cầu thoái vốn là cần thiết mà không cần bàn luận thêm nhưng tôi cho rằng đi cùng với đó là phải xóa bỏ các ngoại lệ như đã nói trên đây. Phải đặt các DNNN này vào môi trường cạnh tranh thực sự với một lộ trình cụ thể.

Giống như Hàn Quốc, họ rất thành công trong chính sách công nghiệp. Trước hết là họ chọn đúng khu vực đóng vai trò chủ đạo. Họ cũng phân bổ nguồn lực dựa trên hiệu quả tài chính và có thể kiểm soát, giám sát được.

Đặc biệt là họ áp đặt luật chơi nghiêm khắc của thị trường. Trong vòng 5-10 năm doanh nghiệp phải có sản phẩm cạnh tranh quốc tế. Tiêu chí đánh giá một sản phẩm có thể cạnh tranh được hay không chính là khả năng xuất khẩu của sản phẩm đó. Nếu sản phẩm có thể được xuất khẩu ra nước ngoài và được thị trường chấp nhận, điều đó cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp là có thể cạnh tranh quốc tế. 

Trong khi đó, chúng ta lại không hề áp đặt một luật lệ như vậy và cũng không đưa ra lộ trình cạnh tranh quốc tế. Bất chấp kết quả yếu kém, chúng ta lại tiếp tục bơm tiền, bơm vốn, bơm cơ chế chính sách, bơm đất đai… và cuối cùng là những gì mà chúng ta đang nhìn thấy hiện nay.

Thoái vốn – phải đấu giá minh bạch

PV: - Cũng theo nhiều chuyên gia, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp vướng mắc vì yêu cầu phải bảo toàn vốn. Theo ông, vướng mắc này có thể được xử lý như thế nào? Liệu có thể yêu cầu công khai, minh bạch bán tài sản để thu hồi tối đa tiền ngân sách, quy rõ người chịu trách nhiệm phần vốn bị thất thoát và đưa ra hình thức xử lý đích đáng được không?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Mong muốn thoái vốn đi kèm theo ràng buộc phải bảo toàn vốn là một chính sách không nhất quán.

Một mặt buộc thoái vốn, một mặt lại yêu cầu không được thiệt hại. Như vậy tưởng như đặt DNNN vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nhưng thực ra là đang tạo cho họ cơ hội  để họ không phải làm gì cả.

Bởi vì họ có lý do khi Chính phủ hỏi tại sao anh không thoái vốn? Họ sẽ trả lời bằng vế đối trọng kia, tức là họ không thể bán dưới giá thành để bảo toàn vốn.

Chúng ta phải chấp nhận mất vốn. Đó là luật chơi. Doanh nghiệp nào để mất vốn thì lãnh đạo doanh nghiệp đó phải bị kỷ luật, cách chức và truy cứu trách nhiệm chứ không thể giằng co giữa các mục tiêu như vậy được.

Tôi nghĩ rằng phải thúc đẩy việc thoái vốn và xóa bỏ quan điểm bảo toàn vốn. Đầu tư sai lầm thì phải chấp nhận trả giá chứ không thể chờ đợi để tìm người thế thân. Thị trường phải là như vậy.

Còn việc làm thế nào để tài sản nhà nước không bị thất thoát do việc thoái vốn, tôi nghĩ cần phải đấu giá công khai các danh mục tài sản và thị trường sẽ có cách định giá hợp lý các tài sản đó.

Trước đây chúng ta cũng từng giằng co mục tiêu giữa việc tìm nhà đầu tư chiến lược nhưng vẫn đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước trong tiến trình cổ phần hóa. Thực tiễn cho thấy, với chính sách đa mục tiêu như vậy thì cuối cùng sẽ xôi hỏng bổng, giống không như trường hợp cổ phần hóa Vietcombank, còn BIDV thì đến bây giờ vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược.

Nói tóm lại, chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều và cái nào cũng muốn đạt được, thay vào đó phải biết chấp nhận được cái này, mất cái kia. Các phần vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, DNNN cần phải được nhanh chóng bán lại cho các nhà đầu tư khác, kể các nhà đầu tư nước ngoài, không nên do dự với lo sợ thua lỗ và thất thoát tài sản nhà nước ở đây. Một lộ trình thoái vốn khẩn trương cần phải được xác lập ngay, không thể chờ lâu hơn được.  

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo